Những con số lặng câm

Đánh giá cán bộ kiểu gì mà không tìm ra người để giảm biên chế - Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cảm thán như vậy trong lúc đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 7-11.

Không khó tìm câu trả lời cho vấn đề bộ trưởng nêu. Đó chính là vì đánh giá hình thức, nể nang nhau, ai cũng được nhận xét tốt đẹp cả, kết cục là vẫn tồn tại một bộ máy cồng kềnh trong đó có nhiều công chức, viên chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về".

Bằng chứng của sự "dĩ hòa vi quý" ấy cũng đã được nêu ra tại phiên chất vấn nói trên. Cụ thể, theo tổng hợp báo cáo từ 40 tỉnh - thành và bộ - ngành, có đến hơn 67% công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hơn 27% hoàn thành xuất sắc, đặc biệt chỉ 0,63% không hoàn thành nhiệm vụ.

Có tin được không con số 0,63% lý tưởng này? Về cảm tính thì chẳng mấy ai tin. Về định lượng thì thử xem: tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là 1,8 triệu người, riêng năm 2018 có khoảng 1.660 công chức bị xem xét kỷ luật. Chưa tính những nhóm khác mắc vi phạm nhẹ hơn, chỉ riêng nhóm bị xem xét kỷ luật đó đã chiếm gần 1% rồi; còn dạng công chức, viên chức làm việc "lềnh lềnh" thì nhiều lắm. "Với tư cách bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi đánh giá tỉ lệ này (0,63% - NV) là chưa chính xác… Dư luận xã hội nói chỉ 30% cán bộ, công chức làm việc thôi" - ông Lê Vĩnh Tân thẳng thắn.

Người đứng đầu ngành Nội vụ đã khẳng định như thế thì còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ không thực chất kiểu này thì chẳng dễ chút nào. Nếu chỉ kêu gọi chung chung các địa phương, bộ - ngành phải tự giác đánh giá "thật nghiêm túc" thì đừng có mơ. Bộ trưởng Nội vụ cho biết sắp tới, khi xây dựng nghị định về đánh giá cán bộ, công chức phải đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều. Hóa ra trước nay toàn là "đánh giá một chiều"! Dù không mấy hy vọng bộ tiêu chí hành chính trong tương lai gần sẽ làm thay đổi chất lượng cán bộ, chất lượng bộ máy theo hướng tích cực, thực chất nhưng có nó còn hơn không. Mà tại sao bao năm qua không "đánh giá đa chiều" trong khi việc bình bầu thi đua, đánh giá cán bộ luôn được tiến hành đều đặn từng năm hoặc 6 tháng?

Hậu quả của sự chậm trễ này là gánh nặng dồn lên "vai" bộ máy nhà nước và ngân sách quốc gia. Đến nay cả nước đã thực hiện được 85% kế hoạch tinh giản biên chế công chức; một số tỉnh - thành và bộ - ngành đã làm tốt việc này, giảm chi cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, thế nhưng đối với viên chức thì giẫm chân tại chỗ. Rất nhiều địa phương than trời vì thiếu viên chức, chủ yếu là giáo viên các bậc học từ mầm non tới THCS và hiện con số viên chức sự nghiệp được đề nghị tăng là 1.000. Nếu chấp thuận thì suốt 5 năm qua gần như không giảm được viên chức nào! Trong khi đó, chỉ riêng cử nhân sư phạm, theo ước tính thì đến năm 2020 thừa khoảng 70.000 người.

Đào tạo và tuyển dụng như hai đường thẳng song song, chẳng bao giờ gặp nhau. Đến bây giờ vẫn chưa thấy lời giải nào cho nghịch lý thừa với thiếu, giảm mà không giảm, thậm chí tăng thêm đó; và cũng chưa một ai chịu trách nhiệm. Đó vẫn mãi là những con số lặng câm...!

A.Q

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhung-con-so-lang-cam-20191107220834323.htm