Những đài thiên văn của người tiền sử
Trên rặng núi Big Horn ở Bắc Mỹ có khoảng 50 vòng xếp bằng đá, mà người da đỏ gọi đó là 'Những bánh xe chữa bệnh', thể hiện cách gọi của họ về những khối hình bí ẩn bằng đá cũng như ý nghĩa của chúng…
Trước đây gần nửa thế kỷ, nhà thiên văn học gạo cội người Mỹ John Edi giải thích đó chính là "tấm lịch thiên văn" thời tiền sử, với các vách đá được phân chia tương ứng với các hành tinh trên bầu trời theo vị trí so ngang.
Chiếc "đồng hồ vũ trụ" này hiển nhiên được người da đỏ cổ đại dùng để tính những kỳ lễ hội, cũng như giúp xác định "ngày lành tháng tốt" cho những dự định tối cần của cả bộ lạc.
Ở Muuz (Canada) cách Big Horn 650km về phía bắc cũng có những vòng đá tương tự, nhưng có kích thước lớn hơn với đường kính mỗi vòng đá dài tới 9m, cùng trọng lượng là 60 tấn. Chúng đã tồn tại ngay từ trước Công nguyên (Tr.CN).
Còn vòng đá ở Majorville thuộc tỉnh Alberta, phía tây Canada có độ tuổi tương đương với Kim Tự tháp Ai Cập là 2000 năm trước Công nguyên (Tr.CN). Các vòng đá ở Muuz ngoài những hình tròn truyền thống như bánh xe (trục, vành, rẻ quạt…); còn có các vòng đá giống hình mặt trời, với "tâm" là một đống đá lớn và các "tia" đá tỏa chiếu khắp 4 phương 8 hướng xung quanh…
Các "Intihuatanas" (cột chống trời) vốn hiện diện nhan nhản khắp Vương quốc của người Inca cổ, nhưng phần lớn đã bị những "nhà khai hóa" Tây Ban Nha hủy hoại trong thế kỷ XVI, bởi họ cho đó là "những sáng tạo của quỷ"(!).
Chẳng ai rõ những cây cột khổng lồ ấy được tạo ra để làm gì, nhưng hiển nhiên là chúng đã được các nhà chiêm tinh học tiền sử dùng để tính các mốc thời gian trọng đại của người Inca - khi mặt trời đạt tới đỉnh điểm chu kỳ hoạt động trong năm. Còn ở Machu Picchu (Peru) vào đầu thế kỷ trước, một nhà khảo cổ học người Mỹ đã khám phá ra một đài thiên văn cổ, với các ô cửa số có vị trí tương ứng với các vì sao trong hệ mặt trời.
Trên cao nguyên Nazca phía nam Peru có những rãnh vạch sâu theo đường thẳng, hình tròn và các hình tượng khác, đã hiện diện trước đây cả 2.000 năm. Nhà khảo cổ học Paul Cocos tình cờ khi quan sát cảnh mặt trời lặn dọc theo các đường vạch đó, đã khiến ông gọi Nazca là "cuốn sách thiên văn lớn nhất thế giới".
Tổng diện tích của các đường vạch trên đầm lầy Nazca vào khoảng 1.000km2, nhưng chúng chỉ là một trong những trang thuộc cuốn sách "minh họa thiên văn" khổng lồ, trải dọc phần tây rặng núi Andes hùng vĩ xuyên suốt lục địa Nam Mỹ. Đường nét trong "bức tranh thiên văn" kéo xuống tận Chile.
Vòng đá Stonehenge trong bình nguyên Salisbury phía nam nước Anh, một công trình quá sức với khả năng của loài người cách đây 4.000 năm. Các nhà thiên văn thời cổ đã sử dụng vòng đá bí ẩn này để tính cột mốc ngày tháng, cũng như các kỳ nhật thực hay nguyệt thực trong năm. Vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước, "câu đố" về vòng đá Stonehenge đã được một nhà thiên văn học Australia chính thức "giải mã", khi ông gọi đó là "chiếc máy tính của thời đồ đá".
Không có nơi nào trên hành tinh này mà các di chỉ bằng đá lại tập trung nhiều như ở Carnac trên bán đảo Bretagne của Pháp. Các "đường đá" làm chúng ta liên tưởng ngay tới các ký hiệu thiên văn. Còn hai nhà nghiên cứu cũng là 2 cha con người Scotland là Alexander Tom và Arsi Tom, lại cho đó chính là "trạm thiên văn đặc biệt" chỉ dành để nghiên cứu mặt trăng.
Trong thời cổ đại, lẽ dĩ nhiên các nhà làm lịch cũng rất được trọng vọng bởi họ giúp cho mùa màng được bội thu nhờ cách tính triền nước của các dòng sông, qua việc quan sát những thời điểm mặt trời mọc và lặn; xác định được những kỳ lễ hội, năm mới, việc phân chia 4 mùa…
Tóm lại khoa học tân kỳ, trong nhiều trường hợp vẫn chịu "bó tay" trước nền khoa học cổ đại, trong đó trình độ nghiên cứu thiên văn học của người tiền sử luôn là một thách đố trầm kha…