Những điều đặc biệt về cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac

Những ngày qua, hàng nghìn người đã xếp hàng trước điện Invalides, nơi đặt di hài ông Jacques Chirac, người vừa qua đời ở tuổi 86, để bày tỏ lòng thành kính với vị cựu Tổng thống Pháp. Điều gì ở vị nguyên thủ thứ 22 của nước Pháp đã khiến người dân nước này yêu quý ông đến vậy?

Tổng thống Jacques Chirac tại Lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp năm 2006. Ảnh: CNN

Một trong những lãnh đạo có sự nghiệp chính trị liên tục dài nhất châu Âu

Tên tuổi của ông Jacques Chirac đi vào lịch sử chính trường châu Âu như là một nguyên thủ "giàu thâm niên" nhất, một trong những người có sự nghiệp chính trị lâu bền nhất ở lục địa già với 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm tổng thống Pháp (1995-2002 và 2002-2007), 2 nhiệm kỳ thủ tướng Pháp (1974-1976 và 1986-1988).

12 năm ở Điện Elysee biến Chirac thành tổng thống giữ chức lâu thứ hai của Pháp, chỉ sau người tiền nhiệm Francois Mitterrand.

Trước đó, chính trị gia này còn giữ kỷ lục "tại vị" lâu nhất trên cương vị Thị trưởng thành phố Paris: 18 năm (1977-1995).

Jacques Chirac từng được đánh giá là "sinh ra để làm chính trị" khi ngay từ đầu đã chọn làm sinh viên của ngôi trường từng là nơi đào tạo rất nhiều chính trị gia- Trường Hành chính Quốc gia Pháp (Ecole Nationale d'Administration). Năm 1959, sau khi tốt nghiệp, Jacques Chirac trở thành công chức cấp cao ngành dân chính.

Năm 1962, tương lai chính trị sán lạn đã mở ra với chính trị gia trẻ tuổi Jacques Chirac khi ông được được bầu làm chánh văn phòng cho Thủ tướng Pháp Georges Pompidou.

Ông Chirac cùng Thủ tướng Georges Pompidou- người đặt ông vào "bệ phóng" chính trị. Ảnh: Leemage.

Trong vòng 5 năm, ông lên chức thứ trưởng. Theo đề nghị của Thủ tướng Pompidou, ông Chirac ra tranh cử và giành được ghế trong Quốc hội năm 1967.

Sự nghiệp chính trị của Chirac thực sự khởi sắc khi ông được cất nhắc trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp rồi Bộ trưởng Nội vụ những năm 1973-1974.

Tinh thần phản chiến vô cùng mạnh mẽ

“Chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng. Nó là bằng chứng của sự thất bại. Đây là giải pháp tồi tệ nhất bởi nó mang đến cái chết và sự thống khổ”. Chủ nhân của phát ngôn mang đậm tinh thần phản chiến nay đã trở nên hết sức quen thuộc ấy không ai khác là ông Jacques Chirac.

Năm 2003, cả thế giới đã phải nhớ đến cái tên Jacques Chirac đồng thời nước Mỹ đã hết sức tức giận khi ông đứng lên phản đối hành động can thiệp quân sự vào Iraq do Mỹ dẫn đầu.

Ông Chirac gặp gỡ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Ảnh: AP.

Cũng chính bởi tinh thần phản chiến ấy, ông Jacques Chirac từng khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi dám thừa nhận rằng Pháp chịu trách nhiệm trong việc dẫn tới khoảng 76.000 người Do Thái bị gửi tới các trại giam của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Trong một cuộc thăm dò hồi năm 2015, người dân Pháp bầu ông là tổng thống thời kỳ hậu chiến "tử tế nhất", xếp trước cả tổng thống Mitterrand và Charles de Gaulle.

Người đồng hành cùng dự án: kim tự tháp bằng kính tại Bảo tàng Louvre

Như một sự tình cờ của lịch sử năm 2019 này, cựu Tổng thống Jacques Chirac giã biệt cõi dương gian thì cũng là kim tự tháp Louvre tròn 30 năm tuổi.

Thị trưởng Paris Jacques Chirac bên mô hình dự án tu sửa bảo tàng Louvre, với kim tự tháp thủy tinh của kiến trúc sư I.M. Pei. Ảnh: Zuma Press.

Ngày đó, ngày 29/3/1989, khi Bảo tàng Louvre tại thủ đô Paris, Pháp chính thức khai trương kim tự tháp bằng kính, khó có thể kể hết bao nhiêu ánh mắt tức giận,. bao nhiêu tranh cãi đổ dồn về phía công trình này. Thời điểm đó, giới phê bình không tiếc lời chỉ trích kim tự tháp là “một trò đùa về kiến trúc”, “sử dụng bừa bãi biểu tượng cái chết của người Ai Cập ở giữa Paris”. Những tờ báo danh tiếng nhất của Pháp như tờ Le Figaro, Le Monde… đã liên tục lên án gay gắt, xem kim tự tháp Louvre như: nhà xác, mụn cóc, Louvre bị biến dạng… Nước Pháp bị chia rẽ giữa bên ủng hộ và bên chống.

Nhưng tất cả những trở lực ấy đã không thể khiến Tổng thống Mitterand- người khởi xướng dự án và Thị trưởng Paris Jacques Chirac chùn bước. Kết quả là 30 năm sau, công trình kiến trúc này đã trở thành một điểm hút du khách và đưa Louvre trở thành bảo tàng đón nhiều khách tham quan bậc nhất thế giới. Tên tuổi và bản lĩnh của chính trị gia Jacques Chirac một lần nữa được ghi nhận.

Hà Anh

Năm 2011, Chirac trở thành tổng thống Pháp đầu tiên bị đưa ra xét xử và lĩnh án tù 2 năm với phán quyết của tòa án Paris rằng ông đã thông đồng tạo ra các công việc giả mạo tại tòa thị chính Paris cho những thành viên trong đảng mình. Nhưng bê bối kể trên không gây ảnh hưởng quá lớn tới vị thế của Chirac trong lòng công chúng Pháp.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-dieu-dac-biet-ve-co-tong-thong-phap-jacques-chirac-post68694.html