Những điều thú vị, ấn tượng về Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka sutra)

Chỗ ở của Kinh Hoa Nghiêm tức cũng là chỗ ở của Phật, cũng là chỗ ở của Pháp, cũng là chỗ ở của Hiền Thánh Tăng.

PHẦN I: NHỮNG VỊ CAO TĂNG NHẬN XÉT VỀ BỘ KINH HOA NGHIÊM:

1. Hòa thượng Tuyên Hóa (Master Hsuan Hua) (1918-1995):

“MỖI CÂU KINH HOA NGHIÊM ĐỀU LÀ PHÁP BẢO VÔ THƯỢNG”.
- (HT.TUYÊN HÓA giảng)-

“Bộ KINH HOA NGHIÊM này còn gọi là Kinh Pháp Giới, cũng gọi là Kinh Hư Không.

Tận hư không khắp pháp giới, chẳng có một nơi nào mà chẳng có Kinh Hoa Nghiêm ở đó.

Chỗ ở của Kinh Hoa Nghiêm tức cũng là chỗ ở của Phật, cũng là chỗ ở của Pháp, cũng là chỗ ở của Hiền Thánh Tăng.

Cho nên khi Phật vừa mới thành chánh giác, thì ngài nói bộ Kinh Hoa Nghiêm này.

Để giáo hóa tất cả pháp thân Ðại Sĩ .

Vì bộ Kinh này là Kinh vi diệu không thể nghĩ bàn.
---
Do đó bộ Kinh này được bảo tồn ở dưới LONG CUNG, do LONG VƯƠNG bảo hộ giữ gìn.

Về sau do Ngài Bồ Tát Long Thọ xuống dưới Long cung đọc thuộc lòng và ghi nhớ bộ Kinh này.

Sau đó ngài lưu truyền trên thế gian.
---
Bộ Kinh Hoa Nghiêm này, cũng như vầng mây cát tường ở trong hư không, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.

Nó như mưa pháp cam lồ, thấm nhuần hết thảy tất cả chúng sinh.

Bộ Kinh Hoa Nghiêm này, cũng như ánh sáng mặt trời, chiếu khắp đại thiên thế giới, khiến cho tất cả chúng sinh đều được ấm áp.

Kinh Hoa Nghiêm này cũng như đại địa, làm sinh trưởng tất cả vạn vật.

Cho nên, có Kinh Hoa Nghiêm tồn tại, thì có thể nói là thời kỳ chánh pháp trụ lâu dài.

Mỗi ngày chúng ta giảng giải Kinh Hoa Nghiêm, nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, quan trọng là phải y chiếu nghĩa lý Kinh điển mà tu hành.

Ta phải dùng Kinh để đối trị bệnh tật của thân tâm chúng ta.

Tự thân chúng ta có tâm tham, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm tham.

Có tâm sân, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm sân.

Có tâm ngu si, khi nghe được Kinh Hoa Nghiêm, thì nên trừ khử tâm ngu si.
---
Mỗi câu KINH HOA NGHIÊM đều là Pháp Bảo vô thượng.

Nếu chúng ta cung hành thực tiễn, y chiếu nghĩa lý Kinh văn tu hành, thì nhất định sẽ thành Phật.

Cho nên, KINH HOA NGHIÊM cũng có thể nói là mẹ của chư Phật.

KINH HOA NGHIÊM là pháp thân của chư Phật.

Ðức Phật tán thán Kinh Kim Cang rằn: "Phàm là chỗ nào có Kinh điển thì chỗ đó có Phật".

Chỗ nào có bộ Kinh Hoa Nghiêm này thì có Phật tại chỗ đó.

Bất quá là nghiệp chướng của bạn quá sâu nặng, đối diện mà cũng chẳng thấy Phật.

Do đó có câu :"Ðối diện bất thức Quán Thế Âm" (Ðối diện chẳng nhận ra Bồ Tát Quán Thế Âm)”.
---
~Tập 1, sách giảng giải Kinh HOA NGHIÊM, HT. TUYÊN HÓA giảng (THÍCH MINH ĐỊNH dịch Việt).

2. HT.QUẢNG KHÂM (Master Guang Qin) (1892 –1986) :

Kinh HOA NGHIÊM dạy rằng: "Chúng sinh như người bệnh. Thiện tri thức như bác sĩ. Lời dạy của Thiện tri thức như thuốc hay. Thuốc hay thì đắng, song trị lành được bệnh."
---
Trích sách “Cẩm Nang Tu Ðạo” của HT. QUẢNG KHÂM (Master Guang Qin)-NXB Tôn Giáo-Năm 2005.

-- Sau Lễ trà tỳ Hòa Thượng QUẢNG KHÂM, người ta nhặt được tổng cộng trên một trăm viên Xá lợi lớn, những viên còn lại tương đối nhỏ hơn được các đệ tử tại gia chia nhau thỉnh hết.

Có một phật tử tới chậm quỳ trước lò hỏa táng cầu nguyện suốt đêm, đến khi trời sáng thấy trước chỗ quỳ có một viên Xá lợi lớn .

Lại có một phật tử đem một nắm tro linh cốt về thờ trong nhà, sau đó phát hiện ra có mấy viên Xá lợi.

Hai vợ chồng đệ tử nọ tham dự đại lễ trà tỳ Sư phụ xong, ngay trong ngày đó trở về miền Bắc.

Hôm sau (mồng 7 tháng 2) họ nghe nói Hòa thượng Quảng Khâm để lại nhiều Xá lợi, liền vội vã lái xe quay vào Nam, đến lò hỏa táng, phát hiện trên mái lò có rất nhiều Xá lợi.

3. HT.THÍCH ĐỨC NIỆM (1937 – 2003):

“Bởi công đức đặc thù, nhiệm màu, vi diệu của KINH HOA NGHIÊM như thế, nên người có thiện duyên thấy KINH HOA NGHIÊM mà biết phát tâm thành kính tin sâu, thì như chính mình được thấy Phật.

Người thành tâm đọc Kinh HOA NGHIÊM như trực tiếp nghe Phật khai thị.

Người chí thành phụng thờ Kinh HOA NGHIÊM như chính mình trực tiếp phụng thờ Phật.

Người phát tâm Bồ Đề để ấn tống KINH HOA NGHIÊM có công đức như được cúng dường Phật.

Như được thỉnh Phật trụ thế chuyển pháp luân, như được dự vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của chư Phật.

KINH HOA NGHIÊM cao sâu, nhiệm màu, vi diệu như thế, nên những ai thành kính phát tâm ấn tống, thọ trì Kinh này, thì phải biết rằng người đó nhiều đời gieo thiện duyên Bồ đề.

Họ đã từng làm sứ giả của Phật và đã từng ở trong ngôi nhà chánh pháp.”

- HT.THÍCH ĐỨC NIỆM (1937 – 2003).

*Hòa thượng Thích Đức Niệm (thế danh: Hồ Đắc Kế), là người dịch Việt cuốn sách “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” (Nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2012).

Gần ngày vãng sinh, Ngài được thấy Phật A Di Đà 2 lần và được vãng sinh vào ngày 21/03/2003, cũng là ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát.
---
4. Đại Sư ẤN QUANG (Master Yin Guang) (1862 –1940):

“KINH HOA NGHIÊM CẢM ỨNG TỤNG”.
-Giảng giải: Đại Sư ẤN QUANG (Master Yin Guang)

Bộ Kinh HOA NGHIÊM là Vua trong các Kinh, là chỗ quy tông cuối cùng, hướng dẫn vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.

Không cơ nào chẳng độ. Không pháp nào chẳng nhiếp.

Dẫu có muốn tán dương, thì hết kiếp vẫn chẳng nói hết.

Nếu chẳng có túc căn, thì đến tên Kinh còn chẳng được nghe.

Huống chi là được biên chép, thọ trì siêng năng ư?

Nghĩa lý của Kinh Hoa Nghiêm này, chẳng thể nghĩ bàn được.

Quả báo cùng công đức, cũng lại giống như thế.

In ấn vừa xong. Hồi Lộc đã đến cửa. Vượt lệ giao trong đêm.

Người vừa đi, thì tiệm cháy.

Chép rồi, đóng bìa xong, chợt gặp phải đại kiếp. Cả nhà phải trốn xa.

Mọi vật đều bị cướp, chỉ riêng Bộ Kinh Hoa Nghiêm này, trọn chẳng bị thương tổn.

Trở về vừa trông thấy, không ngăn nỗi mừng vui.

Kiếp vốn thuộc cộng nghiệp. Lòng thành thuộc biệt nghiệp.

Do lòng thành cảm vời, nên Ứng cũng đặc biệt.

Ấn Quang Pháp Sư lại vì Cư Sĩ Tung Kiều soạn thêm bài “Tả Kinh Linh Cảm Tụng” để ca tụng sự linh cảm do chép Kinh HOA NGHIÊM.

Ngài gửi thư dặn dò phải đem những sự thật về mấy lần nguy hiểm mà được bình an, để viết mấy câu giải thích, cho người đọc được sinh tín tâm.

Theo Cư sĩ Tung Kiều thì Cư sĩ chép Kinh Hoa Nghiêm xong, giao cho xưởng in Văn Tân in ra. In lần đầu là một ngàn trang. In xong vào bảy giờ tối ngày nọ.

Nhà in có lệ là hễ sau 6 giờ sẽ không giao hàng hóa ra ngoài.

Lần này chợt phá lệ, giao đến nhà Cư sĩ. Vừa mới chở đến cửa, thì xưởng Văn Tân bị chập điện cháy rụi. Ấy là do thiện căn đặc biệt xui khiến như vậy.

Nếu không thì sao lại bảo giao ra ngoài để rồi có sự xảo hợp như thế?

Ngày 13 tháng 3 năm Giáp Tuất 1934, trời đã hoàng hôn.

Hàng xóm ở nơi cư ngụ của Cư sĩ thiếu cẩn thận gây cháy nhà. Nó chỉ cách một bức tường.

Tình thế nguy ngập sắp giáng xuống nhà Cư sĩ. Cư Sĩ chép Kinh, tâm trí chẳng để ý chuyện bên ngoài.

Tai không nghe thấy gì. Đến khi người nhà kinh hoàng lôi Cư sĩ tránh đi thì vẫn còn hai hàng viết chưa xong.

Do từ khi chép Kinh đến nay, đối với mỗi một trang chưa hề bỏ dở giữa chừng. Cư sĩ chẳng muốn phá lệ ấy, nên vẫn ngồi yên chép cho xong.

Khi chép xong, thế lửa đã suy, rốt cuộc được bình yên. Chuyện này như ngầm được thần che chở.

Mùa Xuân năm Bính Tý 1936, cư sĩ chép Kinh viên mãn. Rồi giao cho Tích Cổ Trai, tại Thang Gia Cảng đóng thành sách.

Đóng xong, giao trả về. Ngày hôm sau, tiệm bán giấy Cao Vạn Phong ở ngay trước cửa bị hỏa hoạn.

Đã thoát khỏi tai ương, lại không một giọt nước làm ố trang Kinh.

Mùa Thu năm Đinh Sửu 1937, Ngô Môn thất thủ, bị vây hãm.

Kiếp nạn lớn xảy ra. Cả nhà cư sĩ phải tỵ nạn nơi xa. Tất cả đồ đạc đều bị cướp phá sạch.

Chỉ riêng Kinh Hoa Nghiêm còn nguyên, chẳng bị tổn hoại mảy may.

Cứ tưởng nhà cửa bị phá hủy tan hoang. May nhờ vào Kinh này mà thoát nạn.

Vì thế, Lão Nhân nói:

“Nguyện những ai thấy-nghe Kinh Hoa Nghiêm. Ai nấy đều chăm tu trì. Để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì.”

-Một ngày mùa Thu, năm Mậu Dần 1938,

Vâng theo mạng lệnh của Ấn Quang (Yin Guang) lão Pháp Sư.

-Đức Sâm viết thay.

*HT. Ấn Quang để lại Xá lợi ngũ sắc. Ngài là Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông.

---
5. HT. THÍCH TRÍ QUẢNG (Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay):

“LƯỢC GIẢI KINH HOA NGHIÊM”
(Tác giả: HT. THÍCH TRÍ QUẢNG)

Ở Pháp hội một, Phật thuyết bằng thiền định, dành cho người trụ định mới nghe được.

Ðến Pháp hội thứ hai, Phật thuyết bằng ánh quang, đòi hỏi người có trí tuệ, nghe bằng Bồ Đề tâm, huệ giải thoát, mới thâm nhập được.

Lúc ấy, người tu ngộ đạo nhìn sông núi, cá chim… đều là Phật thuyết pháp.

Sau đó, Phật thuyết ở trời Ðao Lợi, đến Dạ Ma thiên, Ðâu Suất thiên, Tha Hóa Tự Tại.

Ðến đây, Ngài giảng Thập Hồi Hướng, Thập Địa của Bồ tát.

Có thể hiểu rằng, đạt đến trình độ tu chứng ở Tha Hóa Tự Tại mới có khả năng hành Bồ Tát đạo. An trụ cảnh giới Tha Hóa Tự Tại, việc giáo hóa chúng sinh của hành giả hoàn toàn tự tại.

Không ai ngăn cản, phá rối được. Đến nơi nào, việc cũng đều thành tựu viên mãn.

Trái lại, ta còn bị chướng ngại nhiều, phải tự biết chưa nghe được pháp Bồ tát, chưa làm được việc của Bồ tát.

Tốt nhất, chúng ta chỉ là quyến thuộc, nương theo Bồ tát làm việc để tu tạo công đức.

Thật vậy, chúng ta tu ở nhân gian, có đồng nguyện, đồng hạnh với Phật, Bồ tát.

Các Ngài muốn thực hiện việc cứu khổ, độ sinh, phải mượn chúng ta làm thay, hộ niệm cho việc ta thành công. Và ta được chia nửa phần công đức.

Phật nói kinh Hoa Nghiêm ở trời Tha Hóa Tự Tại nhằm chỉ cho biết đối tượng của pháp cao sâu này phải là Bồ tát.

Đó là người có đầy đủ phương tiện giáo hóa chúng sinh.

Trên tinh thần ấy, kinh Hoa Nghiêm thích hợp với các bậc vua chúa.

Sang đến Trung Quốc, bộ kinh này hình thành nhờ TẮC THIÊN Hoàng hậu bảo trợ công tác phiên dịch và chú sớ kinh.

Khi đến Nhật Bản, THÁNH VŨ Thiên hoàng chịu ảnh hưởng tinh thần Hoa Nghiêm, đã ra lệnh cho toàn dân phải nộp đồng để đúc tượng TỲ LÔ GIÁ NA lớn nhất thế giới.

Đến nay, tượng này vẫn còn ở Nara. Tượng này phải trải qua mấy đời vua mới hoàn thành.

Nếu không phải là người có thế lực nhất nước đề xướng, thì không thể nào thực hiện được những kỳ tích như vậy.

Kinh diễn tả sức mạnh hành đạo ấy, dưới dạng trời Tha Hóa Tự Tại. Còn đối với người nghèo đói mà khuyên điều đó thật khó nghe.

Bồ tát pháp trong kinh HOA NGHIÊM rất cao sâu.

Hàng thấp nhất là Bồ tát sơ địa cũng phải có khả năng làm vua một cõi, tức tiểu vương mới có thể hành đạo tự tại.

Bồ tát nhị địa phải là Chuyển luân Thánh vương cai quản bốn phương thiên hạ. Ai nghe đến danh cũng phải kính nể.

Bồ tát đệ tam địa phải làm vua Trời Ðao Lợi, cai quản 33 tầng trời.

Cứ như vậy, lần lên cõi Trời Dục cao nhất là Tha Hóa Tự Tại.

Ðức Phật giảng cho các vị trời, đồng nghĩa với nhắc nhở những người có phước báo, quyền uy ở trần gian nên phát tâm làm Phật sự, dễ tu tạo công đức lớn lao.

Nếu không, hưởng hết phước rồi đọa.

Lúc đó, không còn điều kiện tạo công đức, như vua Tần Bà Sa La bị A Xà Thế nhốt vô ngục, rồi mới phát tâm.

Từ cõi trời Tha Hóa Tự Tại, Ðức Phật trở lại Phổ Quang đường thuyết Thập Nhẫn, Thập Định.

Cuối cùng, Ngài trở lại thực tế cuộc sống ở rừng Thệ Ða, nói phẩm “Nhập Pháp giới”.

(Trích sách ”LƯỢC GIẢI KINH HOA NGHIÊM”, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013. Tác giả: HT. THÍCH TRÍ QUẢNG)

6. Tam tạng NHẬT CHIẾU (thời Niên hiệu Thùy Củng thứ nhất (685)) thưa:

– “Có lần, bần đạo đi đến Nam Thiên Trúc để tìm thầy học đạo.

Ban đêm, bần đạo xin ngủ nhờ trong một ngôi chùa có hơn sáu mươi đại đức.

Các vị tăng ấy đều lấy việc tụng Kinh HOA NGHIÊM làm sự nghiệp.

Họ thỉnh Bồ tát Văn Thù làm vị Thượng Tọa.

*Nếu trong chùa có vị tăng nào Viên tịch, thì chúng tăng tụng Kinh HOA NGHIÊM, để hồi hướng Công đức cho Giác linh vị ấy được sinh về cõi Phật.

Thông thường, chúng tăng nhóm họp vào mỗi buổi tối, đốt hương, lễ Phật sám hối.

Rồi mỗi vị tụng một quyển KINH HOA NGHIÊM và lấy đây làm thường khóa.” …
---
Trích “Những Truyện Cảm Ứng Về kinh HOA NGHIÊM”
Biên soạn: Cư sĩ Hồ U Trinh.
Việt dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền.
---

7.“MỘT VỊ PHẠM TĂNG NÓI VỀ NHIỆM MÀU CỦA KINH HOA NGHIÊM”

Niên hiệu Tổng Chương thứ nhất (668), ở Tây Vực có vị tam tạng Phạm tăng đến Kinh Lạc.

Lúc ấy, vua Cao Tông kính trọng, tôn sư làm thầy. Kẻ tăng, người tục đều qui ngưỡng sư.

Ngài PHÁP TẠNG HOA NGHIÊM lúc còn nhỏ, đã đảnh lễ vị tam tạng, xin thọ Giới Bồ Tát.

Bấy giờ, mọi người thưa với vị tam tạng:

- Đứa bé này tụng được bộ đại KINH HOA NGHIÊM và hiểu rõ nghĩa lí kinh văn.

Vị Tam Tạng lấy làm ngạc nhiên, khen ngợi:

- Giáo nghĩa Nhất thừa trong KINH HOA NGHIÊM là tạng bí mật của chư Phật.

Điều này rất khó gặp được, huống là thông hiểu nghĩa lí kinh văn.

*Nếu có người nào tụng được một Phẩm “TỊNH HẠNH” trong KINH HOA NGHIÊM, thì người đó đã thành tựu đầy đủ GIỚI HẠNH thanh tịnh của BỒ TÁT.

Họ không cần thọ thêm GIỚI BỒ TÁT nữa.
--

***Trong TÂY VỰC TRUYỆN KÍ có ghi:

“Hễ người nào tụng KINH HOA NGHIÊM, nếu nước mà họ rửa tay lỡ văng trúng con kiến, thì con kiến ấy khi mạng chung, nó sẽ sinh lên cõi trời Đao Lợi.

Huống là người thường thọ trì kinh này.”

Nên biết, về sau đứa bé này nhất định sẽ làm lợi ích cho nhiều người.

Nó thường ban pháp cam lộ vô sinh cho chúng sinh.
---
Trích “Những Truyện Cảm Ứng Về kinh HOA NGHIÊM”
- Biên soạn: Cư sĩ Hồ U Trinh.
- Việt dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh- Diệu Tuyền.

***

“NHỚ 1 BÀI KỆ TRONG KINH HOA NGHIÊM, THÌ DIỆU DỤNG VÔ LƯỢNG.”

- (HT. TUYÊN HÓA giảng)-

Bộ KINH HOA NGHIÊM này là pháp đại thừa, vì pháp thân Bồ Tát mà nói, hoàn toàn là tu “Bồ đề tâm”, hành “Bồ đề đạo”.

Do đó, người tiểu thừa, mặc dù cùng ở trong pháp hội, nhưng như điếc, như mù:

“Có mắt mà chẳng thấy được Tỳ Lô Giá Na.

Có tai mà chẳng nghe được pháp viên đốn”.

-Vì khi họ ở tại nhân gian thì không tu pháp Đại thừa.

Cho nên không có duyên đắc được lợi ích lớn.

Vậy tất nhiên chúng ta chẳng phải là Bồ Tát, lại chẳng phải là A La Hán, tại sao lại nghe được tên KINH HOA NGHIÊM ÐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT, mà còn được nghe diệu pháp KINH HOA NGHIÊM?

-Ðó là vì trong quá khứ chúng ta đã gieo căn lành với pháp Đại thừa.

Cho nên hôm nay có duyên được đến nghe pháp, bằng không thì cũng giống như người tiểu thừa, như điếc, như mù.

Ðây là cơ hội ngàn kiếp khó gặp.

Hy vọng mọi người tinh tấn lại càng tinh tấn, nỗ lực càng nỗ lực, đến nghiên cứu diệu lý của bộ KINH HOA NGHIÊM này.

Tuy nhiên, chỉ dịch ra được bốn vạn năm nghìn bài kệ.

*Nhưng nếu nhớ được một bài kệ Hoa Nghiêm, thì có diệu dụng vô lượng.

***Vào đời Đường, có vị xuất gia tên là VƯƠNG MINH CÁN.

Vị đó tuy xuất gia làm Hòa thượng, nhưng không lo tu hành.

Một ngày nọ, Cán bị quỷ vô thường bắt đi. Vị đó gặp Bồ tát Ðịa Tạng.

Ngài Địa Tạng dạy vị đó một bài kệ (thơ) trong KINH HOA NGHIÊM:

"Nếu ai muốn biết rõ,
Tất cả Phật ba đời,
Hãy quán tánh pháp giới,
Như Lai do tâm tạo”.
(Phẩm 20 :”Dạ Ma cung kệ tán”, Kinh Hoa Nghiêm).

Vị đó thấy vua Diêm Vương thì đọc bài kệ này.

Do đó, ông được phóng thích.

Bài kệ này không những cứu được sinh mạng của vị đó, mà cũng cứu được các chúng sinh thọ khổ dưới địa ngục.

Bài kệ này có diệu dụng như thế.

*Cho nên, ta phải tụng Kinh Hoa Nghiêm, phải lạy Kinh Hoa Nghiêm, biên chép, phải ấn tống Kinh Hoa Nghiêm, thì nhất định có Công Đức vô lượng.”
---
- Lược trích Sách “Giảng giải Kinh HOA NGHIÊM Đại phương quảng Phật” của HT. TUYÊN HÓA, Tập 1. (Việt dịch: THÍCH MINH ÐỊNH)

Phần 2: GƯƠNG TỤNG KINH HOA NGHIÊM LINH ỨNG, VÃNG SINH:

1. CƯ SĨ HẠ QUỐC XƯƠNG NIỆM PHẬT, TỤNG HOA NGHIÊM VÃNG SINH.

Cư sĩ Hạ Quốc Xương, người thời Trung Hoa Dân Quốc, quê ở Bình Hương, tỉnh Giang Tây.

Ông nội và cha của ông đều xuất thân chốn quan trường, có tiếng là liêm khiết.

Quốc Xương từng giữ chức Tri huyện, thuyên chuyển đi vài nơi.

Sau thời cách mạng lại làm Dân chánh trưởng ở bản tỉnh.

*Mùa thu năm Dân quốc thứ hai, vì liên can vào việc thảo trừ Viên Thế Khải, mưu sự không thành, nên ông lánh nạn vào ẩn cư ở một ngôi chùa tại Nam Nhạc, tỉnh Hồ Nam.

Từ đó Quốc Xương cải hiệu là Hoành Tiều. Mỗi ngày, ông trì các chân ngôn: Lăng Nghiêm, Chuẩn Đề và niệm Phật.

*Mùa xuân năm dân quốc thứ tư, ông được người có thế lực tiến cử, song bị viên Ấp lịnh vu cáo, phải tự đến Bắc Kinh trần bạc, mới được trắng án.

Bấy giờ có cư sĩ La Kiệt là bạn đồng cảnh ngộ với Quốc Xương. Vì thế, sau cơn hoạn nạn, đôi bên thường qua lại thân thiết nhau.
Cả hai đều trường trai và tập tham thiền.

Một hôm, trong cơn tĩnh định, Quốc Xương bỗng nghe có người gọi mình là Liêu Không Tử.

Do đó, ông cảm tác bài thi có hai câu như sau:

“Liêu Không biết được đường lui tới
Phù thế phen này lại trải chơi!”

Từ đó, ông quy hướng TỊNH ĐỘ.

Mỗi ngày, ông tụng KINH HOA NGHIÊM vài quyển, lạy Phật một trăm lạy, niệm hồng danh A Di Đà hai muôn câu.

Cư sĩ lại soạn các quy ước: Trì trai, Niệm Phật, Quán tâm, Giản suất, để tự răn nhắc sách tấn.

Mùa xuân năm Dân Quốc thứ tám, Quốc Xương về thăm viếng quê hương, gặp lúc trời hạn lâu, liền làm lễ đảo vỏ, được mưa xuống dồi dào, đồng ruộng đầy dẫy nước.

Kế đó, ông lại lập đàn thí thực tụng kinh cầu siêu cho tiên linh và những nạn nhân trong cuộc chiến tranh Nam, Bắc.

Trong khi cúng thí, người dự hội đều thấy đức A Di Đà Phật hiện thân giữa hư không, vô số ngạ quỉ cô hồn cúi đầu đảnh lễ.

Rồi họ theo Phật bay về Tây Phương. Sau công việc ấy, cư sĩ giã từ hương lữ, bảo mình không trở lại nữa.

Ông lại dặn dò người thân thuộc khi nghe tin mình mãn phần, không được sát sinh mà cúng tế.

Về tới Bắc Kinh, cư sĩ liền cảm bệnh.

Gia nhân cùng bạn hữu muốn rước lương y điều trị, ông liền từ khước, bảo rằng:

"Tâm tôi rất yên ổn. Nẻo đi về đã biết rõ ràng. Cần chi dùng thang thuốc!".

Rồi ông vẫn cố gắng lễ niệm như lúc bình thời, và nói:

"Lúc này, khi nhắm hay mở mắt, tôi đều thấy Phật cùng Bồ tát hiện thân to lớn, đầy khắp hư không!".

Kế đó, bệnh của ông có vẻ giảm bớt.

Khi hàng quyến thuộc hay tin, đến viếng thăm đông đủ.

Cư sĩ ngồi lên ngay thẳng, từ từ nhìn mọi người đứng xung quanh qua một lượt.

Rồi ngài mỉm cười, chắp tay yên lặng mà vãng sinh.

Lúc cư sĩ mới phát tâm niệm Phật, nằm mơ thấy đóa hoa sen đầy khắp hư không.

Mỗi đóa hoa đều có người ngồi.

Duy một tòa còn bỏ trống.

Ông hỏi duyên cớ thì một vị ngồi gần bên đáp rằng:

"Tòa sen này để dành chờ Liêu Không Tử!".

Lại khi Quốc Xương trở về tới Bắc Kinh, cô con gái là Hạ Vinh nằm mơ thấy cha mình ngồi trên hoa sen bay về Tây phương.

Cư sĩ tuy là kẻ bạch y, song giữ giới rất mực nghiêm cẩn.

*Lúc sắp mãn phần, hàng đệ tử là BÀNH HIẾN thỉnh huấn.

Cư sĩ bảo:

"Chúng ta ở sâu vào thời mạt pháp.

Túc nghiệp đều rất nặng.

Muốn dứt cội rễ sống- chết luân hồi, cần phải niệm Phật cầu sinh về Cực Lạc.

Trong pháp môn TỊNH ĐỘ, sự phát nguyện phải chân thật.

Sám hối phải chí thiết.

Giữ giới phải bền chắc.

Niệm Phật phải chuyên cần.

Giới là Vô Thượng Bồ Đề, là gốc muôn điều lành là cội của chánh pháp, là chỗ vào của người học đạo, là thầy tốt của con.

Nếu con giữ ba nghiệp cho thanh tịnh mà niệm Phật, quyết định sẽ thấy đức Phật A Di Đà".
---
Trích sách “MẤY ĐIỆU SEN THANH”
-Tác giả: Bành Tế Thanh.
- Việt dịch: HT. THÍCH THIỀN TÂM.
(NXB Hồng Đức)

2. Pháp sư VIÊN TỊNH THƯỜNG vãng sinh.
(Niệm Phật & chép phẩm kinh Hoa Nghiêm)

Pháp sư Viên Tịnh Thường sống vào đời Tống, quê ở Tiền Đường, xuất gia từ năm bảy tuổi.

Vào khoảng niên hiệu Thuần Hóa, Đại sư ở chùa Nam Chiêu Khánh, rất mến mộ đạo phong của Đại sư Tuệ Viễn nơi Lô Sơn trước đây.

*Ngài phát tâm trích huyết để chép một phẩm “TỊNH HẠNH”, trong kinh HOA NGHIÊM, để tỏ lòng thành, hồi hướng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc.

Ngài lập Hội Niệm Phật [giống như Đại sư Tuệ Viễn trước đây,] các quan đại phu tham gia vào Hội đều tự xưng là đệ tử TỊNH HẠNH.

Trong số đó, Văn Chính Công Vương Đán là người đứng đầu.
Có lúc, các vị công khanh quan chức tham gia Hội lên đến 120 người, các vị tỳ-kheo nhiều đến cả ngàn người.

*Quan Hàn lâm là Tô Dị Giản viết bài tựa cho Phẩm kinh 11 :”TỊNH HẠNH” (trong kinh HOA NGHIÊM), có đoạn rằng:

“Tôi sẵn lòng trải tóc lót dưới chân người, khoét thịt trong thân để cầu được nghe pháp, quyết không từ nan.

Huống gì chút học thức thô lậu cạn cợt này, lẽ nào lại tiếc giữ.”

*Vào niên hiệu Thiên Hy năm thứ tư, ngày 12 tháng Giêng, ngài đoan nghiêm ngồi niệm Phật.

Không lâu, bỗng ngài nói rằng: “Đức Phật đến rồi.”.

Ngài liền an nhiên vãng sinh.
---
Trích “AN SĨ TOÀN THƯ, KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT, CẦU SINH TỊNH ĐỘ”.
-Nguyên tác: Tây Quy Trực Chỉ.

-Chu An Sỹ - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2016.)

====

3. TỤNG KINH HOA NGHIÊM GIÚP TĂNG PHƯỚC, TIÊU NGHIỆP.

*Vào niên hiệu Thái Hòa (499), đời Tề (479-502), có một vương tử đốt thân để cúng dường Bồ tát Văn Thù.

LƯU KHIÊM CHI thẹn vì mình bị tàn tật, vô dụng, nên phát tâm trụ tại núi Ngũ Đài, chuyên tu học theo Kinh HOA NGHIÊM.

Đêm ngày, ông thọ trì, trì tụng, sáu thời lễ Phật, sám hối.

Trải qua nhiều năm, chí thành cầu khẩn không xao lãng, ông đã cảm được Bồ tát Văn Thù gia hộ.

Bỗng nhiên, râu và tóc mai của ông tự nhiên mọc lại, các căn đầy đủ, âm thanh trong trẻo ít ai sánh bằng.

Khi thân hình và râu tóc đã bình phục, ông càng dốc chí khẩn cầu để thông suốt yếu chỉ của kinh này.

Và ông soạn bộ luận HOA NGHIÊM gồm 600 quyển.
---
Trích “Những Truyện Cảm Ứng Về kinh HOA NGHIÊM”
(Biên Soạn: Cư sĩ Hồ U Trinh.)
-Việt dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền.

====

4. BỒ TÁT GHI TÊN DỰ THẮNG HỘI.

Thiền sư TRƯỜNG LÔ TRÁCH, noi theo phép tắc của tổ Tuệ Viễn, lập ra LIÊN HOA Thắng Hội để khuyên mọi người niệm Phật.

Một hôm, thiền sư nằm mộng thấy một người mặc áo trắng, chít khăn đen.

Dung mạo người ấy rất đẹp, đến vái chào và nói:

- Tôi muốn vào LIÊN HOA thắng Hội của Ngài. Xin cho tôi ghi tên.

Trường Lô Trách bèn hỏi:

- Ông tên gì?

Người kia đáp:

- Tôi đã ghi tên là Phổ Tuệ (còn gọi là Phổ Huệ).

Rồi người kia lại nói tiếp:

“Anh của tôi tên là Phổ Hiền. Đồng thời cũng xin được ghi tên gia nhập thắng hội”.

TRƯỜNG LÔ TRÁCH tỉnh dậy và xem phẩm 38: “LY THẾ GIAN” trong KINH HOA NGHIÊM thì có tên hai vị bồ tát này.

Ông liền đặt tên của hai vị ấy đứng đầu thắng hội.

*Ghi chú: Phàm tăng mở HỘI NIỆM PHẬT thì các bậc thánh, Bồ tát xưa ghi tên gia nhập rất nhiều.Tịnh Độ không phải là nhân duyên nhỏ.

Vì lập Hội Niệm Phật phát xuất từ lòng chân thành, nên thầm cảm thông, linh ứng.
----
Trích Sách ”Bốn Chúng Vãng Sinh”, (Nhà Xuất bản Hồng Đức)

====
5.“ĐỌC KINH HOA NGHIÊM, ĐỂ TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG ĐỜI TRƯỚC.”

THÍCH HOẰNG BẢO là nhà sư người Thái Khâu, huyện Trâu Bình, Truy Châu.

Năm 18 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Hoằng Chân.

Một hôm, nơi cổ của Sư bỗng nổi một cục bướu nhỏ.

Sau đó, nó lớn dần bằng cái chén lớn, cứu chữa mãi không khỏi.

Nó làm cho đầu sư chỉ ngước lên, mà không thể cúi xuống.

Nên gió táp mưa sa đều chảy hết vào mũi, miệng của sư.

Khi sư uống, ăn hay súc rửa thì gian khổ muôn phần.

Những người xung quanh khinh bỉ sư. Và Sư cũng buồn tủi cho thân phận của mình.

-Năm 35 tuổi, tình cờ, sư gặp một vị tăng dạy rằng:

“ĐỌC KINH HOA NGHIÊM ĐỂ TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG ĐỜI TRƯỚC.”

Sư bèn chuyên tâm chí thành, ngày đêm tha thiết, sám hối sáu thời.

Sư nguyện tụng 100 biến kinh Hoa Nghiêm này.

Nhưng khi vừa tụng hơn 40 biến kinh Hoa Nghiêm, thì Sư nằm mộng thấy có người cầm dao bén và cắt bỏ cục bướu của sư.

Vài ngày sau, nơi cục bướu nổi lên một mụt ghẻ lớn bằng trái táo.

Sư lấy tay ấn nhẹ thì mủ chảy ra mấy chung ( ly nhỏ).

Mỗi ngày, đều như thế, kéo dài suốt 3 tháng liền.

Từ đó, bướu ghẻ lành dần, cho đến khi bình phục.

Lúc ấy, nhằm vào đầu năm Hàm Hanh thứ 2 (671).

*Sư cùng các đệ tử dốc lòng truyền bá kinh luật.

Sư vui mừng bởi được tái tạo trong chốn phù sinh và cảm niệm sự linh thông của Thánh lực.

Sư đổi hết tư tài để lấy tiền làm chi phí, cung kính biên chép một bộ KINH HOA NGHIÊM.

*Và mỗi ngày đêm, ngài đọc tụng, thọ trì kinh Hoa Nghiêm này.

Khoảng vài năm sau, sư mới hoàn thành tâm nguyện.

Từ đó, mọi người gần xa đều phát tâm truyền bá KINH HOA NGHIÊM này.
---
(Trích “TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM”)
- Sa môn PHÁP TẠNG.
====

6. ”CƯ SĨ PHÀN HUYỀN TRÍ TỤNG HOA NGHIÊM VÃNG SINH”

Vào niên hiệu Vĩnh Huy (650-655), đời Đại Đường (618-907), có cư SĨ PHÀN HUYỀN TRÍ là bạn học với ngài PHÁP TẠNG HOA NGHIÊM.

*Năm 20 tuổi, cư sĩ học đạo, thông suốt năm bộ kinh của Nho giáo và ba tạng của nhà Phật.

Nhưng ngài chuyên lấy KINH HOA NGHIÊM làm sự nghiệp.

Cư sĩ sống trong núi Phương Châu, chỉ ăn lá tùng.

*Hơn 60 tuổi, cư sĩ vẫn thường trì tụng KINH HOA NGHIÊM, không hề ngừng nghỉ.

Trước độ tuổi 50, cư sĩ cảm được nơi mình ở, xuất hiện một dòng suối ngọt, cung cấp đủ nước khiến cho khu rừng ấy chẳng những kết trái thơm ngon, mà các cây trĩu quả.

Mọi người khắp nơi đến hái, đem về vẫn không hết.

Bỗng một hôm, trời đổ mưa tuyết dày đặc.

Khách buôn qua lại không được nên lương thực cạn kiệt.

Ngay lúc ấy, thần núi dâng lên một loại thuốc giống như đề hồ có vị ngọt như sữa.

Cư sĩ uống vào một muỗng thì bảy ngày không thấy đói.

Tinh thần sảng khoái. Thân thể nhẹ nhàng. Mắt sáng hẳn lên.

Nếu cư sĩ lễ bái, trì tụng kinh này vào ban đêm thì đèn tự nhiên hiện ra.

Nếu trì tụng kinh vào ban ngày thì có các loài chim tụ tập, nghe kinh.

Quyến thuộc của thần núi hiện thân vây quanh, thường dâng trái ngon.

Đồng thời, có mùi hương thơm lạ bay khắp.
--
Đêm nọ, khi cư sĩ đang tụng kinh HOA NGHIÊM, trong miệng phóng ra ánh sáng có màu như vàng ròng.

Ánh sáng chiếu xa hơn bốn mươi dặm. Ai nấy đều kinh ngạc.

Có người lần theo ánh sáng ấy đi đến núi thì chỉ thấy cư sĩ tụng KINH HOA NGHIÊM, trong miệng ngài phát ra ánh sáng.

*Năm 92 tuổi, cư sĩ không bệnh mà qua đời.

Khi trà-tì cư sĩ, thì răng của ngài biến thành xá-lợi. Được hơn trăm viên.

Viên xá lợi nào cũng phóng ánh sáng rực rỡ, suốt mấy ngày vẫn không tắt.

Bấy giờ, tăng và tục nhặt lấy xá-lợi của ngài, xây tháp cúng dường.
---
Trích “Những truyện cảm ứng về kinh HOA NGHIÊM”
-Biên soạn: Cư sĩ Hồ U Trinh.
-Việt dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền.
====

7. KHAI NGỘ TỪ KINH HOA NGHIÊM - NIỆM PHẬT, ĐỨNG VÃNG SINH.

Ðại sư Huệ Tam Tư Nguyên, thời Dân Quốc, người huyện Uyển Bình, tỉnh Hà Bắc.

Ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sùng Thọ và Quảng Thiện ở Bắc Kinh.

Ngài kiến lập, hưng khởi “Đạo tràng HOA NGHIÊM”.

Mỗi ngày, trước giờ Ngọ, ngài tụng kinh HOA NGHIÊM.

Cuối năm, ngài thường kết “HOA NGHIÊM Phật Thất”.

Sư thường sống tại các chùa ở Ðài Bắc, Nội Hồ, Nam Ðầu… để giảng kinh, độ chúng không đếm nổi.

Năm 66 tuổi, sư lại càng thêm tinh tấn, hằng khóa niệm Phật mỗi ngày là ba vạn câu.

Năm 80 tuổi, ngài liền bắt đầu niệm Phật, tọa thiền cộng tu và khởi xướng nghĩa chẩn cứu dân nghèo và thí thuốc trong khuôn viên nhà chùa.

Giữa trưa ngày mồng 8 tháng 7 năm Dân Quốc 75 (1986), sau khi dùng cơm, sư chợt nói:

“– Ta muốn đi đây!”

Sau bữa cơm chiều, ngài không bệnh gì, đang đứng mà vãng sinh, thọ 86 tuổi.
---
Trích “Tạp chí Từ Vân, số 126”
====

8. CÚNG KINH HOA NGHIÊM ĐỂ CẦU SIÊU, LÀ THÍCH HỢP HƠN CẢ.

Cư sĩ KHANG A LỘC SƠN là người huyện Vạn Niên, Ung Châu.

Vào ngày mồng 1 tháng 5 năm Điều Lộ thứ 2 (680), ông lâm bệnh rồi qua đời.

Năm ngày sau, người nhà mới liệm và đưa đi chôn.

Chưa kịp khiêng xuống xe, họ nghe trong quan tài có tiếng động.

Người thân nghi rằng ông Sơn sống lại, nên mở ra xem.

Quả thật đúng vậy.

Đưa về đến nhà, ông Sơn nói là do Diêm Vương bắt lầm.

Trước mặt Diêm Vương, có tất cả 35 người xếp thành một hàng.

Trong đó, có 15 người mà lúc còn sống, họ đã giữ giới hạnh, nên được tha về.

Ngoài ra, ông còn thấy thầy thuốc A Dung ở hiệu thuốc tại chợ Đông.

Thầy bị bệnh, chết vào năm Điều Lộ thứ 1 (679).

Vì lúc sống, thầy thường hay luộc gà, nên cùng với 700 người bị đọa vào địa ngục Hoạch Thang.

*Do trước đó có quen biết Lộc Sơn, nên thầy Dung nhắn gởi với ông Lộc Sơn rằng:

“-Đứa con thứ tư của tôi là Hành Chứng, rất có lòng nhân từ.

Xin ông vì tôi, mà bảo nó hãy chép một bộ KINH HOA NGHIÊM.

Nếu chép những kinh khác, thì không thích hợp bằng.

Nếu được, thì 700 người đang bị đọa này, đều sẽ được giải thoát".

*Sau đó, Sơn đến hiệu thuốc ở chợ Đông để chuyển lời của thầy Dung cho Hành Chứng.

Nghe tin này, Chứng rất đau xót.

Anh ta đến chỗ ngài Pháp Tạng ở chùa Tây Thái Nguyên, thỉnh kinh HOA NGHIÊM.

Rồi nhờ người biên chép kinh này.

Kể từ khi thầy Dung mất, người nhà của thầy hoàn toàn không thấy báo mộng.

Nhưng khi vừa chép kinh Hoa Nghiêm, đêm ấy, mọi người đều thấy cha của mình về báo mộng rất vui vẻ.

Đến tháng 8 năm Vĩnh Long thứ 1 (680), kinh HOA NGHIÊM được chép xong.

Ông Chứng thiết trai cúng dường, tạ lễ các Sa môn Đại đức.

Hôm ấy, Lộc Sơn thấy 700 quỷ, trong đó có thầy Dung, đều đến trai đàn.

Họ kính lễ Tam bảo và quỳ trước chư tăng.

Họ xin sám hối, thọ giới, việc xong rồi thì đi.

Chứng kiến mọi việc, Sơn càng tin sâu tội báo.

Nên ông dứt bỏ việc đời thế tục.

Ông vào núi Chung Nam, Thái Bạch ẩn tích mai danh.
---
Trích “TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM”.
- Sa môn PHÁP TẠNG.
-Bản Việt dịch của Thiện Thuận – Quảng An – Viên Châu – Ngộ Bổn

====

9. MỘNG THẤY PHỔ HIỀN BỒ TÁT, KHI ĐỌC KINH HOA NGHIÊM.

THÍCH TRÍ CỰ ở Bắc Đài, sống vào đời Ngụy (386-534).

Sư họ Lưu, xuất gia từ thuở nhỏ, thờ ngài Đàm Vô Tối làm Thầy.

Sư có tư chất thông minh, học vấn uyên bác.

Lúc đầu, Sư đọc kinh HOA NGHIÊM đến mấy mươi lần, nhưng vẫn không hiểu được nghĩa lý.

Trong lòng sư vô cùng buồn bã, nên ngày đêm, tâm ngài càng chí thành khẩn thiết.

Một đêm, Sư mộng thấy Bồ tát PHỔ HIỀN cưỡi voi trắng, phóng ánh sáng.

Bồ tát Phổ Hiền đến bảo Sư rằng:

– Ông theo ta đi về phương Nam. Ta sẽ cho ông thuốc uống để hiểu rõ yếu chỉ kinh văn.

Tỉnh mộng, Sư nói điều này với những người cùng chí hướng, nhưng tiếc là quên hỏi phương Nam ở đâu.

Những người cùng chí hướng nói:

– Bậc Thánh đã chỉ đi về phương Nam, cứ nên vâng mệnh, lo gì không đến được?

Sư liền khăn gói lên đường.

Đi được ba ngày, Sư gặp một ao nước trong xanh.

Bên trong có cây xương bồ, cành lá to lớn. Lòng sư rất vui mừng.

Đào lên thì thấy rễ quấn quanh đến mấy thước, bằng bầu xe.

Bất chợt Sư nghĩ rằng, đó là thuốc của bậc Thánh trao cho, liền lấy uống.

Mấy ngày sau, Sư trở nên thông minh hơn trước.

Những điều uẩn khúc lâu nay chợt sáng tỏ.

Mà ý nghĩa siêu phàm, nhập Thánh.

Từ đó, Sư đi khắp nơi giảng KINH HOA NGHIÊM hơn 50 lần và soạn chú sớ 10 quyển.

Về sau, Sư thị tịch ở Bắc Đài, thọ 70 tuổi.
---
Trích “TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM”
-Sa môn Pháp Tạng.
-Bản Việt dịch của Thiện Thuận – Quảng An – Viên Châu – Ngộ Bổn

10. THƯỜNG TỤNG 1 PHẨM KINH HOA NGHIÊM : CÁC BỒ TÁT ĐẾN NGHE KINH.

Pháp Sư HUỆ CHIÊU ở chùa Sùng Phúc, Tây Kinh.

Sư còn được gọi là Huệ Hựu, là bạn học với ngài Pháp Tạng Hoa Nghiêm. Sư tinh cần khắc khổ tu học.

Thuở nhỏ, sư thờ hòa thượng Trí Nghiễm làm thầy.

Sư Huệ Chiêu chuyên tu học theo KINH HOA NGHIÊM, nhưng chỉ tụng phẩm “TÍNH KHỞI”, trong quyển 3.

Bản tân dịch gọi là Phẩm “NHƯ LAI XUẤT HIỆN” (Phẩm 37, kinh Hoa Nghiêm) và ngài lấy đây làm thường khóa.

Sư thích nơi yên tĩnh.Trước khi ở chùa Sùng Phúc, sư đã tu thiền, tụng kinh trong núi một thời gian dài.

Vào những đêm thanh vắng, sư thường rửa tay, súc miệng, đốt hương, ngồi trên ghế mây và tụng phẩm kinh này.
--
*Bỗng đêm nọ, khi sư đang tụng phẩm kinh này, có hơn mười vị Bồ Tát từ dưới đất vọt lên, ngồi trên đài hoa sen.

Thân của các bồ tát có màu vàng ròng, tỏa ánh sáng rực rỡ.

Các vị bồ tát này quì gối, chắp tay, nghe kinh.

Sư tụng kinh vừa xong, thì các vị Bồ Tát ấy liền biến mất.

Sư nói riêng với ngài Pháp Tạng về sự cảm ứng kì diệu này.

Sau đó, ngài Pháp Tạng kể lại cho các vị: Huệ Lượng, Huệ Vân, Huyền Quán, Như Tông v.v... cùng nghe.
---
Trích “Những truyện cảm ứng về kinh Hoa Nghiêm”.
-Biên soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh.
-Việt dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền.

====

11. Hòa thượng TUYÊN HÓA (Master. Hsuan Hua):

Để chuẩn bị cho sự ra đi mãi mãi của mình, ngài dặn dò đệ tử của mình trong DI NGÔN rằng nên đọc kinh HOA NGHIÊM và Niệm PHẬT cho mình trong 7 ngày hoặc 49 ngày:

“Khi tôi đi rồi, các vị có thể tụng KINH HOA NGHIÊM và NIỆM PHẬT, hoặc một thất, hoặc bảy thất.

Muốn tụng niệm bao lâu thì tùy các vị.

Sau khi hỏa táng tôi rồi, thì đem tro cốt rải vào hư không.

Ngoài ra, tôi cũng không muốn làm chuyện gì khác cho tôi cả.

Nhớ là đừng có tạo dựng tháp hay bất cứ đài kỷ niệm nào.”

(Trích Di Ngôn của hòa thượng TUYÊN HÓA, ngày 4 và 5 tháng 12, năm 1994.
~Trích và dịch từ báo “Vajra Bodhi Sea”, số tháng 7, 1995, tr. 20-21).
--
Trên thực tế, khi ngài nhập Niết Bàn, Vạn Phật Thánh Thành đã tổ chức đọc KINH HOA NGHIÊM và niệm Phật cho ngài trong 49 ngày.

Lễ trà tỳ của ngài, thu được rất nhiều xá lợi. (xem Master Hsuan Hua's Sharira):

“Master Hsuan Hua's sharira include teeth sharira.

More than four thousand sharira seeds and several hundred sharira clusters have been counted.

The sharira are white, light yellow, green, blue, black, and other colors. Some of the sharira which are formed on the bones gleam like green jade…”.
---
“Nếu quý vị có thể hiểu rõ được nghĩa lý trong bộ Kinh HOA NGHIÊM này thì xem như thấy được toàn thân Phật.

Nếu quý vị thông suốt được Kinh LĂNG NGHIÊM, là thấy được đỉnh NHỤC KẾ của Phật. Nếu quý vị thông suốt được Kinh PHÁP HOA thì thấy được THÂN Phật, nhưng chưa trọn vẹn.

Nếu quý vị có thể thông suốt được đạo lý trong Kinh HOA NGHIÊM, thì sẽ thấy rõ được TOÀN THÂN và TUỆ MẠNG của Phật.
Bộ KINH HOA NGHIÊM này ví như biển lớn.

Còn những kinh khác giống như những dòng sông nhỏ.

Những dòng sông nhỏ không thể sánh với biển lớn.”
-(HT. Tuyên Hóa giảng)-
===

12. Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH, sư ông chùa Vạn Đức (Thủ Đức), là người dịch Việt bản kinh HOA NGHIÊM này.

Cuối đời, ngài cũng chuyên niệm Phật và tụng Phẩm 40:” Hạnh, nguyện Phổ Hiền” của kinh HOA NGHIÊM.

Ngài biết trước ngày vãng sinh.

Thậm chí, ngài còn thuộc lòng phẩm kinh này và khuyên các Phật tử nên học thuộc nó.
“Ngày 22/02 âm lịch (tức 14/03/2012):…. Sau khi dùng tiểu thực, Sư ông ra hiệu tụng phẩm kinh Phổ Hiền (Phẩm 40, Kinh HOA NGHIÊM).

Thật ra, mấy tháng nay, Sư ông tịnh khẩu niệm Phật nên không nói chuyện với ai. Nếu cần gì thì Sư ông ghi lên giấy, nên ngay cả việc tụng kinh cũng tụng thầm. “….
- Lược Trích từ Trang Thông Tin của Chùa Vạn Đức (Thủ Đức, TP.HCM)-
====
***

“Phải tìm đâu ra ngọc ngà, châu báu mà mình sẵn có?

Hãy tìm ở Kinh HOA NGHIÊM.

Có câu rằng:

Không đọc Kinh HOA NGHIÊM, không biết được sự giàu có của chư Phật.

Kinh HOA NGHIÊM là Vua của tất cả các vị Vua kinh điển.

Tức là Kinh đứng hàng đầu của những bộ Kinh tuyệt diệu nhất mà Phật đã thuyết.”

--Hòa thượng TUYÊN HÓA giảng--
---
~Trích sách “Pháp ngữ Hòa Thượng TUYÊN HÓA”,
-Nhà xuất bản Lao Động, năm 2008.

====

Diệu Trí sưu tầm, tổng hợp
Tranh: Guo Tu -C.T MLS

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/nhung-dieu-thu-vi-an-tuong-ve-kinh-hoa-nghiem-avatamsaka-sutra.html