Những cơ hội mới giúp con người có thêm trải nghiệm khám phá thế giới đại dương

Khi một trung tâm lặn gần Bristol (Vương quốc Anh) đột nhiên đóng cửa vào đầu năm 2022, nhiều thợ lặn đã thất vọng vì không còn cơ hội khám phá đại dương.

Sau khoảng 2 năm, DEEP - một công ty công nghệ đại dương có trụ sở tại Vương quốc Anh đã mua địa điểm lặn này làm trung tâm nghiên cứu. Công ty đã tiết lộ sứ mệnh "biến con người thành thủy sinh", thúc đẩy đam mê cho những người muốn khám phá nhiều hơn nữa ở thế giới đại dương.

DEEP có trụ sở tại Anh đang phát triển hệ thống Sentinel, được hiển thị trong bản kết xuất này. DEEP cho biết Sentinel – một môi trường sống dưới nước có thể định cấu hình lại, dạng mô-đun – sẽ cho phép con người sinh sống ở độ sâu 200 mét (656 feet) trong 28 ngày. Ảnh: CNN

DEEP có trụ sở tại Anh đang phát triển hệ thống Sentinel, được hiển thị trong bản kết xuất này. DEEP cho biết Sentinel – một môi trường sống dưới nước có thể định cấu hình lại, dạng mô-đun – sẽ cho phép con người sinh sống ở độ sâu 200 mét (656 feet) trong 28 ngày. Ảnh: CNN

Theo hãng CNN, nền tảng của kế hoạch này là một môi trường sống dưới nước có tên là hệ thống Sentinel, nơi mà công ty cho biết sẽ cho phép mọi người sống và làm việc ở độ sâu 200m (656 feet) trong tối đa một tháng.

Hệ thống Sentinel bao gồm các mô-đun được kết nối với nhau và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ thu thập dữ liệu về thành phần hóa học của đại dương đến khai quật các vụ đắm tàu lịch sử. Theo DEEP, môi trường sống mở rộng có thể được định hình theo nhiều hình dạng khác nhau để trở nên phù hợp cho nhiệm vụ của 6 người cũng như trạm nghiên cứu 50 người.

Công ty cũng hy vọng môi trường sống có thể thúc đẩy sự hiện diện lâu dài của con người dưới đại dương, giống như Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) - nơi con người đang sống và làm việc trong không gian kể từ năm 2000 - để mở rộng các cơ hội nghiên cứu về vũ trụ.

Tuần trước, DEEP đã công bố tiền thân của Sentinel, một môi trường sống dưới nước có phạm vi nhỏ hơn mà công ty đã sử dụng để phát triển các hệ thống lớn hơn như Sentinel nhưng cũng sẽ được giới thiệu dưới dạng một sản phẩm riêng biệt.

Cụ thể là Vanguard, một môi trường sống có kích thước 12m x 7,5m (25 feet) với đủ không gian cho 3 người ở dưới nước trong tối đa một tuần, sẽ sẵn sàng hạ thủy tại cơ sở của DEEP ở Vương quốc Anh vào đầu năm 2025.

Sean Wolpert, Chủ tịch DEEP, cho biết môi trường sống thử nghiệm có thể có những công dụng quan trọng khi cần triển khai nhanh, chẳng hạn như nhiệm vụ tìm kiếm những người sống sót trên một siêu du thuyền bị chìm ngoài khơi Sicily vào hồi tháng 8 năm nay.

Khi con tàu chìm xuống độ sâu 50m, thợ lặn chỉ có thể ở dưới nước trong khoảng 12 phút trước khi nổi lên mặt nước. Vì vậy, theo ông Wolpert, môi trường sống dưới nước được đặt ở đáy biển gần xác tàu có thể đóng vai trò là căn cứ cho thợ lặn.

Ngày nay, chỉ có một phòng thí nghiệm nghiên cứu dưới đại dương đang hoạt động trên thế giới, do Đại học Quốc tế Florida điều hành. Phòng thí nghiệm này có sự tham gia của các nhà nghiên cứu san hô. Tất cả đều phải trải qua thời gian đào tạo nghiêm ngặt trong môi trường dưới nước khắc nghiệt.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, hệ thống Sentinel sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2027 và ông Wolpert hy vọng sẽ có thể triển khai tại các địa điểm khác nhau trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đại diện công ty DEEP thừa nhận rằng cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này.

"Tại sao trước đây chưa từng thực hiện theo cách chúng tôi đang cố gắng thực hiện? Bởi vì điều đó rất khó. Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa", ông Wolpert nhấn mạnh.

"Chất xúc tác cho những cơ hội mới"

Các mô-đun của Sentinel sẽ được thiết kế bởi một nhóm 6 robot, sử dụng thép gia cố bằng siêu hợp kim gốc niken có tên là Inconel, có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt và đã được sử dụng trong các thành phần của tàu con thoi và tên lửa SpaceX.

Tùy thuộc vào áp suất hoạt động, hệ thống Sentinel có thể được tiếp cận bằng tàu ngầm, nơi thợ lặn có thể vào qua một lỗ mở ở phía dưới.

Một phao hỗ trợ trên bề mặt sẽ được trang bị giao diện Starlink để kết nối và môi trường sống sẽ được cung cấp năng lượng bằng các nguồn năng lượng tái tạo như tua-bin gió và tấm pin mặt trời trên bề mặt.

Ông Wolpert, cựu quản lý một quỹ đầu tư, cho biết công ty hiện đang tham gia vào các cuộc thảo luận nâng cao với các tổ chức và chính phủ trên khắp thế giới. Khách hàng có thể thuê, mua hoặc chia sẻ không gian trong môi trường sống, tùy thuộc vào nhu cầu của họ.

Môi trường sống có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các khoản đầu tư mới liên quan đến đại dương, "rất giống với những gì Trạm vũ trụ quốc tế đã làm để biến không gian trở nên hấp dẫn trở lại".

Nếu thành công, những công việc mới dưới đại dương, bao gồm giám sát và sửa chữa cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển, du lịch, đào tạo cho không gian, phục hồi san hô, đào tạo lặn biển và nghiên cứu y tế, sẽ mang đến những cơ hội khám phá mới cho con người trong thế giới đại dương.

Cuộc chạy đua khám phá dưới đại dương

Mối quan tâm của con người đối với môi trường sống dưới nước lần đầu tiên được triển khai bởi nhà hải dương học người Pháp nổi tiếng Jacques Cousteau vào những năm 1960 khi nhà hải dương này tìm cách xác định xem "các nhà du hành đại dương" có thể sống và làm việc dưới nước hay không.

Nhiệm vụ xây dựng "làng dưới nước" của ông Jacques Cousteau đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong cuộc chạy đua khám phá dưới đại dương.

McLean, cựu quan chức Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết một loạt các môi trường sống dưới nước từng rất phát triển, nhưng sau đó, mối quan tâm của công chúng đối với đại dương lại giảm dần.

NOAA đã vận hành Hydrolab, phòng thí nghiệm dưới nước đầu tiên từ năm 1970 đến năm 1985. Họ đã triển khai một phòng thí nghiệm khác, Aquarius, vào năm 1988 tại St. Croix, cũng thuộc Quần đảo Virgin (Mỹ). Môi trường sống có 6 giường tầng và có lò vi sóng, nhà vệ sinh, tủ lạnh, vòi hoa sen và truy cập internet.

Ngày nay, Aquarius nằm trong Khu bảo tồn biển quốc gia Florida Keys, nơi đây vẫn là phòng thí nghiệm dưới nước duy nhất trên thế giới dành riêng cho nghiên cứu.

Gần đây, những cá nhân giàu có đã dồn nguồn lực vào hoạt động thám hiểm đại dương. OceanX là một ví dụ. Công ty này được hỗ trợ bởi nhà sáng lập quỹ đầu cơ Ray Dalio nhằm thực hiện các sứ mệnh dưới đại dương.

Trong khi đó, nhà tài chính Victor Vescovo, người đầu tiên du hành đến những điểm sâu nhất ở 5 đại dương trên Trái đất, cũng đã ghi lại các cuộc tìm kiếm của mình trên truyền hình.

Theo các chuyên gia, các sáng kiến như DEEP có khả năng sẽ giúp thúc đẩy sự quan tâm và hứng thú của công chúng đối với đại dương.

Ông Wolpert cho biết DEEP không chỉ là một môi trường sống mà còn là một nền tảng để thu hút thế hệ tiếp theo. Công ty này hiện đang triển khai chương trình tiếp cận STEM do Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ tài trợ, chương trình này sẽ thu hút sinh viên tham gia vào một loạt các thử thách thiết kế công nghệ môi trường sống.

"Nếu mọi người không thể sử dụng môi trường sống một cách hiệu quả và an toàn thì chúng chỉ là những vật thể sáng bóng nằm dưới đáy biển", ông Wolpert nhận định.

Ông Wolpert hy vọng cách tiếp cận toàn diện của DEEP sẽ giúp duy trì "làn sóng" quan tâm đến đại dương.

"Có một sự ngắt kết nối rất lớn giữa loài người và đại dương. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy sự thay đổi điều đó và kết nối giữa nhân loại với biển cả", ông Wolpert cho biết.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-co-hoi-moi-giup-con-nguoi-co-them-trai-nghiem-kham-pha-the-gioi-dai-duong-2024091817084019.htm