Những dấu hiệu cảnh báo một mùa Hè nắng nóng bất thường
Liên tiếp những ngày qua, ngành khí tượng ghi nhận những kỷ lục về nhiệt độ chưa từng có trong lịch sử xuất hiện tại nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Có thể gia tăng các hiện tượng cực đoan
Cụ thể, ngày 6/5, là ngày nắng nóng gay gắt đỉnh điểm của đợt nắng nóng diện rộng này; nền nhiệt cao nhất trong ngày khu vực Bắc bộ, các tỉnh Trung bộ phổ biến từ 37-40 độ C, rất nhiều nơi có nhiệt độ cao trên 40 độ C, một số nơi có nhiệt độ cao trên 43 độ C như….Lạc Sơn (Hòa Bình) 43,4 độ C; Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ C; Tương Dương (Nghệ An) 43,5 độ C;
Đặc biệt tại Hồi Xuân (Thanh Hóa) xuất hiện mức nhiệt độ 44,1 độ C, đây là mức nhiệt cao kỷ lục trên toàn lãnh thổ Việt Nam, vượt qua mức kỷ lục 43,3 độ xuất hiện vào ngày 20/4/2019.
Tiếp đến ngày 7/5, khi các tỉnh Bắc bộ nắng đã dịu thì khu vực Bắc Trung bộ lại ghi nhận kỷ lục về mức nhiệt xuất hiện tại Thanh Chương, Nghệ An.
Ngày 7/5, trạm Tương Dương (Nghệ An) ghi nhận nhiệt độ 44,2 độ C, cao nhất từ trước đến nay trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mức nhiệt 44,2 độ C của Tương Dương đã xô đổ kỷ lục 44,1 độ C trạm Hồi Xuân (Thanh Hóa) đo được ngày 6/5. Nguyên nhân là miền Trung đang trải qua đợt nóng nóng do tác động của vùng thấp nóng phía tây và hiệu ứng gió phơn.
Cùng với đó là tình hình nắng nóng kéo dài tại Nam bộ nhiều ngày qua làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, nhiều dấu hiệu cho thấy năm 2023 sẽ có một mùa Hè với nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng đặc biệt gay gắt trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo GS.TS Phan Văn Tân - nguyên chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), qua theo dõi, thời tiết năm nay là El Nino.
El Nino sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 6-7, ít nhất kéo dài đến hết năm nay. Do đó, một số hiện tượng, hình thái thời tiết sẽ tác động tới Việt Nam. Đầu tiên là nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm. Thứ hai, lượng mưa sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Theo GS Tân, tháng 4 vừa có đợt nắng nóng đột biến. Điển hình ngày 6-5, có đợt nắng nóng với nhiệt độ kỷ lục 44,1 độ C. Mức nhiệt này vượt ngưỡng lịch sử đo được năm 2019 là 43,4 độ C.
GS Tân cho rằng, điều này không có nghĩa năm nay là năm thời tiết nóng nhất nhưng các hiện tượng cực đoan có thể tăng như các đợt nắng nóng gia tăng. Các đợt nắng nóng gay gắt nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Còn nền nhiệt có tăng hơn nữa thì chưa thể dự báo trước được.
Theo GS Tân, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu khiến nắng nóng gia tăng thì "chắc chắn có" tác động của con người.
Nắng nóng vượt kỷ lục
Trong khi đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cũng đã phát đi cảnh báo về một mùa Hè nắng nóng bất thường trên toàn cầu.
Theo đó, WMO cho biết ước tính có 60% khả năng sự kiện El Nino sẽ phát triển vào cuối tháng 7 và 80% khả năng xảy ra vào cuối tháng 9. Điều này sẽ thay đổi các kiểu thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới. El Nino có thể thúc đẩy nhiệt độ toàn cầu cao hơn và có thể gây nắng nóng vượt mức kỷ lục.
El Nino xảy ra lần cuối vào năm 2018-20191. Tuy nhiên, kể từ năm 2020, thế giới đã phải hứng chịu một đợt La Nina kéo dài – hiện tượng lạnh đi ngược lại với El Nino – vừa kết thúc vào đầu năm nay, nhường chỗ cho các điều kiện trung tính hiện tại.
Liên Hợp Quốc cho biết tám năm qua là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận, mặc dù hiệu ứng làm mát của La Nina kéo dài gần một nửa thời kỳ đó. Nếu không có La Nina, tình hình nóng lên có thể còn tồi tệ hơn.
La Nina đóng vai trò như “một chiếc phanh tạm thời“ đối với sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Giờ đây, thế giới nên chuẩn bị đối mặt với những hiện tượng khí hậu và thời tiết cực đoan mà El Nino mang lại. Cần có sự chuẩn bị các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người dân.