Những chuyện chưa kể ở Lũng Súng, Lũng Lỳ: Vợ chồng y sỹ cứu người đến ngã gục vì kiệt sức

Hơn 20 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, khung cảnh hoàn tàn đổ nát... là những ký ức đau buồn không thể quên của người dân tại 2 bản Lũng Súng, Lũng Lỳ, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng trong cơn bão số 3 vừa qua.

Nhưng trong hoạn nạn, nghĩa đồng bào, tình làng xóm và tấm gương cán bộ cơ sở hết lòng vì nhân dân lại càng được khắc họa rõ nét hơn qua lời kể của những người may mắn thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Câu chuyện về vợ chồng y sĩ người dân tộc Tày cứu người đến kiệt sức ở Lũng Súng là minh chứng rõ nét cho những câu chuyện cảm động ấy.

Trạm Y tế xã Yên Lạc nằm cạnh khu vực sạt trượt

Trạm Y tế xã Yên Lạc nằm cạnh khu vực sạt trượt

Nữ y sĩ Lý Mùi Piền, dân tộc Tày, cán bộ Trạm Y tế xã vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện về sự cố sạt lở kinh hoàng rạng sáng 9/9 vùi lấp 6 căn nhà khiến 11 người chết tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.

“Lúc khoảng 1h25’’ nghe tiếng ầm rất lớn, rồi nghe tiếng người dân kêu cứu, lúc ấy họ cõng về từng người, từng người bị thương... Tôi cứu cháu bé 3 tuổi đầu tiên, đầu tóc, người toàn bùn đất, lại còn mất điện mất nước, tôi tưởng không cứu được rồi, cháu bầm tím hết. Tôi đặt cháu lên bàn, vừa cậy bùn đất, vừa xoa bóp ngực cho cháu, sau lấy tăm bông ngoáy tai, mũi rồi móc trong miệng cháu, trong đó có cả 5-7 hạt thóc rồi bùn đất…”, chị Piền nhớ lại.

Chị Piền kể, khung cảnh lúc đó vô cùng hỗn loạn, tiếng kêu cứu, gào khóc trong đêm tối khiến nhiều người hoảng loạn nhưng chị Piền lại hết sức bình tĩnh. Nhanh chóng xác định được những việc phải làm, chị Piền cùng chồng là anh Nguyễn Công Quý đã thức trắng đêm cấp cứu cho 9 người bị vùi lấp do đất đá sạt lở.

Hiện trường vụ sạt lở khiến 11 người chết tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Hiện trường vụ sạt lở khiến 11 người chết tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Chị Piền nhớ lại: Đúng ca chị trực đêm, trong số những người được đưa đến có quá nửa người bị thương nặng, có người gãy xương sườn, gãy tay chân, có trường hợp bị sức ép của đất đá vùi lấp... Và khi những nạn nhân của vụ sạt lở tạm qua cơn nguy kịch, cũng là lúc Y sĩ Piền ngất đi vì kiệt sức.

“Từ khoảng người thứ 5,6 gì đó tôi thấy chân tay bắt đầu bủn rủn, bụng lại đói nữa, nhưng tự nghĩ cố gắng cứu người xong chứ không thể nghỉ ngơi, ăn uống bây giờ được. Sau khi sơ cứu mọi người hoàn tất, đến khoảng 5h30 tôi đi lấy dịch truyền cho bệnh nhân thì bỗng nhiên thấy đèn pin, mái nhà quay cuồng đi, cố gắng cũng không đứng dậy được. Tôi vẫn nghe tiếng vẳng tiếng người dân lay gọi “Cô ơi cố gắng lên cô ơi, còn nhiều người đang chờ cô đấy”, nhưng tôi không trụ nổi nữa…”, chị Piền nhớ lại.

Anh Nguyễn Công Quý, chồng chị Piền là lao động tự do. Lo lắng cho vợ, đêm đó anh Quý cũng có mặt tại trạm y tế xã và đã cùng vợ thức suốt đêm hỗ trợ, chăm sóc cho những người bị thương. Dưới sự hướng dẫn của chị Piền, anh đun nước nóng lau rửa bùn đất, sơ cứu người bị nạn như một hộ lý thực thụ.

Suốt 22 năm gắn bó với Trạm Y tế Yên Lạc, chị Lý Mùi Piền luôn được người dân tin tưởng, yêu quý.

Suốt 22 năm gắn bó với Trạm Y tế Yên Lạc, chị Lý Mùi Piền luôn được người dân tin tưởng, yêu quý.

Anh Quý kể: “Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu vợ tôi vốn bé nhỏ (cao chưa đến 1,5m), mảnh khảnh lại có sức mạnh phi thường đến vậy. Tôi cuốn theo chỉ dẫn của vợ, không nghĩ gì ngoài việc thao tác thật nhanh để không người dân nào rơi vào nguy kịch”.

“Lúc ấy mọi người đã không còn nhà cửa gì, 2 vợ chồng tập trung cứu họ, lấy quần áo của vợ chồng tôi cho họ thay tạm thời để giữ ấm. Vợ thì rửa vết thương, tôi thì đun nước sôi để rửa sạch cho họ đỡ lạnh. Thương tâm nhất đứa bé có 11 ngày tuổi, đúng là may mắn, bố cháu bới được, đem ra trạm toàn bùn đất, trong miệng cả hạt thóc nữa…vậy nhưng đến giờ cháu đã tăng thêm được 6-7 lạng rồi đấy”, anh Công nói.

Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, Y sĩ Lý Mùi Piền đã trở lại trạm y tế tiếp tục công việc. Chị nói rằng việc cứu người là quan trọng, bởi sau bão lũ dịch bệnh có thể đến bất cứ lúc nào, bà con rất cần cán bộ y tế. Sức người có hạn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng tất cả cán bộ, nhân viên Trạm y tế luôn sẵn sàng túc trực và cố gắng cao nhất để hỗ trợ nhân dân trong giai đoạn khó khăn này.

Sau thiên tai, người dân đến thăm khám, lấy thuốc cũng tăng lên khiến công việc của cán bộ y tế xã như chị Lý Mùi Piền bận rộn hơn

Sau thiên tai, người dân đến thăm khám, lấy thuốc cũng tăng lên khiến công việc của cán bộ y tế xã như chị Lý Mùi Piền bận rộn hơn

“Tôi cũng không biết nghĩ như nào nữa, bệnh nhân đau thì trái tim mình cũng đau, như bật ra ngoài. Tôi cố gắng, quyết tâm mạnh mẽ lên, vận dụng hết khả năng chuyên môn trong đầu mình để băng bó, xử lý vết thương cho họ bớt đau, bớt mệt..”, chị Piền cho hay.

Suốt 22 năm gắn bó với Trạm Y tế Yên Lạc, chị Lý Mùi Piền luôn được người dân tin tưởng, yêu quý. Gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, bà con luôn đến trạm y tế xã để khám và nghe lời khuyên. Chị Triệu Mùi Nải cũng như nhiều người dân ở xóm Lũng Súng chia sẻ: "Thời điểm nguy cấp đó, nhìn bóng dáng nhỏ bé của Y sỹ Lý Mùi Piền, chúng tôi chỉ mong cô đừng gục ngã".

“Cháu thay mặt bà con Lũng Súng, cám ơn bá Piền đã cứu giúp người dân. Nếu bá Piền không cấp cứu kịp, những người bị thương sẽ mất nhiều máu, sẽ rất nguy hiểm”, chị Nải nói.

Trong lòng dân bản Lũng Súng, chị Lý Mùi Piền và những cán bộ y tế ở xã Yên Lạc là những “anh hùng”, những người hết lòng vì sự an nguy của bà con. Vậy nhưng với chị Lý Mùi Piền thì trong hoạn nạn, nghĩa đồng bào, tình đoàn kết chính là sức mạnh để người dân vượt qua mất mát, yêu thương đùm bọc, cùng nhau nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Công Luận-Lan Anh-Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-chuyen-chua-ke-o-lung-sung-lung-ly-vo-chong-y-sy-cuu-nguoi-den-nga-guc-vi-kiet-suc-post1125893.vov