Những chuyến đi thần tốc bịt 'lỗ hổng' trong truy vết và xét nghiệm
Với tâm huyết “người dân nước bạn cũng như người dân nước mình”, một số thành công trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam đã được áp dụng hiệu quả tại nước bạn. Thành quả trước mắt nhìn thấy ngay của y tế Việt Nam tại Lào trong lần hỗ trợ này chính là việc tăng cường năng lực truy vết và xét nghiệm.
Tranh thủ thời gian từng giây, từng phút, đoàn đã tới được ba tỉnh, thành phố, thăm 14 cơ sở y tế từ tuyến Trung ương tới tuyến xã, bảy trung tâm xét nghiệm và CDC Trung ương, CDC tỉnh, năm khu cách ly tập trung và hai làng xã có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao.
Chỉ trong buổi làm việc đầu tiên, ThS, BS Nguyễn Công Khanh (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) - Tổ trưởng chịu trách nhiệm về giám sát dịch tễ, truy vết ngay lập tức nhận ra nhiều “lỗ hổng” trong cả việc truy vết, giám sát, cách ly và xét nghiệm của nước bạn. Kế hoạch chia sẻ kinh nghiệm chi tiết được triển khai nhanh chóng, những dẫn chứng điển hình được đặt ra.
BS Khanh kể lại, tại Lào, từ ca bệnh chỉ điểm, y tế Lào ra thông báo ai có tiếp xúc thì tự nguyện tự giác khai báo đi làm xét nghiệm. Việc xét nghiệm cũng được làm trên tinh thần tự nguyện. Những điểm trọng yếu như cơ sở y tế, các điểm dịch có ca tiếp xúc gần chưa được tiến hành truy vết, xét nghiệm trên diện rộng để tầm soát nguy cơ.
Thực tế từ một ca chỉ điểm tại Champasak, các chuyên gia dịch tễ Việt Nam nhận thấy công việc truy vết đang rất chậm, sau 12 giờ mới tiếp cận được các đối tượng tiếp xúc gần F0. “Nếu để người dân tự nguyện, rất khó truy vết”, BS Khanh tư vấn. BS Khanh chia sẻ thêm với các đồng nghiệp bên Lào, nếu các bạn để truy vết chậm, không có mục tiêu phải truy vết trong 3-6 giờ theo từng đối tượng tiếp xúc như cách Việt Nam đã làm, các bạn sẽ phải đuổi theo dịch. Bên cạnh đó, nếu không mở rộng đối tượng xét nghiệm bắt buộc tại nơi nguy cơ như bệnh viện, một vài điểm nóng, dịch sẽ lan rất nhanh.
Tại Champasak, số lượng máy xét nghiệm rất ít, chỉ có hai máy xét nghiệm phục vụ cho tỉnh Champasak và bốn tỉnh chung quanh. Năng lực xét nghiệm chưa đạt cấp độ mong muốn, năng suất xét nghiệm thấp so với dân số. Do đó, đoàn đã chia sẻ chiến lược xét nghiệm khác nhau, ưu tiên các nhóm tiếp xúc gần, người yếu thế, người có bệnh lý nền, cán bộ nhân viên y tế cần xét nghiệm sàng lọc.
TS, BS Vương Ánh Dương: “Tính chuyên nghiệp của anh em rất sâu, làm việc đều theo quy trình. Năng lực của các thành viên rất tốt và rộng, họ đều phát huy được hết trong quá trình làm việc, phối hợp linh hoạt, nhịp nhàng và hầu như không xảy ra vướng mắc gì… Kết quả cuối cùng sau mỗi buổi chiều tôi thấy rất hài lòng”.
“Chúng tôi tư vấn cho các bạn xác định sàng lọc nhóm nguy cơ hay người cần ưu tiên trong sàng lọc cộng đồng để thiết lập hệ thống sàng lọc giảm nguy cơ lây lan từ người trong cộng đồng có yếu tố nguy cơ. Phát hiện sớm nâng cao năng lực điều tra truy vết chỉ là một phần, phần quan trọng nữa là phải nâng cao năng suất xét nghiệm và rút ngắn thời gian trả kết quả để phục vụ công tác điều tra truy vết để bảo đảm có thể xét nghiệm được người mắc. Do đó, chúng tôi đề nghị các bạn Lào phải nâng cao hơn nữa hoạt động chủ động của hệ thống y tế để phát hiện sớm ca bệnh”, BS Khanh chia sẻ với đồng nghiệp nước bạn.
BS Vương Ánh Dương cũng nhận ra, một trong những “lỗ hổng” trong công tác cách ly là chưa tách biệt được triệt để các phân khu đối với những người cách ly cũ và mới, dễ có nguy cơ lây nhiễm chéo. Lào cũng chưa có được sự triển khai đồng bộ trong quy định về tiêu chuẩn cho người ra khỏi khu cách ly và cơ sở điều trị Covid-19.
“Có nơi, bệnh nhân Covid-19 được cho ra viện chỉ sau 1 lần xét nghiệm âm tính vào ngày 14 nếu không có triệu chứng; hay tại cơ sở cách ly chỉ làm lần đầu vào ngày thứ 1 và lần 2 vào ngày thứ 7 nếu âm tính đến ngày 14 sẽ được ra khỏi khu cách ly, như vậy có thể có nguy cơ nhiễm vi rút sau ngày thứ 14 đối với một số biến chủng SARS-COV-2 (biến chủng UK, Brasil, Ấn Độ) có thời gian ủ bệnh dài hơn 14 ngày”, BS Dương chia sẻ.
Trong những chuyến đi thần tốc khảo sát tại những địa phương đang có dịch lớn nhất của Lào, Đoàn công tác nhận ra một vài địa phương đang có sự chênh nhau về quy định, hướng dẫn. Vì thế, đoàn quyết định làm việc thêm ở Vientiane, đi khảo sát các bệnh viện tại đây, dành thời gian gần một ngày làm việc với cơ quan tham mưu của Bộ Y tế Lào, làm việc với cơ quan chức năng để xem xét kỹ các hướng dẫn.
TS, BS Vương Ánh Dương: “Thời gian tới đây, nước bạn sẽ xây dựng trung tâm ICU theo tư vấn của chúng ta. Điều này sẽ hỗ trợ Lào trong tương lai rất tốt. Nếu sau này dịch bệnh của Lào bùng lên cần tới sự hỗ trợ hồi sức tích cực của chuyên gia Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng”.
Tại ngày làm việc cuối cùng ở thủ đô Vientiane, TS, BS Vương Ánh Dương cùng các anh em đã tìm những điểm khác biệt từ xét nghiệm, điều trị, chuyên môn, cách thức theo dõi bệnh nhân, triển khai cách ly tập trung… của các địa phương một cách chi tiết. “Với chi tiết đó, chúng tôi báo cáo lại đề xuất Bộ Y tế Lào ban hành văn bản hướng dẫn chung, ban hành bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện, hướng dẫn chẩn đoán điều trị… để làm sổ tay cho các địa phương. Lào cần có kế hoạch chung về thu dung, quản lý điều trị, cấp cứu Covid-19 chung của quốc gia và hướng dẫn các địa phương thống nhất lên kế hoạch theo các cấp độ dịch”, BS Dương chia sẻ.
Với những kinh nghiệm được chia sẻ, chỉ trong thời gian ngắn, Lào đã có sự chuyển biến rõ rệt trong công tác truy vết, trả kết quả xét nghiệm, đặc biệt tại ba địa phương Champasak, Savannakhet và Vientiane nơi đoàn công tác đi qua.
Thành quả trước mắt nhìn thấy ngay của y tế Việt Nam tại Lào trong lần hỗ trợ này chính là việc tăng cường năng lực truy vết và xét nghiệm cho nước bạn. Thời gian trả kết quả xét nghiệm nhanh hơn, tốc độ truy vết thần tốc hơn để kịp thời khoanh vùng ổ dịch. Năng lực xét nghiệm đã được nâng lên một bước rõ rệt. Lào đã thiết lập được đơn vị xét nghiệm tại các tỉnh; cán bộ được tập huấn nắm chắc kỹ thuật chuyên môn. Sinh phẩm và vật tư xét nghiệm được cung cấp đầy đủ và kịp thời.
ThS, BS Nguyễn Công Khanh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: “Việt Nam và Lào là hai nước anh em, là mối quan hệ mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững. Chúng tôi sang Lào vào đúng thời điểm sinh nhật của Bác Hồ. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi luôn chia sẻ với nhau, cùng kết nối dài lâu, bền chặt để cùng chiến thắng cuộc chiến này”
Công tác giám sát dịch tễ đã có kế hoạch phòng chống, đáp ứng dịch Covid-19 linh hoạt, phù hợp; có hướng dẫn quy trình giám sát dịch tễ cụ thể. Huy động các cấp chính quyền, công an, quân đội tham gia quản lý khu cách ly tập trung. Công tác truyền thông đã khuyến khích được người dân trong cộng đồng tham gia tự nguyện vào công tác phòng chống dịch.
Còn về điều trị, BS Dương chia sẻ, đó là một lộ trình dài hơn, cần phải có thêm nhiều thời gian để các cơ sở y tế tại đây nâng cao năng lực điều trị về cả trang thiết bị và nhân lực, đặc biệt là triển khai các kỹ thuật cao như lọc máu liên tục, máy thở xâm nhập, ECMO…
Lào có hai ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chiều 26/6, gặp Trung tá Khamphong Phouvong, Giám đốc Trung tâm cách ly tập trung Km 27, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Km 27 trong ngôi nhà đơn sơ, giản dị của mình, anh vẫn còn nhớ như in những hướng dẫn, chia sẻ và cả những tình cảm mà cả hai đoàn y, bác sĩ Việt Nam dành cho anh và cán bộ, y bác sĩ Lào khi làm việc.
Trung tá Khamphong Phouvong đánh giá cao việc đoàn Quân y Việt Nam thời gian ở Lào đã đến, trao đổi, chia sẻ nghiệp vụ tại gần như tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế quan trọng của quân đội Lào.
Rút trong ngăn kéo chiếc bàn làm việc tại nhà, anh liệt kê cho chúng tôi biết nơi đoàn đã đến làm nhiệm vụ trong gần ba tuần ở ba miền của Lào như tại các đơn vị Quân y cấp chiến lược là Viện Y học dự phòng và Vệ sinh Quân đội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 103, hai đơn vị đầu ngành tuyến cuối về xử lý dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 của Quân đội Lào. Làm việc với Bệnh viện dã chiến Km 27, Trung tâm cách ly tập trung Km 27, bệnh viện quân y cấp chiến dịch là Bệnh viện Quân y 101 ở Xiengkhouang, Bệnh viện Quân y 107 ở Luang Prabang, Bệnh viện Quân y 109 và Bệnh viện Quân y 106 ở Champasak cũng như Bệnh xá Sư đoàn 5.
Tại buổi làm việc với đoàn chuyên gia Quân y Việt Nam do Đại tá, PGS, TS Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Y học dự phòng làm Trưởng Đoàn, đoàn chuyên gia Quân y Việt Nam đã đi thăm, kiểm tra toàn diện Trung tâm cách ly tập trung và Bệnh viện dã chiến được tổ chức tại Trường bắn Km 27 của Quân đội Lào.
Bệnh viện dã chiến hôm đó mới được thiết lập và tiếp nhận người bệnh vào điều trị được gần 10 ngày, đang tổ chức điều trị cho khoảng 100 người bệnh. Làm việc với Lãnh đạo Cục Quân y và cán bộ nhân viên của Trung tâm cách ly và Bệnh viện dã chiến, các chuyên gia của Quân y Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các ý kiến tư vấn về công tác chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng như trong các buồng bệnh của bệnh viện.
Đoàn cũng đưa ra các chỉ dẫn và khuyến cáo về vấn đề phân loại, thu gom và xử lý chất thải từ khu cách ly và bệnh viện, đặc biệt là trong điều kiện lượng người đông, thời tiết nắng nóng và có thể có mưa. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vấn đề làm công tác tư tưởng cho các đối tượng đang thực hiện cách ly và người bệnh đang điều trị tại bệnh viện để họ yên tâm cách ly, tuân thủ nội qui, qui định cách ly và liệu trình điều trị. Đoàn đã cung cấp Hướng dẫn điều trị bệnh Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam để các bác sĩ Quân y Lào tham khảo và sử dụng.
Trung tá Khamphong Phouvong cũng cho biết, ngay từ hôm đầu tiên đặt chân đến Lào, đoàn đã làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào, đoàn đã làm việc sâu về công tác xét nghiệm, hướng dẫn sử dụng và giới thiệu kỹ về loại test nhanh kháng nguyên cùng chiến lược xét nghiệm của Việt Nam, vận dụng linh hoạt cả xét nghiệm RT-PCR cũng như sử dụng thêm test nhanh kháng nguyên vào sàng lọc bệnh nhân Covid-19; tư vấn và trực tiếp tham gia thiết kế cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào triển khai phòng an toàn sinh học cấp hai để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, nhằm chủ động năng lực phát hiện sớm ca bệnh và truy vết khoanh vùng dập dịch kịp thời, đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 cho các sự kiện quan trọng do Quân đội Lào tổ chức.
Trung tá Khamphong Phouvong rất ấn tượng với tác phong quân đội của các bác sĩ Quân y Việt Nam, việc đoàn Quân y Việt Nam mặc dù với lịch hoạt động dày đặc để giúp các bệnh viện, cơ sở y tế quân đội, nhưng mỗi khi nghe tin có ca bệnh Covid-19 nặng, đoàn đều đề nghị phía Lào đưa đến để chẩn đoán, thăm khám làm anh rất cảm động. Hôm 9/5, mặc dù đang có chương trình hoạt động tại Thủ đô Vientiane, nhưng đoàn đã lập tức đến Bệnh viện Setthathirath, nơi có một số người bệnh Covid-19 đang điều trị. Đặc biệt đối với một trường hợp là nữ, mới sinh con, đang có biểu hiện viêm phổi nặng, đoàn đã hội chẩn, đưa ra các hướng dẫn và điều chỉnh phác đồ điều trị cho người bệnh. Các y, bác sĩ Quân y Việt Nam đã thăm hỏi, động viên tinh thần, giúp người bệnh giảm căng thẳng, phấn khởi, yên tâm điều trị để có thể sớm khỏi bệnh.
Chỉ đạo nội dung: VIỆT ANH
Thực hiện nội dung: XUÂN SƠN - THIÊN LAM
Đồ họa & kỹ thuật: ĐỨC DUY
Ảnh: XUÂN SƠN - ÁNH DƯƠNG