Những cơn đau không tưởng

Với tính chất công việc phải đứng nhiều, ngồi nhiều dễ gây ra các bệnh về xương khớp, đặc biệt là vùng cột sống lưng.

Giáo viên thường bị các bệnh về xương khớp do đứng giảng bài hoặc ngồi quá lâu. Ảnh minh họa

Giáo viên thường bị các bệnh về xương khớp do đứng giảng bài hoặc ngồi quá lâu. Ảnh minh họa

Nhiều giáo viên đã phải chịu hệ lụy của nó ngay cả khi đã ngừng giảng dạy.

Suy giảm chất lượng cuộc sống

Cô giáo Nguyễn Thị Trà, Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) đã nghỉ hưu nhưng bị ảnh hưởng từ những cơn đau xương khớp, cột sống lưng. Điều này đã khiến sức khỏe cô giảm sút và giảm chất lượng cuộc sống. Chưa kể đến những hôm trở trời, cô Trà phải chịu những cơn đau không tưởng.

Ngồi và đứng là 2 động tác nhiều nhất trong nghề giáo. Nếu hai động tác này thường xuyên không đúng như ngồi không thẳng lưng, chân không vuông góc với sàn, đứng cong lưng, cúi người viết bài lên bảng… sẽ dẫn đến đau lưng và tổn thương cột sống về lâu dài.

Bên cạnh đó, việc mỗi tối phải thức khuya ngồi soạn giáo án mệt mỏi cũng sẽ khiến các thầy cô lơ là và dẫn đến ngồi sai tư thế. Cùng với việc ăn uống không đầy đủ và ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm ở giáo viên. Nhiều thầy cô trong quá trình dạy học cố chịu đựng cơn đau, đến khi bệnh trở nặng mới chịu đi khám thì rất khó điều trị. Điều này gây tốn kém và ảnh hưởng đến vận động.

Bệnh về xương khớp nói chung và ở giáo viên nói riêng không nguy hiểm ngay tới tính mạng. Nhưng về lâu dài, nếu không điều trị, bệnh có thể biến chứng như gây ra tàn tật vĩnh viễn. Việc tìm hiểu các nguyên nhân gây đau nhức xương khớp rất quan trọng. Từ đây bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác được bệnh và đưa ra phương pháp điều trị đúng, hợp lý.

Đau cột sống lưng là chứng bệnh phổ biến ở người có tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa dần. Theo bác sĩ Tạ Hồng Nhung (Bệnh viện Việt Đức), nhiều thầy cô thường có thói quen ngồi chúi về phía trước hoặc còng lưng.

Tư thế ngồi này làm tăng áp lực, khiến cột sống bị đè nén, gây đau nhức lưng, cổ, thúc đẩy quá trình thoái hóa cột sống diễn ra nhanh hơn, thậm chí làm biến dạng cột sống.

Đối với giáo viên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau lưng. Đó là do ngồi lâu hoặc ngồi sai tư thế như việc ngồi một chỗ quá lâu, ngồi xổm, khom lưng, vắt chéo chân… khiến các dây chằng, đĩa đệm bị chèn ép, khó lưu thông máu và dẫn đến cơn đau cột sống lưng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lưu ý cho giáo viên

Theo chuyên gia, sử dụng thuốc giảm đau có thể xem là cách nhanh nhất để làm dịu cơn đau lưng. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc khiến cơ thể bị phụ thuộc và tần suất cơn đau xuất hiện cũng tăng lên. Bởi đây không phải là cách điều trị đau lưng tận gốc.

Việc ngồi soạn bài, chấm điểm, vào sổ các hoạt động của học sinh… liên tục, đánh máy vi tính nhiều cũng làm cho các cơ, khớp bị căng cứng, đau nhức. Lâu ngày gây ra phù nề, thoái hóa khớp, nếu nặng cần phải có chỉ định phẫu thuật. Vì vậy, không nên xem thường nguyên nhân tưởng chừng như rất bình thường này.

“Để giúp cho cơ thể bớt mệt mỏi, đau nhức xương khớp, khi lên lớp, giáo viên nên đi giày đế bằng, chọn loại êm, nâng nhẹ bàn chân. Điều này nhằm mục đích giúp cho khi đứng hoặc di chuyển sẽ ít đau nhức các khớp. Lúc giảng bài, thỉnh thoảng nên ngồi xuống ghế để giảm bớt sức chịu đựng của đôi chân, hoặc đi lại thật nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể”, bác sĩ Nhung khuyến cáo.

Trong ngày, nên uống ít nhất 2 lần sữa giàu canxi, đạm và các khoáng vi lượng. Điều này giúp cơ thể nhận đủ vitamin và khoáng chất sẽ bớt mệt mỏi và xương khớp chắc khỏe, ít bị đau nhức.

Buổi sáng, thầy cô nên dành 1 - 2 phút để vươn vai, duỗi cơ thể để các cơ được thư giãn. Sau đó hãy nghiêng người sang một bên, chống tay xuống giường, bước chân xuống đất từ từ đồng thời dùng tay đẩy cơ thể ngồi dậy.

Cách này giúp việc ngồi dậy được thực hiện từ từ, không làm cơ bị co rút. Hơn nữa vì trước đó đã nằm ngủ cả đêm, cột sống không được vận động nhiều nên cần cho xương khớp được thả lỏng sẽ làm giảm đau lưng.

Bên cạnh đó, tắm nước ấm vào buổi sáng giúp lưu thông máu, làm giảm tình trạng cơ bị co cứng và làm dịu cơn đau lưng.

Giáo viên cần lưu ý, nằm nghiêng hoặc nằm sấp khiến cột sống cong lại, khung xương lưng, thắt lưng hay xương chậu bị vặn vẹo và tạo áp lực lên cột sống. Sau một thời gian, thói quen này sẽ gây nên các cơn đau lưng khi ngủ. Do vậy, thay vì nằm nghiêng, nằm sấp thì nên nằm ngửa để giúp lưng được thẳng và không bị áp lực đè nén.

Cơn đau lưng thường xuất phát từ việc mang nặng, hoạt động quá sức. Chính vì vậy, thầy, cô giáo nên dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Người bị đau cột sống lưng nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Tùng Bách

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-con-dau-khong-tuong-post616698.html