Những công trình gắn kết Long An-TP.HCM

Về mặt hành chính, giữa tỉnh Long An và TP.HCM có một số điểm chung trong lịch sử hình thành và phát triển. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, Long An và TP.HCM có mối quan hệ mật thiết. Truyền thống gắn kết đó được gìn giữ, phát huy cho đến nay. Tại Long An hiện có những công trình mang đậm dấu ấn của TP.HCM.

1. Công viên Tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc là một biểu trưng của Long An. Ngoài các hạng mục xây dựng trước đây, còn có một nhà trưng bày vừa xây dựng hoàn thành - Nhà trưng bày quan hệ của Long An và TP.HCM trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1975).

Long An và TP.HCM có mối liên hệ mật thiết, gắn bó trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc. Truyền thống gắn bó đó của 2 địa phương được khắc họa sinh động qua các hộp hình với 5 chủ đề: Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn (bao gồm 1 phần TP.HCM ngày nay) ra đời; Căn cứ Vườn Thơm trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; Căn cứ Giồng Dứa trong kháng chiến chống Mỹ; Sự kiện 45 ngày, đêm đánh Mỹ tại vùng hạ Cần Giuộc và Bộ đội Phân khu 2 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa mùa Xuân Mậu Thân - 1968. Nội dung các hộp hình trong khu trưng bày được lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lựa chọn từ thực tế kháng chiến chống ngoại xâm của 2 địa phương.

Các hộp hình đều có hiệu ứng âm thanh và ánh sáng cùng các giải pháp mỹ thuật giúp không gian trưng bày sinh động và thu hút hơn. Tham quan khu trưng bày để tìm tài liệu phục vụ việc học, Như Ngọc (sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Em và các bạn sắp có bài thuyết trình ở trường, vì em quê Long An nên đảm nhận vai trò thu thập thông tin. Đến Nhà trưng bày quan hệ của Long An và TP.HCM trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1975), em có cơ hội hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh của thế hệ cha anh”.

2. Ngoài Nhà trưng bày quan hệ của Long An và TP.HCM, tại Long An còn có một công trình khác được xây dựng với sự phối hợp giữa Long An và TP.HCM - Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu tại huyện Châu Thành.

Nhà trưng bày quan hệ của Long An và TP.HCM trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1975) vừa được xây dựng hoàn thành

Nhà trưng bày quan hệ của Long An và TP.HCM trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1975) vừa được xây dựng hoàn thành

Giáo sư Trần Văn Giàu là nhà cách mạng tài hoa, một học giả lớn, một nhân cách lớn. Ông có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, giáo dục và nghiên cứu lịch sử. Là một người con của quê hương Long An nhưng phần lớn quá trình sống, nghiên cứu của Giáo sư lại gắn liền với TP.HCM. Tại 2 địa phương, các quỹ học bổng của Giáo sư vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay, nâng bước nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trên con đường học tập.

Để tưởng nhớ nhà cách mạng lỗi lạc của dân tộc, người con ưu tú của Long An nói riêng và miền Nam nói chung, năm 2012, tỉnh Long An công nhận Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu thuộc xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2016, Thành ủy TP.HCM có chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu tại quê hương ông. Tháng 10/2020, công trình chính thức được khởi công với nhiều hạng mục: Nhà lưu niệm, hệ thống điện chiếu sáng, cải tạo khuôn viên mộ gia đình,... với tổng kinh phí trên 8,7 tỉ đồng, do TP.HCM đầu tư. Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư trên 4 tỉ đồng xây dựng thêm các hạng mục: Cổng di tích và trưng bày về hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của Giáo sư. Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu vừa được xây dựng hoàn tất, trở thành niềm tự hào của chính quyền, người dân Châu Thành nói riêng và Long An nói chung.

Năm 2021, UBND tỉnh Long An đầu tư kinh phí xây dựng cổng di tích và trưng bày bên trong di tích

Năm 2021, UBND tỉnh Long An đầu tư kinh phí xây dựng cổng di tích và trưng bày bên trong di tích

2 công trình Nhà trưng bày quan hệ của Long An và TP.HCM trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930-1975) và Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu vừa được xây dựng hoàn thành là minh chứng cụ thể cho sự gắn kết giữa Đảng bộ, nhân dân TP.HCM với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Long An trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-cong-trinh-gan-ket-long-an-tp-hcm-a146634.html