Những di tích lịch sử cách mạng ở Khoái Châu

Mùa xuân về huyện Khoái Châu, du khách không chỉ được tham quan những cánh đồng rộng lớn đầy hương sắc, thưởng thức những món đặc sản thơm ngon, mà còn được chiêm bái, tìm hiểu nhiều di tích lịch sử, nơi gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng để tri ân với thế hệ đi trước và phát huy truyền thống cho hế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đình Thượng, xã An Vĩ

Từ cây đa Sài Thị...

Đường vào di tích lịch sử Địa điểm Cây đa Sài Thị ở xã Thuần Hưng được trải bê tông sạch đẹp, với nhiều cây xanh, hoa tươi đua nở đón các thế hệ hôm nay cùng ngược dòng lịch sử trở về tháng 12.1929. Cây đa Sài Thị đã ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên với 7 đảng viên. Những tháng, năm lịch sử ấy, trên ngọn cây đa Sài Thị là nơi treo cờ cách mạng, dưới gốc cây đa là địa điểm liên lạc, hội họp, cất giấu thư, tài liệu bí mật. Được Nhân dân ủng hộ, bảo vệ, phong trào cách mạng từ đó không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh.

Theo người dân nơi đây, ngoài tên gọi cây đa Sài Thị thì cây đa lịch sử này còn được gọi là cây đa đường Uyển hay cây đa Mỏm Kè và không xác định được đã bao nhiêu năm tuổi. Đến nay, cây đa cổ thụ lịch sử vẫn phủ dấu thời gian sừng sững soi bóng xuống dòng sông Ngưu Giang, tỏa bóng mát cả khu vực rộng lớn. Nhà bia tưởng niệm được xây dựng như biểu tượng của lòng khắc ghi, tôn kính, khẳng định di tích lịch sử địa điểm Cây đa Sài Thị tiếp tục trở thành nơi tham quan, giao lưu văn hóa, học tập, ôn lại truyền thống cách mạng, lời nhắc nhở lớp lớp con cháu mai sau tự hào và sống, cống hiến xứng đáng với truyền thống của quê hương.

... Đến đình Trung, nơi ghi dấu nhiều hoạt động cách mạng

Đình Trung ở xã An Vĩ được xây dựng vào khoảng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Đình có kết cấu hình chữ Tam gồm ba tòa Đại bái, Trung từ và Hậu cung, thờ bát vị đẳng thần gồm: Đức thánh Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân; Vua Đồng (Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng); Vua Bơi (Đinh Vương tôn thần); Vua Rừng (Triệu Việt Vương); tiến sĩ Trần Công Xán và quan Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh (thời Hậu Lê). Đây là những người lập nhiều công lao với đất nước và vùng đất địa phương. Tại ngôi đình này không chỉ là nơi thờ các vị thần mà còn là địa điểm đã ghi dấu nhiều sự kiện, hoạt động cách mạng của người dân nơi đây. Cụ Nguyễn Đức Đại, 53 năm tuổi Đảng, là người đang trông coi ngôi đình cho biết: Ngôi đình là kho chứa lương thực của nghĩa quân Tán Thuật trong phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình là nơi huấn luyện võ cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ. Khi ấy, tại ngôi đình còn có một căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngôi đình là địa điểm tuyển quân, nuôi quân chi viện cho các chiến trường. Đến khi đất nước thống nhất, đình Trung tiếp tục đóng vai trò là trụ sở của UBND xã An Vĩ cho đến năm 2001.

Trải qua thời kỳ đánh phá ác liệt của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhưng đến nay, ngôi đình vẫn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: 16 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, kiệu bát cống, khám thờ... và hiện là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp trường tồn của ngôi đình cổ này. Lễ hội truyền thống đình Trung được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch, trong đó, cách 5 năm sẽ tổ chức một hội lớn diễn ra trong 3 ngày liên tiếp, thực hiện các nghi thức tế lễ, rước kiệu, tổ chức các trò chơi dân gian để tưởng nhớ, tri ân công lao các bậc tiền nhân và giáo dục thế hệ trẻ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần cách mạng để sáng tạo, cống hiến cho đất nước.

Ngoài di tích lịch sử Địa điểm cây đa Sài Thị, đình Trung, trên địa bàn huyện Khoái Châu còn rất nhiều địa chỉ nhớ về cách mạng, giữ chân du khách như: Cây đa ở xã Đông Tảo, đền thờ Triệu Việt Vương ở xã An Vĩ… Mỗi một di tích lịch sử trên địa bàn huyện Khoái Châu đều mang những ý nghĩa, giá trị và nét đẹp riêng. Chậm bước qua từng di tích, ta như thêm một lần được sống trong dòng chảy hào hùng của dân tộc, để rồi mỗi chúng ta ra sức học tập, rèn luyện, góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Minh Huế

..............................................................

Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn sách: Hưng Yên di tích lịch sử văn hóa; lịch sử Đảng bộ huyện Khoái Châu tập 1 (1928 - 1975); lịch sử Đảng bộ xã An Vĩ; lịch sử Đảng bộ xã Đông Tảo.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202202/nhung-di-tich-lich-su-cach-mang-o-khoai-chau-3640227/