Những chủ doanh nghiệp thương binh đang viết tiếp bài ca người lính
Họ là những chủ doanh nghiệp thương binh tiêu biểu tại TP Hải Phòng không chịu khuất phục khó khăn, vươn lên làm giàu bằng tinh thần của những người lính thương binh 'tàn nhưng không phế'.
Trở về đời thường với những di chứng chiến tranh và vết thương trên cơ thể, những thương bệnh binh không chịu khuất phục trước khó khăn. Nhiều người đã đứng lên thành lập DN, công ty, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp cho xã hội, viết tiếp bài ca người lính.
Công ty Thương binh 23/9 nằm trên địa bàn quận Lê Chân (TP Hải Phòng) gồm 18 thành viên là những thương binh, cựu chiến binh Sư đoàn 328 tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm nào. Tên của Công ty – 23/9 được lấy theo ngày giỗ trận Đông Sông Lô, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (23/8/1985).
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn với những vết thương trên cơ thể và 2 mảnh đạn trên đầu, đã tập hợp anh em đồng đội, thành lập Công ty Thương binh 23/9 chuyên vận tải hàng hóa nhỏ lẻ. Những năm qua, công ty duy trì hoạt động ổn định với mức thu nhập tối thiểu 7-8 triệu đồng/người/tháng. Ông Hoàn cũng khởi xướng, kêu gọi đồng đội đóng góp, xây dựng nhiều nhà "Nghĩa tình đồng đội" tặng những cựu binh nghèo trên địa bàn Hải Phòng và tỉnh Hà Giang; tìm kiếm mộ liệt sĩ, đồng đội... Và dịp 27/7 hay 23/9 hàng năm, người thương binh Nguyễn Ngọc Hoàn lại gác lại mọi công việc, cùng đồng đội trở về chiến trường xưa.
“Chúng tôi năm nào cũng thế, cứ đến ngày 23/9 - ngày giỗ trận Đông Sông Lô là các anh em từ các tỉnh thành lại tập trung và tổ chức chuyến tri ân đồng đội. Ngày đó, các anh em đã hy sinh rất dũng cảm, còn một số anh em chúng tôi may mắn trở về với gia đình. Tuy rằng một phần thân thể của mình đã để lại chiến trường, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước. Trong kinh doanh cũng nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi động viên nhau cùng vượt qua...”, ông Hoàn chia sẻ.
Cùng với Công ty Thương binh 23/9, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có nhiều công ty, DN do các thương bệnh binh làm chủ. Theo Hiệp hội DN Cựu chiến binh Hải Phòng, Hiệp hội hiện có 150 hội viên, trong đó có 30 DN của các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Nhiều thương binh với những vết thương trên cơ thể, với sức khỏe và nguồn vốn ban đầu hạn chế, đã dựa vào nhau, cùng thành lập DN, trong đó có Công ty TNHH Thương mại 19/3 (địa chỉ tại đường Lán Bè, quận Lê Chân, Hải Phòng), kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, tổ chức sự kiện, in ấn quảng cáo.
Ông Đào Duy Toán, thương binh hạng 2, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại 19/3 kể rằng, có những thời điểm, hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 nhưng những người lính không chịu lùi bước.
“DN hiện nay có 25 thương binh, ngoài ra còn có một số con em gia đình thương binh, khuyết tật tham gia. Sau Covid-19 cũng ảnh hưởng nhất định hoạt động của công ty. Vừa qua, công ty cũng nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội, về mặt tinh thần cũng như vật chất, công ty cũng tạo được công ăn việc làm tương đối ổn định cho anh em, mức độ thu nhập đảm bảo đời sống của cán bộ công nhân viên”, ông Toán cho biết.
Tự lực vươn lên trong cuộc sống, không chịu khuất phục số phận để có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội là tâm nguyện của người thương binh hạng 3 Bùi Nguyên Tâm, người lính Sư đoàn 9 anh hùng. Rời chiến trường, ông Tâm học tiếp Trường Thương nghiệp và công tác tại Công ty Nông sản thực phẩm Hải Phòng. Sau khi nghỉ việc tại đây, ông Tâm mở Công ty CP Than Xuân Toan với quan niệm "chỉ khi kinh tế gia đình vững vàng mới có điều kiện giúp đỡ người khác". Trong suốt nhiều năm liền, Công ty CP Than Xuân Toan phát triển với gần 20 đại lý trên địa bàn Hải Phòng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 70, con cái đã lớn và có công ăn việc làm ổn định, ông Tâm dành nhiều thời gian cho công tác xã hội. Bên cạnh việc chăm lo, cùng các DN trong Hiệp hội Cựu chiến binh Hải Phòng xây dựng nhà nhân ái, nhà nghĩa tình đồng đội,... ông còn tích cực và luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Ông Bùi Nguyên Tâm vận động các hộ dân tại quê hương, hỗ trợ đền bù để mở rộng con đường từ cổng chính làng thôn Lai Thượng (xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng) ra bến đò và từ bến đò rẽ vào nghĩa trang.
“Khi mình làm ăn được và về quê hàng năm, tới những hộ nghèo, tết nhất bao giờ cũng có chút quà. Đặc biệt, Tết năm nào mình cũng có chút quà gửi đến thắp hương mẹ Việt Nam Anh hùng, các cụ cao tuổi. Vào dịp cuối năm, ngày lễ hội DN cũng có động viên vật chất, tinh thần với phong trào toàn dân đoàn kết ở địa phương”, ông Tâm bộc bạch.
Với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Đào Duy Toán, Bùi Nguyên Tâm và bao người lính thương binh tại Hải Phòng nói riêng, trên cả nước nói chung đã phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, khí chất cách mạng để tiếp tục tỏa sáng giữa thời bình, là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo.