Những cuộc khủng hoảng trên thế giới có thể tiếp diễn trong năm 2023
Thế giới trong năm 2022 đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tại các quốc gia trên thế giới và chúng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2023.
Các cuộc khủng hoảng kép ở một số khu vực khác nhau trên toàn cầu là tổng hợp các nguyên nhân địa chính trị, kinh tế và tự nhiên. Bước sang năm 2023, thế giới tiếp tục phải đối mặt với những cuộc xung đột kéo dài, bất ổn kinh tế và những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu.
Hàng năm, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York (Mỹ), đưa ra danh sách những cuộc khủng hoảng nhân đạo dự kiến sẽ xảy ra trong năm tới.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2/2022 gây ra cuộc khủng hoảng di cư lớn. Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), xung đột đã khiến 6,5 triệu người Ukraine đã phải di dời trong nước và hơn 7,8 triệu người đang tị nạn trên khắp châu Âu.
Nhiều người vẫn đang phải đối mặt với một mùa đông khó khăn khi thiếu thực phẩm, nước, chăm sóc sức khỏe và các nguồn cung cấp thiết yếu khác.
“Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm từ 2 - 3 triệu người rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm sự ấm áp và an toàn. Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức đặc biệt về sức khỏe, bao gồm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như Covid-19, viêm phổi và cúm, cũng như nguy cơ nghiêm trọng mắc bệnh bạch hầu và sởi ở những nhóm dân số chưa được tiêm phòng”, Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói.
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế nhận định rằng, cuộc xung đột ở Ukraine có thể kéo dài sang năm 2023, khiến người Ukraine phải đối mặt với nguy cơ bị thương, bệnh tật và tử vong ngày càng cao.
Bạo lực băng đảng ở Haiti
Haiti đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và nước đang gây ra nạn đói và chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ nước ngoài.
Bất ổn chính trị và bạo lực băng đảng tại Haiti đã gia tăng sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào năm 2021. Đến năm 2022, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các băng nhóm có vũ trang phong tỏa một trạm nhiên liệu trọng yếu. Việc phong tỏa bắt đầu vào tháng 9 và đã dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt và dầu diesel tại Haiti.
Việc thiếu nhiên liệu đã buộc các bệnh viện phải cắt giảm nhiều dịch vụ quan trọng và các công ty cung cấp nước phải đóng cửa. Ngân hàng và cửa hàng tạp hóa cũng khó khăn để duy trì hoạt động vì nguồn cung cấp nhiên liệu đã cạn kiệt và giá cả leo thang.
Tình trạng bạo lực băng đảng tại Haiti có thể vẫn tiếp tục xảy ra vào năm 2023 khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Haiti cũng ghi nhận mức độ mất an ninh lương thực kỷ lục vào năm 2022, dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023.
Bạo lực ở Nam Sudan
Nam Sudan vẫn đang phục hồi sau cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2018. Ước tính có gần 400.000 người thiệt mạng và hàng triệu người vẫn đang phải vật lộn để sống sót sau cuộc nội chiến.
Các thảm họa khí hậu bao gồm lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng khiến người dân ở Nam Sudan ngày càng khó tiếp cận lương thực và các nguồn lực cơ bản.
Phần lớn người dân Nam Sudan, khoảng 7,8 triệu người, sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ khủng hoảng vào năm 2023. Tuy nhiên, bất chấp lũ lụt nghiêm trọng, mùa màng bị tàn phá và dịch bệnh bùng phát ở Nam Sudan, tình trạng thiếu kinh phí đã buộc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc phải tạm dừng một phần viện trợ lương thực cho nước này vào năm 2022.
Tình trạng bạo lực trên khắp đất nước cũng đe dọa dân thường và những người ủng hộ nhân đạo. Nam Sudan luôn có mức độ bạo lực cao nhất thế giới đối với nhân viên cứu trợ, cản trở khả năng tiếp cận những người cần sự giúp đỡ.
Khủng hoảng nhân đạo ở Syria
Hơn một thập kỷ chiến tranh đã phá hủy hệ thống y tế của Syria và đẩy đất nước này đến bờ vực sụp đổ kinh tế. Cuộc xung đột ở nước láng giềng Lebanon đã làm tăng giá lương thực và tình trạng nghèo đói. Hiện tại, 75% người dân Syria không thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của họ và hàng triệu người sống nhờ vào viện trợ nhân đạo.
Giá cả hàng hóa tại Syria sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023. Xung đột và các cuộc không kích đang diễn ra có thể buộc nhiều người phải di tản.
Đợt bùng phát dịch tả gần đây có nguy cơ làm quá tải hệ thống nước và chăm sóc sức khỏe của Syria. Mạng Cảnh báo sớm và Phản ứng với Dịch bệnh (EWERN) xác nhận hơn 22.000 người ở Syria nghi mắc bệnh tả, 96 người đã tử vong.
Kể từ năm 2014, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ủy quyền cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyển hàng viện trợ từ các nước láng giềng vào Syria. Tuy nhiên, “dây cứu sinh” quan trọng này có thể bị cắt đứt với hàng triệu người dân Syria vào đầu năm 2023, khoảng thời gian giữa mùa đông, khi nhu cầu tăng đột biến.
Xung đột mới ở Yemen
Cuộc xung đột tại Yemen đã kéo dài từ năm 2014, khi lực lượng Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô Sanaa, khiến chính phủ phải lưu vong sang Saudi Arabia. Các cuộc giao tranh bùng phát mạnh từ năm 2015, khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen.
Cuộc khủng hoảng ở Yemen đang ngày càng sâu sắc khi cuộc xung đột kéo dài 8 năm giữa các nhóm vũ trang và lực lượng chính phủ vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù lệnh ngừng bắn giúp giảm giao tranh trong vài tháng, nhưng đã thất bại vào tháng 10/2022 và không thể giúp giảm thiểu hậu quả kinh tế.
Tài trợ nhân đạo cho Yemen cũng đã giảm dần. Hiện tại, 80% dân số sống trong cảnh nghèo khổ và 2,2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
Do thỏa thuận ngừng bắn thất bại, xung đột lớn có thể nổ ra tại Yemen vào năm 2023. Yemen có nguy cơ đối mặt với bạo lực gia tăng trừ khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hơn.
Hiện tại, giao tranh cục bộ vẫn tiếp diễn gây khó khăn cho các tổ chức nhân đạo trong việc cung cấp viện trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất. Những hàng hóa cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu sẽ vẫn nằm trong khả năng chi trả của nhiều người dân Yemen.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng ở Afghanistan
Hơn một năm kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, người dân Afghanistan vẫn đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn.
Trong khi nguồn viện trợ lớn từ các nước khác đã giúp ngăn chặn nạn đói ở Afghanistan vào mùa đông năm 2021, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng vẫn tồn tại. Những nỗ lực liên tục để thu hút sự tham gia của chính phủ và cải thiện nền kinh tế đã thất bại. Gần như toàn bộ dân số hiện đang sống trong cảnh nghèo đói và chuẩn bị đối mặt với một mùa đông khó khăn phía trước.
Bước vào mùa đông đầu năm 2023, hàng triệu người có nguy cơ không thể chi trả cho các nhu cầu cơ bản, trong bối cảnh hạn hán và lũ lụt tàn phá mùa màng và giết chết vật nuôi.
Phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan còn phải trải qua nhiều khó khăn hơn khi đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về quyền con người.
Hiện tại, Afghanistan có số lượng người lâm vào tình cảnh mất an ninh lương thực khẩn cấp cao nhất thế giới với hơn 23 triệu người cần được hỗ trợ và khoảng 95% dân số không đủ lương thực.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho rằng, Afghanistan sẽ tiếp tục đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới khi ước tính 28,3 triệu người sẽ cần cứu trợ trong năm 2023, tăng mạnh so mức 24,4 triệu người vào năm 2022.
Hạn hán và xung đột ở Ethiopia
Năm 2022, Ethiopia trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất từ trước cho đến nay. Đồng thời, các cuộc xung đột trên khắp đất nước đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và ngăn cản các tổ chức nhân đạo cung cấp viện trợ.
Một thỏa thuận hòa bình vào tháng 11/2022 có thể được duy trì và mang lại hy vọng chấm dứt xung đột ở Tigray, miền Bắc Ethiopia, song 28,6 triệu người vẫn cần viện trợ nhân đạo. Ứng phó với hạn hán của Ethiopia cần 1,66 tỷ USD nhưng nước này chỉ được viện trợ 42% vào cuối năm 2022.
Vào năm 2023, hỗ trợ nhân đạo hạn hán ở Ethiopia có thể sẽ không được cung cấp đầy đủ, thậm chí còn thiếu hụt hơn so với các nước Đông Phi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự. Điều này sẽ khiến người dân Ethiopia rơi vào cảnh chết đói do hạn hán và giá lương thực tăng cao.
Ngoài ra, nếu thỏa thuận hòa bình của các cuộc xung đột bị phá vỡ, nhu cầu nhân đạo sẽ còn tăng cao hơn nữa./.