Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa ở ngoại ô Hà Nội là làng nghề truyền thống nổi tiếng với hơn một thế kỷ làm tăm hương.
Sản phẩm hương của làng nghề không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhịp sống dường như hối hả hơn thường nhật bởi tiếng lạch cạch chẻ vầu lẫn trong mùi ngai ngái của chân hương (nhang) phơi nắng trên khắp đường làng, ngõ nhỏ.
Ở khắp đường làng, ngõ xóm là hình ảnh những đóa tăm hương sặc sỡ sắc màu.
Để hoàn thành một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre hoặc vầu, vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói.
“Ngày xưa mọi người chủ yếu làm chân hương bằng tăm vuông, nghĩa là tăm truyền thống. Bây giờ, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nên chuyển sang làm tăm tròn hay tăm máy và năng suất cao hơn hẳn”, chị Hải - người làm hương cho biết.
"Nghề làm chân hương này không quá vất vả, nặng nhọc nhưng lại yêu cầu người thợ phải tỉ mẩn và kiên nhẫn. Nếu như nơi khác mong trời “mưa thuận, gió hòa” thì ở Quảng Phú Cầu, dường như người dân cần nắng hơn cả, vì có nắng mới phơi chân hương được" - chị Hải cho biết thêm
Nghề làm hương ở xã Quảng Phú Cầu đã có khoảng 100 năm. Ban đầu nghề này chỉ tập trung ở làng Phú Lương Thượng, nhưng vài năm trở lại đây nghề đã được mở rộng ra 5 thôn còn lại của xã gồm: Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú.
Theo người dân nơi đây, trước đây hương ở Quảng Phú Cầu chỉ sản xuất để phục vụ thị trường trong huyện và một số tỉnh lân cận.
Được biết, ở Lễ hội 1000 năm Thăng Long Hà Nội, những nghệ nhân của làng nghề đã giới thiệu về sản phẩm của làng nên được nhiều người biết đến. Cũng từ đó, hương ở Quảng Phú Cầu được xuất khẩu đi Ấn Độ, Trung Quốc…
Hầu hết mọi nhà ở Quảng Phú Cầu đều làm chân hương. “Ở đây chúng tôi làm theo công, một ngày trung bình khoảng 300.000 đồng/ công và một tháng làm khoảng 20 ngày vì không phải hôm nào trời cũng nắng để làm”, chị Hạnh chia sẻ.
“Tôi sinh ra, lớn lên và có lẽ sau này trăm tuổi vẫn gắn bó với nghề làm chân hương, nghề đã ăn vào máu thịt và là cuộc sống của tôi. Ngày nay, lớp trẻ lớn lên, mặc dù nhiều người đã thoát ly khỏi làng nghề, ra ngoài làm những công việc khác nhưng nghề làm chân hương vẫn là công việc chính của nhiều người trong làng...." - người phụ nữ làm hương chia sẻ.
Theo người dân nơi đây, trước kia, ở Quảng Phú Cầu làm hương hoàn toàn thủ công nên khá vất vả. Nhưng hiện nay công đoạn se hương đều được sử dụng máy móc hiện đại nên sản phẩm hương bóng đẹp và hiệu quả cao. Tính trung bình một người có thể làm được từ 15-20 kg hương mỗi ngày.
Người Việt quan niệm, thắp một nén hương lên ban thờ là thể hiện sự thành kính đối với tổ tiên, thần linh. Từ xa xưa nén hương đã đi vào đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống và thiêng liêng.
Làng hương Quảng Phú Cầu đã góp phần để những ngôi nhà, mái chùa Việt luôn nồng ấm hương thơm của những nén nhang trầm, nhang quế mỗi khi Tết đến Xuân về.
Tuấn Anh