Những con đường mang lại hạnh phúc

Thời xa xưa, đồng bào miền núi nói chung, Hà Giang nói riêng chỉ có đường mòn dân sinh leo, trèo, lên, xuống đến với các bản, làng. Đồng bào gánh, gùi từng cân muối, chai dầu từ những nơi xa hàng trăm cây số bằng đôi chân cuốc bộ hàng mấy ngày đường. Các vật liệu nặng như xi măng, sắt, thép, chất lợp… khó có thể vận chuyển đến nơi ở. Vì thế, đồng bào vùng cao chỉ ở nhà cột gỗ, trình tường, lợp nhà bằng thân cây ngô hoặc vỏ cây Sa mộc, thắp đèn dầu, hoặc ánh lửa hồng của củi gỗ, thân ngô.

Khúc cua trên cung đường Hạnh phúc. Ảnh: TƯ LIỆU

Khúc cua trên cung đường Hạnh phúc. Ảnh: TƯ LIỆU

Từ thực tế khó khăn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, nên ngay sau khi tiễu phỉ thành công, Đảng bộ tỉnh Hà Giang tập trung mở con đường ô tô từ thị xã (nay là thành phố) Hà Giang lên Đồng Văn – Mèo Vạc và từ Bắc Quang vào Hoàng Su Phì – Xín Mần. Có đường ô tô, dầu, muối và hàng hóa thiết yếu cũng như vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, gạch ngói… được xe ô tô vận chuyển đến vùng cao, thay thế đôi vai gầy yếu, nhỏ bé của đồng bào đã đời đời, kiếp kiếp gùi gánh, mang vác đi bộ hàng ngày đường…

Do con đường là sự hạnh phúc của đồng bào vùng cao, nên Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo việc mở đường Đồng Văn đã gọi đó là con đường hạnh phúc. Có đường đến trung tâm các huyện, nhân dân không phải đi xa lấy dầu, muối và hàng hóa thiết yếu khác nên đã thật sự hạnh phúc từ những con đường; Đảng bộ tỉnh không dừng lại ở việc mở đường hạnh phúc đến các huyện mà còn nối tiếp con đường hạnh phúc từ trung tâm các huyện đến trung tâm xã và thôn, bản. Cụ thể, những thập kỷ cuối của thế kỷ XX, dưới bàn tay cần cù, chịu khó của bà con các dân tộc đã chung tay mở những con đường đến 100% trung tâm các xã trong tỉnh. 2 thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, những con đường trên địa bàn tỉnh ta đã vươn tới hầu hết số thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh.

Có đường tới tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đôi vai của đồng bào được giải phóng, bà con nông dân có điều kiện để tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng ngày một tăng cao, đời sống của đồng bào đã không còn đói, nhà xây hoặc lợp ngói, vĩnh viễn không còn những ngôi nhà tre và lợp bằng thân cây ngô; trong nhà có ti vi, điện thắp sáng, đi lại bằng xe máy, trao đổi với nhau bằng điện thoại, quần áo lúc nào cũng mới và sạch sẽ. Người vùng cao ai cũng biết chữ. Cuộc sống hôm nay của đồng bào vùng cao thật đúng nghĩa hạnh phúc.

Triệu Đức Thanh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202002/nhung-con-duong-mang-lai-hanh-phuc-756144/