Những đảng viên nêu gương dẫn dắt hộ nghèo
Để các dự án hỗ trợ giảm nghèo phát huy hiệu quả, nhiều địa phương lựa chọn, giao các đồng chí đảng viên có kinh nghiệm phát triển kinh tế tham gia hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ. Bằng tinh thần trách nhiệm, họ đã trở thành những hạt nhân dẫn dắt hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.
Phát huy kinh nghiệm, vai trò tiền phong
Năm 2023, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, UBND xã Cẩm Đàn (Sơn Động) triển khai dự án hỗ trợ nuôi ong bản địa cho 38 hộ nghèo, cận nghèo tại 4 thôn: Cẩm Đàn, Trại Răng, Rộc Nẩy và Gốc Gạo. Tham gia dự án, mỗi hộ được cấp miễn phí 16-17 đàn ong, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhằm giúp các hộ khai thác hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, Đảng ủy xã họp, thống nhất chỉ đạo Chi bộ thôn Cẩm Đàn giao đảng viên Đồng Xuân Dũng tham gia mô hình.
Với kinh nghiệm hơn 5 năm nuôi ong, anh Dũng thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng bệnh. Với 12 hộ lần đầu tiên nuôi ong, anh đến từng gia đình giúp khảo sát, lựa chọn vị trí đặt chuồng nuôi gần nguồn mật, phấn hoa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Thời điểm nhận ong đúng lúc không phải mùa hoa, anh hướng dẫn các hộ bổ sung dinh dưỡng.
Ngoài ra, anh phổ biến cách chống rét cho đàn ong theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, sau gần 5 tháng tiếp nhận, đàn ong của các hộ phát triển ổn định, không có tình trạng bị chết hay bỏ đàn. Anh Nông Văn Phong, thôn Cẩm Đàn cho biết: “Dù đã được tập huấn trước khi nhận ong song do đây là lần đầu tiên tôi nuôi ong nên gặp khó khăn, nhất là thời điểm rét đậm. Được anh Dũng hướng dẫn, hiện 17 đàn ong của gia đình khỏe, chuẩn bị cho mật ngọt. Nếu thuận lợi, cuối năm nay gia đình tôi sẽ thoát nghèo”.
Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình MTQG, các địa phương triển khai 230 dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 89 tỷ đồng. Điểm nhấn là nhiều địa phương lựa chọn, đưa đảng viên làm kinh tế giỏi cùng tham gia dự án, chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ. Tại huyện Sơn Động, trong số 65 dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai năm 2023, hơn 30% dự án có sự tham gia của đảng viên.
Tại xã Minh Đức (thị xã Việt Yên), để giúp 31 hộ nghèo, cận nghèo thuộc hai dự án hỗ trợ bò sinh sản và lợn, Đảng ủy, UBND xã giao 2 đồng chí đảng viên cùng tham gia, giữ vai trò tổ trưởng là Vũ Xuân Tấn, Trưởng thôn Đài Sơn và Nguyễn Như Thắng, Trưởng thôn Mỏ Thổ.
Đồng chí Thân Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết: “Tiêu chí lựa chọn tổ trưởng các dự án trước hết phải là đảng viên giữ vai trò bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, có kinh nghiệm trong sản xuất bởi họ nắm chắc kỹ thuật, vừa có trách nhiệm. Dù không có kinh phí hỗ trợ, không được thụ hưởng dự án song từ khi được giao nhiệm vụ, các đồng chí Vũ Xuân Tấn và Nguyễn Như Thắng vẫn hằng ngày bám hộ. Khi phát hiện vật nuôi bị ốm, các đồng chí kịp thời phối hợp tìm cách điều trị”.
Tạo sức bật để vươn lên
Từ các nguồn vốn hỗ trợ, kết quả giảm nghèo ở các địa phương đều vượt mục tiêu đề ra. Kết thúc năm 2023, toàn tỉnh còn 12.558 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,17% so với năm 2022 (mục tiêu đề ra là giảm 1%/năm). Ở hầu hết ở các dự án, bước đầu các loại cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, do trình độ canh tác, sản xuất, khả năng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật của các hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế nên ở một số dự án, đàn vật nuôi, cây trồng sinh trưởng chậm.
Có những dự án do thiếu người dẫn dắt, kết nối tiêu thụ nên nhiều hộ sau khi được hưởng lợi đã không phát huy được hiệu quả kinh tế. Ví như sau khi được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ trồng bưởi, dù cây phát triển tốt, sai quả song do tiêu thụ khó khăn, giá thấp nên 51 hộ tại xã Canh Nậu (Yên Thế) ngại mở rộng, những hộ khác cũng không muốn chuyển đổi sang cây trồng này...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh giảm còn 1%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%. Cụ thể hóa mục tiêu này, năm 2024, các địa phương chủ động rà soát, lồng ghép hiệu quả nguồn lực đầu tư trên cơ sở hỗ trợ có điều kiện, ưu tiên vùng khó khăn hơn.
Trước mắt, trong kế hoạch thực hiện chương trình MTQG năm 2024, các ngành, địa phương đều đặt ra mục tiêu cụ thể để hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó xác định rõ những cây, con đặc sản, phù hợp với tập quán sản xuất và đặc thù địa bàn; có kế hoạch hỗ trợ các hộ liên kết sản xuất, tiêu thụ. Để triển khai 8 dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong năm nay, UBND thị xã Việt Yên yêu cầu các xã, phường có dự án lựa chọn cán bộ, đảng viên sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia, vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa bảo đảm đầu ra của sản phẩm cho các hộ.
Tại xã Cẩm Đàn, mới đây, Đảng ủy xã có nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng, trong đó đề ra mục tiêu, trong năm 2024 hình thành chuỗi liên kết nuôi ong, phát triển sản phẩm mật ong đạt OCOP 3 sao. Đồng chí Lê Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã có 4 dự án nuôi ong được triển khai với 138 hộ được thụ hưởng, nâng tổng số đàn ong của xã lên gần 5 nghìn đàn. Xác định nuôi ong là một trong những hướng giảm nghèo của xã, chúng tôi hỗ trợ thành lập hợp tác xã, đồng thời lựa chọn 4 đảng viên có kinh nghiệm tham gia hướng dẫn các hộ nhân rộng đàn ong”.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Để những dự án này phát huy tối đa hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, cùng với quan tâm phát triển sản xuất, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; quan tâm phát huy kinh nghiệm, tinh thần tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong dẫn dắt các hộ nghèo, cận nghèo phát triển, mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-dang-vien-neu-guong-dan-dat-ho-ngheo.bbg