Những dấu ấn, di sản và một Việt Nam trách nhiệm, sẻ chia, gánh vác tại Hội đồng Bảo an

Với 3 phiên thảo luận cấp cao, hơn 30 cuộc họp cấp Đại sứ, 10 văn kiện được thông qua tại Hội đồng Bảo an trong đó có 4 Nghị quyết, tháng 4/2021 đi vào lịch sử như một bước tiến của ngoại giao đa phương Việt Nam.

Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu trong cuộc họp họp tổng kết Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021 ngày 30/4.

Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu trong cuộc họp họp tổng kết Tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021 ngày 30/4.

Không những làm tròn vai Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), dấu ấn và di sản mang tên Việt Nam tại tổ chức toàn cầu này một lần nữa chứng minh cho một quốc gia chủ động, tích cực, trách nhiệm, sẵn sàng sẻ chia và gánh vác với cộng đồng quốc tế để giải quyết các thách thức với hòa bình và an ninh thế giới.

Nỗ lực tìm mẫu số chung

So với tháng 1/2020 khi Việt Nam lần đầu làm Chủ tịch HĐBA trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực (2020-2021), thời điểm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA lần này là không hề dễ dàng khi đại dịch Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, xung đột và bất ổn tại các khu vực gia tăng, trong đó có vấn đề Myanmar.

Bên cạnh đó, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng sâu sắc, các nước HĐBA có quan điểm khác biệt, đối chọi lẫn nhau trong nhiều vấn đề…

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đẫ nỗ lực tìm mẫu số chung, tiếp tục có nhiều đề xuất và sáng kiến để HĐBA đi đến thống nhất nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, kết quả nổi bật trong tháng Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021 của Việt Nam được thể hiện trên ba phương diện:

Thứ nhất là công tác điều phối, điều hành công việc với tư cách Chủ tịch HĐBA. Trong tháng 4/2021, chúng ta đã điều hành khối lượng công việc khá lớn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ và hàng chục cuộc họp cấp làm việc để thảo luận nhiều vấn đề trên tất cả các châu lục, từ châu Phi, Trung Đông tới châu Âu, châu Á… Chúng ta cũng đã đề xuất và được thông qua tại HĐBA 10 văn kiện, trong đó có 4 Nghị quyết.

“Điều đáng mừng là các văn kiện, các nghị quyết này được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí của các nước, qua đó thể hiện vai trò điều phối, trao đổi, đối thoại của Chủ tịch HĐBA để duy trì sự đồng thuận, đoàn kết của thành viên trong HĐBA LHQ trong suốt tháng Chủ tịch do Việt Nam đảm nhiệm”, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang nói.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 19/4, Việt Nam chủ trì Phiên thảo luận cấp cao trực tuyến với chủ đề "Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột".

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 19/4, Việt Nam chủ trì Phiên thảo luận cấp cao trực tuyến với chủ đề "Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột".

Đặc biệt, Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự sống của người dân được 64 nước thành viên HĐBA (bao gồm cả Việt Nam) tham gia đồng bảo trợ được Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho là một “di sản của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA nói riêng và trong cả nhiệm kỳ UVKTT nói chung”.

Thứ hai là những đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề được thảo luận, trao đổi và công việc của HĐBA. Bằng quan điểm, lập trường hết sức xây dựng, căn cứ vào Hiến chương LHQ, vào luật pháp quốc tế, Việt Nam đã nêu rõ lập trường, quan điểm về các vấn đề xem xét thảo luận tại HĐBA để thúc đẩy đối thoại, gia tăng sự tin cậy, cố gắng giải quyết các xung đột, các vấn đề ở các nơi đang xảy ra trên thế giới.

Thứ ba là những đề xuất, sáng kiến mà Việt Nam quan tâm, thúc đẩy trong tháng Chủ tịch HĐBA. Với cách tiếp cận là cùng chung tay ngăn ngừa, giải quyết xung đột, chúng ta đã đưa ra 3 phiên thảo luận cấp cao về ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột và xử lý hậu quả xung đột.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 19/4 chủ trì Phiên Thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì 2 Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 8/4 với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và ngày 27/4 với chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang”.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các phiên họp đều diễn ra thành công, nhận được sự quan tâm của các nước với sự tham dự ở cấp rất cao, đồng thời thông qua được những văn kiện quan trọng để thúc đẩy những nội dung mà chúng ta quan tâm.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, những gì đã đạt được trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần này là thành quả của nỗ lực chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng trước về cả nội dung đến chương trình, trong đó có tham vấn chặt chẽ với các nước trong HĐBA và các nước thành viên LHQ trong xử lý các vấn đề.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ từ các nước thành viên HĐBA dành cho Việt Nam cho thấy các nước đặc biệt coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam trong thời gian qua. Các đề xuất, sáng kiến Việt Nam đưa ra cũng đã phản ánh được mối quan tâm chung.

Đặc biệt, các sáng kiến, hoạt động của chúng ta trong tháng Chủ tịch HĐBA cũng được sự quan tâm, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tham gia đồng lòng của các bộ ngành liên quan.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các nỗ lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhiều phát biểu đánh giá chủ đề được lựa là rất cần thiết, kịp thời, các phiên thảo luận thực sự hiệu quả, qua đó cho thấy Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn ở LHQ, nhất là ở HĐBA.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong phát biểu tại phiên thảo luận về tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” nói rằng, "Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa LHQ và các tổ chức cũng như các cơ chế đa phương".

Là đại diện duy nhất của ASEAN tại HĐBA, Việt Nam đã thể hiện và làm nổi bật tinh thần ASEAN. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng như nhiều đại diện các nước, các tổ chức khác trong phát biểu tại phiên họp đã công nhận tầm quan trọng của khối các nước Đông Nam Á trong ngoại giao hòa giải, ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình quốc tế.

Các cuộc thảo luận về khắc phục hậu quả bom mìn và bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu cũng đã nhận được quan tâm và đánh giá cao của các nước thành viên LHQ. Điều này được phản ánh rõ nét qua việc 65 nước thành viên LHQ đồng bảo trợ và 15/15 nước thành viên HĐBA bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết 2537 do Việt Nam chủ trì xây dựng và thương lượng về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Phiên thảo luận về bạo lực tình dục trong xung đột được nhiều nước thành viên LHQ hoan nghênh, cảm ơn Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận về một chủ đề mang tính nhân văn và rất cấp thiết.

Chặng đường dài phía trước

Tháng 4 đã khép lại với việc Việt Nam thúc đẩy thành công các ưu tiên và các cam kết của mình qua đó góp phần phát huy uy tín của Việt Nam, hình ảnh của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Việt Nam cũng đã chứng tỏ là đối tác vì hòa bình bền vững, luôn tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, thúc đẩy đối thoại, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình cũng như tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực và hướng tới những chính sách nhân văn nhất đối với người dân.

Việc đảm nhận thành công tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an lần này cũng là lần “ra mắt” ấn tượng của ban lãnh đạo của Việt Nam ngay sau khi vừa được Quốc hội bầu giữ những vị trí quan trọng trong Nhà nước, Chính phủ, và là sự triển khai thiết thực đường lối đối ngoại vừa được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua, trong đó có yêu cầu nâng tầm ngoại giao đa phương.

Những thành quả đó cũng sẽ củng cố nền tảng vững chắc để tạo đà cho Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành quả mới trong 8 tháng còn lại của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho rằng, từ nay đến hết năm 2021 còn một chặng đường dài.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho rằng, từ nay đến hết năm 2021 còn một chặng đường dài.

Tuy nhiên, để phát huy các thành công đã đạt được trong tháng Chủ tịch 4/2021, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho rằng, từ nay đến hết năm 2021 còn một chặng đường dài, nhất là tình hình khu vực và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, khó lường.

“Với vai trò là UVKTT HĐBA LHQ, với mong muốn đóng góp vào công việc chung của HĐBA nói riêng và của LHQ nói chung và với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp để duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Đây là mục tiêu chung và xuyên suốt từ nay đến hết năm 2021 mà chúng ta sẽ triển khai”, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh.

Đại sứ cũng cho biết, trong quá trình đó, điều quan trọng nhất là làm sao cố gắng để HĐBA có sự đoàn kết, đồng thuận. Đối với các vấn đề phức tạp tại HĐBA, ta vừa cần kiên định lập trường nguyên tắc, bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa xử lý khéo léo, thỏa đáng nhằm thúc đẩy văn hóa đối thoại, đoàn kết và đồng thuận tại HĐBA, tích cực đóng góp để các quyết định của HĐBA phải được dựa trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

“Trên hết, chúng ta mong muốn HĐBA tiếp tục là cơ quan quan trọng nhất trong duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế”, Đại sứ Đặng Đình Quý nói.

Bên cạnh đó, dù những sáng kiến, đề xuất cùng những văn kiện được thống nhất, thông qua có ý nghĩa và tác động rất lớn đối nhận thức và hoạch định chính sách của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy những biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực được quan tâm thì các Tuyên bố chủ tịch hay nghị quyết cũng chỉ là trên giấy tờ, điều quan trọng Việt Nam và của các thành viên HĐBA cũng như trong cộng đồng quốc tế sẽ triển khai như thế nào trong thời gian tới mới thực sự góp phần mang lại sự thay đổi.

Dầu vậy, với những thành quả đã đạt được, cùng với quyết tâm, sự chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam và sự hưởng ứng, ủng hộ của các nước trong cộng đồng thế giới nói riêng, HĐBA nói riêng, hoàn toàn có thể tin tưởng vào những kết quả tích cực mà Việt Nam tiếp tục đạt được trong thời gian tới trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ.

Không chỉ có vậy, như lời Đại sứ Đặng Đình Quý, 8 tháng tới trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam vẫn phải tiếp tục nỗ lực, đóng góp vào công việc chung của HĐBA, đóng góp vào công việc chung của Đại hội đồng tại các Ủy ban vì đây là “câu chuyện thường xuyên”, “vì uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế”.

“Không còn là chủ tịch vẫn có thể có sáng kiến nên phải tiếp tục suy nghĩ, tiếp tục sáng tạo để có sáng kiến. Không còn là Chủ tịch HĐBA vẫn phải có trách nhiệm tích cực đóng góp vào công việc chung”, Đại sứ nói.

4 Nghị quyết được Việt Nam đề xuất và thông qua bao gồm: (i) NQ 2570 về cho phép phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) hỗ trợ giám sát lệnh ngừng bắn tại Libya; (ii) NQ 2571 về gia hạn nhiệm vụ nhóm chuyên gia Ủy ban trừng phạt Libya và các biện pháp cấm xuất khẩu dầu trái phép tại Libya; (iii) NQ 2572 về gia hạn nhiệm vụ Ủy ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (iv) NQ 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-dau-an-di-san-va-mot-viet-nam-trach-nhiem-se-chia-ganh-vac-tai-hoi-dong-bao-an-143868.html