Những cuộc cách mạng công nghệ trên ôtô
Công nghệ trên ôtô hiện đại về cơ bản bắt đầu xuất hiện từ năm 1990 dù phương tiện này được phát minh từ năm 1886.
Có thể điểm qua một số mốc quan trọng như sau.
Chiếc ôtô đầu tiên được phát minh năm 1886, sau đó Henry Ford tạo nên cuộc cách mạng mới với chiếc Model T năm 1908, khiến ôtô trở thành phương tiện phổ biến hơn.
Năm 1922, đề nổ bằng điện thay thế đề nổ thủ công, nhưng phải chờ tới năm 1949 Chrysler mới trang bị cơ chế này cho mẫu xe thương mại đầu tiên.
Bật lửa hút thuốc trong ôtô có từ năm 1921, sau đó là đài phát thanh năm 1930.
Khi yếu tố giải trí trong xe được quan tâm hơn, vô lăng trợ lực điện xuất hiện năm 1951. Sau đó Chrysler giới thiệu hệ thống điều hòa trong xe năm 1953, kiểm soát hành trình năm 1958.
Tiếp sau đó, dây đai an toàn 3 điểm xuất hiện trên mẫu xe Volvo năm 1959. Những năm 60 có cửa sổ điện, ghế sưởi và gạt mưa.
Phanh với cơ chế chống bó cứng ABS có từ năm 1971, bảng điều khiển số từ năm 1974, túi khí từ năm 1988 nhưng tới những năm 1990 mới chính thức được triển khai. Từ đây, các công nghệ hiện đại trên ôtô bắt đầu xuất hiện.
Năm 1990 - dẫn đường bằng vệ tinh
Năm 1990, Mazda là hãng ôtô đầu tiên cung cấp hệ thống dẫn đường GPS trên xe thương mại. Hệ thống này có mặt tại Nhật Bản đầu tiên sau đó tới Mỹ.
Ban đầu đây là tính năng tùy chọn có giá tới 1.995 USD (năm 1995). Phải tới tận năm 2000, chính phủ Mỹ mới cung cấp tín hiệu GPS chính xác cho người dùng dân sự, khi đó hệ thống dẫn đường bằng GPS trên ôtô mới bắt đầu thông dụng.
Năm 1998 - màn hình head-up màu
Những năm 80 của thế kỷ trước, màn hình trên kính lái (HUD) xe hơi là câu chuyện khoa học viễn tưởng. Gần 2 thập kỷ sau, nó trở thành hiện thực, lần đầu tiên trên mẫu xe đua Oldsmobile Cutlass tham dự giải Indy Pace Cars.
Sau đó, tính năng này dần thông dụng khi Toyota và Nissan cung cấp hệ thống tương tự. Hiện HUD là tùy chọn trên các mẫu xe tầm trung và là trang bị tiêu chuẩn trên các mẫu xe đời cao.
Mẫu xe đầu tiên có màn hình HUD màu là Chevrolet Corvette 1998. Cadillac bắt đầu cung cấp HUD trên dòng xe XLR, trong khi BMW khởi đầu với 5-Series 2003.
Năm 1999 - kiểm soát hành trình chủ động bằng laser
Mercedes nắm trong tay danh sách dài các công nghệ xuất hiện tiên phong trên thị trường, chủ yếu dành cho dòng xe cao cấp và cận cao cấp.
Tuy nhiên, chính Mitsubishi mới là hãng đầu tiên cung cấp tính năng kiểm soát hành trình điều khiển bằng laser với hệ thống kiểm soát hành trình dựa trên lidar.
Hệ thống này sử dụng bướm ga và kiểm soát hộp số để điều chỉnh tốc độ của xe chứ không dùng phanh.
Trong khi đó, Mercedes giới thiệu hệ thống Distronic năm 1999 trên S-Class và CL. Vai trò của hệ thống này không rõ ràng, trong lúc công nghệ xe tự hành tiến triển rất chậm.
Năm 2000/2001 - Bluetooth
Các mẫu xe ngày nay không thể thiếu Bluetooth nhưng sẽ là câu chuyện khác nếu quay lại thời điểm những năm 1990.
Có vẻ Chrysler nảy ra ý tưởng trang bị Bluetooth trên ôtô nhưng Acura TL của Honda mới là mẫu xe đầu tiên tích hợp công nghệ kết nối tầm gần này tại thị trường Mỹ.
Năm 2001 - hệ thống thông tin giải trí hiện đại
Khó có thể nói hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi thịnh hành khi nào. BMW lần đầu giới thiệu iDrive năm 2001 trên dòng xe 7 Series. Khi đó, iDrive vẫn còn thô sơ được điều khiển bằng núm xoay và rất ít nút chức năng trên bảng điều khiển.
Buick Riviera 1986 là mẫu xe đầu tiên được trang bị màn hình thông tin giải trí cảm ứng. Khi đó, tổ chức Popular Mechanics còn tố công nghệ này phạm luật.
21 năm sau, thời đại của Apple iPhone đầu tiên (2007) khơi mào cho làn sóng thịnh hành màn hình cảm ứng trên xe hơi.
Năm 2002 - camera lùi
Mẫu concept Buick Centurion 1956 đã được gắn camera lùi. 16 năm sau, Volvo mới phát triển ý tưởng này.
Tuy nhiên, mẫu xe thương mại đầu tiên tích hợp camera lùi lại là Toyota Soarer Limited 1991 tại thị trường Nhật Bản (Lexus SC tại các thị trường khác).
Kể từ năm 2018, camera lùi trở thành trang bị tiêu chuẩn trên tất cả ôtô mới tại một số quốc gia. Trong khi đó, camera 360 độ có từ năm 2008 trên mẫu xe Infiniti EX35.
Infiniti EX35 2008 sử dụng 4 camera tạo thành hình ảnh xung quanh xe. Kể từ đó, một số hãng xe bắt đầu phát triển tính năng này.
Năm 2004 - khởi động xe từ xa
Công nghệ khởi động ôtô từ xa thực tế đã có trước thời điểm 2004, chủ yếu trên các mẫu xe độ. Năm 2004, GM quyết định tích hợp công nghệ này từ nhà máy.
Trước khi khởi động, xe sẽ chạy chương trình kiểm tra áp suất dầu động cơ, nhiệt độ động cơ, vị trí van xả, vị trí cần số/phanh và điện áp ắc quy. Nếu mọi thứ đều ổn và nắp capô không mở, xe sẽ cho phép khởi động từ xa qua chìa khóa.
Tính năng này chủ yếu hữu ích tại những vùng nóng ẩm hoặc lạnh giá. Tài xế sẽ khởi động xe từ trước để khi ngồi vào ghế lái, nhiệt độ bên trong đã mát hoặc đủ ấm để di chuyển được ngay.
Năm 2006 - tự đỗ xe
Mẫu sedan LS 460 2006 là xe thương mại đầu tiên có tính năng tự đỗ xe. Để kích hoạt, người lái cần chuyển về số lùi, kích hoạt camera lùi rồi sau đó nhấn biểu tượng đỗ xe song song trên màn hình cảm ứng.
Sau đó, người lái bỏ tay khỏi vô lăng để xe tự lùi và đánh lái vào chỗ đỗ. Hiện công nghệ này đã chính xác và thông minh hơn trước.
Năm 2007 - theo dõi điểm mù
Volvo phát triển hệ thống BSIS (Blind Spot Information System) và tích hợp trên mẫu sedan S80 2007. BSIS cảnh báo tài xế khi họ chuyển làn mà có xe khác đang di chuyển bên cạnh.
Mazda sau đó trang bị hệ thống tương tự cho Mazda CX-9 2008 nhưng chỉ có trên bản Grand Touring. Năm 2013, Mazda triển khai đại trà cho nhiều dòng xe, tiếp sau đó là nhiều hãng khác.
Hệ thống theo dõi điểm mù còn được sử dụng cho hệ thống an toàn với giao thông băng cắt phía sau.
Năm 2007 - đèn pha LED
Đèn halogen ngốn nhiều năng lượng và thường chỉ có độ bền khoảng 800 giờ, trong khi đèn HID (High Intensity Discharge) lại quá đắt đỏ và phức tạp.
Rất may đèn pha LED lại cân bằng giữa hai yếu tố này, có ánh sáng trắng và sáng nhanh hơn đèn halogen, đồng thời ít tốn điện năng và có tuổi thọ bền hơn.
Đèn pha LED cũng dễ ghép với nhau do sử dụng các bóng cỡ nhỏ, cho phép nhà sản xuất nghĩ ra nhiều kiểu đèn sáng tạo hơn.
Thực tế, sử dụng đèn LED ngoại thất đã có từ năm 1986 trên chiếc Chevrolet Corvette, cụ thể là đèn phanh.
Sau đó Kia sử dụng đèn báo rẽ bằng LED năm 2002, tiếp đến Audi R8 2007 sử dụng đèn định vị ban ngày bằng LED.
Mercedes S-Class thế hệ hiện tại là xe đầu tiên sử dụng toàn bộ đèn LED cho cả nội thất và ngoại thất.
Năm 2009 - xe kết nối smartphone
Năm 2009, lần đầu tiên Mercedes phát hành ứng dụng “mbrace” cho phép chủ xe tương tác với phương tiện từ xa thông qua smartphone.
Ứng dụng này chạy trên iPhone và Blackberry, cho phép khóa và mở khóa xe từ xa, đồng thời xác định vị trí của xe.
Kể từ đó, nhiều ứng dụng tương tự ra đời và được nâng cấp tính năng. Giờ đây, chúng có thể phân tích tình trạng xe, kiểm tra mức nhiên liệu, khởi động từ xa, thậm chí đặt lịch sử dụng các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.
Năm 2012 - giấy phép đầu tiên cho xe tự hành
Cuộc đua phát triển xe tự hành thương mại đầu tiên có từ năm 2010. Khi đó Google được cấp phép thử nghiệm công nghệ xe không người lái.
Sau đó chiếc Toyota Prius được cấp phép thử nghiệm tại bang Nevada (Mỹ), mở đường cho chạy thử nhiều phương tiện tự hành khác.
Cùng xe tự hành, các tính năng như giữ làn, tránh va chạm, kiểm soát hành trình thích ứng nâng cao tiếp tục được phát triển và nâng cấp.
Năm 2014, Tesla cập nhật thêm tính năng tự lái Autopilot cho xe điện của hãng. Autopilot tự đánh lái và thay đổi làn dựa trên dữ liệu thu thập từ cảm biến của xe.
Năm 2014 - Apple CarPlay và Android Auto
Vấn đề với hệ thống thông tin giải trí mà nhiều hãng xe gặp phải là chúng không được thiết kế tốt và phải dựa vào phần cứng của smartphone.
Năm 2014, Apple giới thiệu CarPlay và cùng với Android Auto ra mắt sau đó, cuộc chơi đã thay đổi.
Cả Apple và Google đều dẫn đầu với công nghệ dẫn đường và điều khiển bằng giọng nói. Hệ thống sử dụng các ứng dụng âm nhạc và du lịch thông dụng, gắn cuộc sống hàng ngày với chiếc xe, đảm bảo nâng cấp dễ dàng như smartphone.
Giờ đây, tất cả những gì bạn cần là kết nối smartphone với ôtô và ngay lập tức chúng biến thành hệ thống thông tin giải trí tiện dụng.
Năm 2018 - smartphone là chìa khóa ôtô
Mở cửa ôtô không cần chìa đã có từ khá lâu. Hệ thống SecuriCode của Ford có từ năm 1980 và được gọi với cái tên thông dụng hơn là Keyless Entry System.
Trong mảng này, Tesla lại là cái tên tiên phong. Năm 2018, hãng xe Mỹ giới thiệu với khách hàng giải pháp sử dụng smartphone thay thế chìa khóa ôtô.
Chiếc Model 3 có thể cảm nhận được smartphone của chủ xe từ khoảng cách 9 m và tự động mở cửa xe.
Tuy nhiên, có những lo ngại về an ninh và an toàn khiến cho nhiều hãng xe không mặn mà với công nghệ này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cuoc-cach-mang-cong-nghe-tren-oto-post1088474.html