Trong quý I, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán chứng kiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí lần đầu thua lỗ sau nhiều năm.
Trải qua quý I với biến cố Covid-19, nhiều doanh nghiệp niêm yết bắt đầu ngấm đòn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ông lớn giữ vững vị thế. Điển hình là Vinhomes với lợi nhuận tăng trưởng 200% và giữ ngôi vương trên sàn chứng khoán. 4 cái tên còn lại trong top 5 về lợi nhuận ròng bao gồm 3 ngân hàng và đại gia ngành sữa Vinamilk.
Được ví như mạch máu của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn chiếm nhiều vị trí trong top các doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận. Tuy nhiên trong quý I, các ngân hàng không còn đồng loạt báo lãi lớn như trước. Cả 3 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV dù vẫn lãi lớn nhưng sụt giảm so với cùng kỳ khi phải tăng trích lập dự phòng. Đây là những ngân hàng trụ cột, làm đầu tàu trong việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với top 3 ngân hàng tư nhân về lợi nhuận, xuất hiện sự phân hóa khi Techcombank, VPBank vẫn tăng trưởng, nhưng MBBank đi lùi.
Vinhomes là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản lớn không suy giảm trong quý I. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục 200% so với cùng kỳ phần lớn đến từ việc bán vốn ở giai đoạn 2 của đại dự án Grand Park (quận 9, TP.HCM).Đại gia địa ốc tỷ USD còn lại trên sàn chứng khoán là Novaland cũng tăng trưởng lợi nhuận nhờ chuyển nhượng cổ phần công ty con dù doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Ngược lại, hai ông lớn ngành xây dựng là Coteccons và Hòa Bình cảm nhận rõ ràng hậu quả khi thị trường bất động sản chững lại với việc doanh thu, lợi nhuận đều thụt lùi.
Quý I chưa phải là thời điểm đau đầu nhất vì dịch bệnh với các doanh nghiệp bán lẻ, hàng tiêu dùng khi việc đóng cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu vào cuối tháng 3. Thế giới Di động vẫn tăng trưởng trong khi lợi nhuận PNJ mới giảm 5%. Masan tăng doanh thu hơn 100% nhưng lỗ hơn 200 tỷ chủ yếu do tiếp nhận chuỗi bán lẻ Vinmart từ Vingroup. Trong khi đó, lợi nhuận của Vinamilk không thay đổi đáng kể.
Ngành bia trong khi đó trải qua “cú sốc kép” dịch Covid-19 và Nghị định 100. Doanh thu và lợi nhuận của hai đại gia bia rượu cùng sụt giảm nặng nề. Sabeco có quý báo lãi thấp nhất từ năm 2016, còn Habeco thua lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm khó khăn, các chuyên gia phân tích cho rằng người tiêu dùng sẽ dần thích nghi được với quy định không lái xe sau khi uống rượu bia như nhiều quốc gia khác, và ngành bia sẽ tăng trưởng trở lại.
Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại sớm và nghiêm trọng nhất vì dịch bệnh với yêu cầu hạn chế đi lại. Vietnam Airlines lỗ hơn 2.600 tỷ trong quý I, nhiều hơn số lợi nhuận làm ra trong cả năm 2019. Vietjet thua lỗ lần đầu kể từ khi niêm yết với con số gần 1.000 tỷ đồng. ACV, doanh nghiệp quản lý 21/22 sân bay trên cả nước vẫn có lãi nghìn tỷ nhưng cũng hụt thu đáng kể so với cùng kỳ.
Một ngành kinh doanh khác chịu tổn thất nặng nề trong 3 tháng đầu năm là xăng dầu. Tuy nhiên, giá dầu thế giới xuống đáy chứ không phải dịch Covid-19 mới là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ xăng dầu trong nước thua lỗ. Lọc hóa dầu Bình Sơn, Petrolimex PV Oil lỗ lần lượt 2.300, 1.800 và 500 tỷ đồng. Việc giá xăng dầu giảm mạnh khiến các doanh nghiệp này phải kinh doanh dưới giá vốn, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.