Những điều chưa biết về vụ kiện binh lính Anh ở Kenya

Tuần trước, Kenya đã bắt đầu các phiên điều trần công khai về những cáo buộc liên quan đến sai phạm của binh sĩ Anh đóng quân tại quốc gia Đông Phi này.

Trong hơn một thập kỷ, người dân nhiều địa phương đã cáo buộc binh sĩ Anh tại các thị trấn ở miền Trung Kenya về hành vi sai trái, gây suy thoái môi trường, giết người và một loạt tội danh nghiêm trọng khác. Để đưa được các binh sĩ Anh ra tòa theo luật Kenya, các nhóm xã hội dân sự đã mất nhiều năm vận động hành lang, bất chấp phản đối ban đầu từ Chính phủ Anh.

Quân đội Anh đã duy trì đơn vị hỗ trợ huấn luyện thường trực có trụ sở tại Nanyuki, miền Trung Kenya hàng thập kỷ

Quân đội Anh đã duy trì đơn vị hỗ trợ huấn luyện thường trực có trụ sở tại Nanyuki, miền Trung Kenya hàng thập kỷ

Đối tượng là các thành viên của BATUK

Đơn vị Huấn luyện Quân đội Anh tại Kenya (BATUK) là lực lượng hỗ trợ huấn luyện thường trực có trụ sở tại Nanyuki, miền Trung Kenya và đã tồn tại kể từ khi Kenya giành độc lập khỏi Vương quốc Anh vào năm 1963. BATUK có khoảng 100 nhân viên thường trực và 280 trung đoàn ngắn hạn luân phiên từ Anh. Gần đây, đơn vị này huấn luyện chống khủng bố cho quân đội Kenya khi đối đầu với nhóm vũ trang al-Shabab.

Qua thời gian, các đơn vị này đã trở nên thiết yếu đối với nền kinh tế ở Nanyuki và các khu vực lân cận, khi hàng trăm người dân địa phương có việc làm và nhiều cửa hàng tồn tại được nhờ phục vụ binh sĩ. Tuy nhiên, người dân ở đó từ lâu đã bày tỏ sự bất bình đối với BATUK. Những quả bom chưa nổ còn sót lại sau quá trình huấn luyện đã khiến nhiều người gặp thương tích. Các hóa chất gây chết người, chẳng hạn như phốt pho trắng được sử dụng trong các bài tập huấn luyện, cũng gây lo ngại. Hóa chất này được cho là đã góp phần gây ra một vụ cháy lớn ở Khu bảo tồn Lolldaiga vào tháng 3-2021. Người dân địa phương cho biết, khói đã bám vào họ trong nhiều ngày và gây ra các vấn đề về mắt và đường hô hấp, đồng thời động vật hoang dã do cháy rừng đã xông vào các nông trại phá hoại dẫn đến mất mùa. Khoảng 5.000 người đã kiện BATUK về vụ việc đó.

Trọng tâm của các cáo buộc còn liên quan đến việc tấn công tình dục nhắm vào phụ nữ địa phương. Năm 2021, một binh sĩ đã bị kỷ luật vì có hành vi khiếm nhã với phụ nữ địa phương ở nơi công cộng. Trong vụ án nghiêm trọng nhất, binh lính Anh bị buộc tội sát hại Agnes Wanjiru, 21 tuổi, vào tháng 3-2012 tại một khách sạn ở Nanyuki. Hai tháng sau, thi thể người phụ nữ được tìm thấy trong bể tự hoại gần căn phòng của người lính này. Vụ việc được đưa ra ánh sáng vào năm 2021 sau khi cuộc điều tra của Sunday Times tiết lộ rằng thủ phạm đã đâm chết Wanjiru. Mặc dù, anh ta đã tiết lộ tội ác của mình với đồng nghiệp, nhưng chỉ huy cấp cao tại BATUK lại không có phản ứng.

Nỗ lực đi tìm công lý cho các nạn nhân

Gia đình Wanjiru trong quá trình kiện BATUK ban đầu cũng gặp phải sự phản kháng vì Chính phủ Anh tuyên bố tòa án Kenya không có thẩm quyền đối với binh sĩ Anh theo thỏa thuận an ninh hiện có giữa hai nước. Tuy nhiên, sau khi tờ Sunday Times vạch trần, Tướng Nick Carter, Tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia (vào thời điểm đó), nói với truyền thông địa phương rằng, những cáo buộc này thật “gây sốc” và Vương quốc Anh sẽ “hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền Kenya”. Tháng 4-2023, thỏa thuận an ninh giữa hai nước được sửa đổi, điều đó có nghĩa là binh lính Anh có thể bị xét xử tại địa phương. Vào tháng 8-2023, Chính phủ Kenya chính thức mở cuộc điều tra về vụ sát hại Wanjiru.

Trong các phiên xử diễn ra tuần qua, nhiều nạn nhân đã lên tiếng. Mẹ của một phụ nữ trẻ ngồi xe lăn đã làm chứng rằng, con gái bà là nạn nhân của một vụ đâm xe rồi bỏ chạy, liên quan đến xe tải của BATUK. BATUK đã thanh toán viện phí cho con gái bà trong 2 năm nhưng chưa bao giờ bồi thường cho gia đình. Một người mẹ khác có con gái năm nay 5 tuổi muốn được cấp dưỡng nuôi con vì người lính Anh đã bỏ rơi cô khi phát hiện ra cô có thai.

Chính quyền Kenya đã mời người dân nộp lời khai bằng văn bản và bằng lời nói. Các phiên điều trần sẽ xem xét các cáo buộc liên quan đến hành vi sai trái về đạo đức cũng như vi phạm nhân quyền, bao gồm ngược đãi, tra tấn, giam giữ trái pháp luật, giết người… Từ đó, các nhà lập pháp sẽ làm việc với Chính phủ Anh về các cơ chế khắc phục có thể thông qua các kênh ngoại giao. Mặc dù các vụ kiện có thể gây chấn động, nhưng người dân địa phương cho biết, mục đích của họ không phải là buộc BATUK phải đóng cửa mà là để đảm bảo rằng, binh sĩ vẫn đóng quân tại đây hành xử đúng đắn hơn, ít gây nguy hiểm hơn.

Có thể không ai phải chịu trách nhiệm sau những phiên điều trần mới nhất, do mối quan hệ thân thiện giữa Kenya và cường quốc thuộc địa cũ. Tuy nhiên, ít nhất nó đã đưa đến những tín hiệu tích cực. Hôm 30-5, ông Neil Wigan, Cao ủy Anh tại Kenya, đã gặp gia đình nạn nhân Wanjiru để lắng nghe và gửi lời chia buồn tới gia đình, đồng thời nhắc lại cam kết của Vương quốc Anh là tiếp tục hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra của Kenya về cái chết của cô Wanjiru.

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-vu-kien-binh-linh-anh-o-kenya-post578825.antd