Những 'chốt chặn' bị phá trong các đại án đấu thầu, trái phiếu (Kỳ 2)
Thay vì trở thành một 'bộ lọc' và 'chốt chặn' giúp cho công tác đấu thầu và phát hành trái phiếu được đảm bảo đúng quy định, nhiều công ty, đơn vị kiểm toán, thẩm định giá lại sẵn sàng trở thành những con rối cho chủ đầu tư và nhà thầu sai khiến, lũng đoạn hoạt động đấu thầu, phát hành trái phiếu gây thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, bòn rút tiền của nhân dân.
"Phù phép" hồ sơ thẩm định, lũng đoạn đấu thầu
Nhớ lại vụ án tại CDC Hà Nội, Thượng tá Hồ Văn Hùng, Trưởng phòng 6, Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết, trong vụ án sai phạm về đấu thầu của CDC Hà Nội do Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC khi đó thực hiện cũng có sự góp sức rất lớn của công ty thẩm định giá.
Nhằm hợp thức hóa thủ tục khi xác định gói thầu, CDC Hà Nội đã thuê Công ty Nhân Thành thẩm định giá để xác định giá. Thực tế giá trị gói thầu số 15 đã được ấn định là hơn 9 tỷ đồng. Việc thuê thẩm định giá chỉ để hợp thức hóa giá trị gói thầu. Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm đã áp mức giá cho từng mục thiết bị và yêu cầu Công ty Nhân Thành thẩm định, ban hành chứng thư đúng với mức giá đã đưa ra. Ngoài ra, Nhân Thành còn lùi thời gian ban hành chứng thư cho phù hợp với thời gian phê duyệt kế hoạch. Sau khi mua bán lòng vòng qua nhiều công ty "tay trong", các đối tượng đã nâng giá thiết bị lên nhiều lần nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước, gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng.
Sai phạm kéo dài mang tính hệ thống hơn của hoạt động thẩm định giá phải kể tới vụ đại án AIC. Trong vụ đại án AIC xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cùng với các công ty "quân xanh", "quân đỏ", hàng loạt cái tên liên quan đến đơn vị tư vấn quản lý dự án, lập hồ sơ điều chỉnh danh mục trang thiết bị y tế, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định hồ sơ mời thầu cũng như thẩm định giá thiết bị gói thầu đều "dính" sai phạm. Cụ thể, ngày 24/3/2011, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai ký hợp đồng với Công ty Thẩm định giá Đồng Nai về việc tư vấn thẩm định giá thiết bị các gói thầu từ số 2 đến số 9. Tiếp đó, nhiều hợp đồng thuê thẩm định giá giữa Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với các công ty thẩm định giá như: Công ty Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế hệ mới, Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai…để thẩm định giá và ban hành chứng thư của hàng loạt gói thầu giúp sức cho AIC trúng nhiều gói thầu tại đây.
Tài liệu của Cơ quan CSĐT thể hiện, Nguyễn Công Tiến khi đó là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới liên hệ móc ngoặc với Phan Huy Anh Vũ là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tư vấn thẩm định một số gói thầu dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi được chỉ định thầu, Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới đã thẩm định các gói thầu số 52, 56, các gói thầu theo hợp đồng tư vấn số 55 (gói thầu từ 64 đến 79). Hàng loạt chứng thư có liên quan đến thẩm định giá các gói thầu đã được phía công ty này ban hành sau khi thông đồng với AIC.
Quá trình thẩm định giá và ban hành chứng thư, Tiến và đàn em đã không thu thập báo giá, thông tin, không khảo sát đánh giá, không kiểm chứng thông tin để đảm bảo độ tin cậy, chính xác mà chỉ dựa trên số liệu, bảng báo giá do nhân viên AIC cung cấp để ấn định giá tại chứng thư thẩm định giá. Tất cả những chứng thư này đều được phía công ty thẩm định ra trên ban hành dựa trên việc lấy các báo giá do AIC cung cấp để làm căn cứ thẩm định giá, nâng giá các gói thầu 07, 52, 56, 64 đến 79, gây thiệt hại hơn 148 tỷ đồng của Nhà nước.
Các đối tượng Nguyễn Thị Dung, Giám đốc và Vũ Quang Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Mediconsult thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu các gói thầu 52, 64 đến 79 cho chủ đầu tư và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC. Các đối tượng này thay vì làm đúng quy định đã tiếp nhận định hướng từ Phan Huy Anh Vũ và AIC đưa danh mục, giá thiết bị vào báo cáo kết quả hoàn thành điều chỉnh danh mục. Căn cứ vào danh mục do AIC cung cấp để tư vấn hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu tạo điều kiện để AIC trúng thầu, giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 128 tỷ đồng.
Lấy ví dụ từ Công ty CP Thẩm định giá BTC Value có các thẩm định viên đã bị Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố tại các vụ án liên quan đến đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Bắc Ninh, Sở Y tế TP Cần Thơ, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Liên quan đến các gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên và gần đây là tại các kiến nghị của thanh tra một số tỉnh như Thái Bình, Kiên Giang chuyển cơ quan điều tra về việc Công ty CP Thẩm định giá BTC Value thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất vật tư tiêu hao trong phòng, chống dịch COVID- 19 và các gói thầu trong các dự án thuộc "hệ sinh thái" AIC.
Về kết luận thanh tra tỉnh Thái Bình liên quan đến thẩm định giá của Công ty CP Thẩm định giá BTC Value, Cục Quản lý giá đã báo cáo Bộ Tài chính và phát hành Công văn số 12342/BTC-QLG ngày 07/10/2020 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ, đồng thời cũng đề nghị UBND các tỉnh, địa phương thông báo kết quả xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp thẩm định giá đóng trên địa bàn địa phương với Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tiếp tục xem xét, xử lý, cũng như chú ý trong đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.
Đánh giá của Cục Quản lý giá, các sai phạm của Công ty CP Thẩm định giá BTC Value là đặc biệt nghiêm trọng đến mức đã bị Cơ quan có thẩm quyền tố tụng khởi tố. Đối với các sai phạm trên, trong giai đoạn trước khi Công ty CP Thẩm định giá BTC Value bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Quản lý giá đều yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá đang bị điều tra và truy tố trách nhiệm hình sự, đồng thời, xóa tên đối với các thẩm định viên này tại danh sách thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 36 Luật Giá.
“Vết dầu loang” sai phạm sang cả trái phiếu
Không chỉ "bán" dấu và chữ ký để "ăn tiền" trong những vụ án đấu thầu, hoạt động thẩm định giá, kiểm toán sai phạm còn bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ ở nhiều vụ đại án khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Những cái tên vi phạm bị Cơ quan CSĐT điểm danh gồm: Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc, Công ty APC Hà Nội và chi nhánh Sài Gòn, Công ty Thẩm định giá Ecomax, Công ty Định giá VAA…sai phạm ở từng mức độ khác nhau, đã bắt tay với Tân Hoàng Minh để phát hành, mua bán 9 gói trái phiếu trái pháp luật, qua đó huy động hơn 13.000 tỷ đồng.
Bùi Thị Ngọc Lân, Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc thừa nhận quá trình thực hiện kiểm toán đã không tiến hành kiểm tra một số hạng mục quan trọng, chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, không tiến hành đối chiếu tài liệu gốc nhưng vẫn ký phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập số 216/2021/BCKT/AASCN.PB ngày 23/6/2021 và số 219/2021/BCKT/AASCN.PB ngày 24/6/2021 với ý kiến dạng chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 của Công ty Soleil và Công ty Ngôi Sao Việt trái với chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
Còn Lê Văn Dò, Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội cũng bắt tay với các công ty con của Tân Hoàng Minh để "phù phép" hồ sơ kiểm toán, giúp cho các công ty này phát hành trái phiếu trái quy định của pháp luật. Cụ thể, sau khi được Phùng Thế Tính, Giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán Tân Hoàng Minh trao đổi, Dò thống nhất chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính năm 2020. Trước khi phát hành báo cáo kiểm toán độc lập năm 2020 với ý kiến chấp nhận toàn phần, Dò chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm tiểu xảo để ký phát hành nhằm tránh bị cơ quan CSĐT phát hiện, xử lý. Khai nhận tại Cơ quan CSĐT, Dò thừa nhận khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng kiểm toán với Công ty Cung Điện Mùa Đông đã không thực hiện theo đúng chuẩn mực kiểm toán Việt Nam; chấp nhận kiểm toán toàn phần để doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời gian nhanh nhất.
Cũng theo Cơ quan CSĐT, kết quả xác minh tại các công ty thẩm định tài sản đảm bảo trong vụ án lừa đảo xảy ra tại tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hiện nhiều vi phạm. Công ty Thẩm định giá Ecomax đã thực hiện thẩm định giá, ban hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá đối với 4 gói trái phiếu do các công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành. Cụ thể, với gói trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt phát hành vào tháng 9/2021 trị giá 1.900 tỷ đồng; tài sản bảo đảm theo các chứng thư thẩm định giá do Công ty Thẩm định giá Ecomax ban hành tổng trị giá 2.386,641 tỷ đồng. Thời điểm định giá, dự án Nam Đại Cồ Việt được Công ty Ngôi Sao Việt đưa ra làm tài sản đảm bảo chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa được giao đất, cấp giấy phép xây dựng; chưa đủ điều kiện để xác định tài sản đảm bảo. Tương tự, ở các gói trái phiếu khác, Ecomax chỉ căn cứ vào số liệu, tài liệu do Công ty Soleil cung cấp, không kiểm tra chứng từ, sổ sách kế toán để xác định giá trị tài sản, không thực hiện đúng Khoản 1, Khoản 4, mục II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05.
Ở các gói trái phiếu sau đó, Ecomax cũng chỉ căn cứ vào hồ sơ, số liệu do Tân Hoàng Minh cung cấp mà không kiểm tra, khảo sát thực tế, biết rõ lô đất chưa có giấy phép xây dựng, không có chứng từ làm căn cứ xác định việc hợp tác đầu tư nhưng vẫn ký ban hành chứng thư xác định giá trị quyền tài sản. Cùng với "vết xe đổ" đó, các công ty như Công ty Định giá VAA, Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thành Đô, Công ty CPA…đã thực hiện công tác thẩm định không đúng quy định. Các bị can có liên quan như Nguyễn Thị Hải, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội, Phan Anh Hùng, nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội chi nhánh Sài Gòn đều thừa nhận ký các chứng từ hợp thức hóa thủ tục theo quy trình kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, ký phát hành báo cáo kiểm toán độc lập, giả chữ ký, thực hiện việc kiểm toán, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần theo chỉ đạo của Lê Văn Dò là trái quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Những sai phạm này đã giúp cho các công ty có liên quan trong hệ sinh thái của Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu sai quy định của pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn người dân. (Còn nữa)