Những em bé 'đặc biệt' trong đêm giao thừa
Với mỗi bác sĩ phụ sản, thời khắc giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất, đặc biệt là được đón những sinh linh bé nhỏ chào đời đúng 0h lại càng tuyệt vời hơn. Với mỗi sản phụ thì thời khắc ấy cảm xúc thật hỗn độn đến khó tả.
Hạnh phúc được làm trong ngành sản…
Những ngày cận tết tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội vẫn cứ bận rộn như ngày thường, mỗi bác sĩ vẫn hoàn thành công việc của mình. Vẫn hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc đón giao thừa đêm 30, thời khắc có những em bé “đặc biệt” chào đời.
Gặp Ths. BS. Nguyễn Hương Trà – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chúng tôi được nghe những tâm sự về ngành, về những ấn tượng khi được tham gia trực vào ngày 30 Tết âm lịch.
Theo bác sĩ Trà, trong tất cả các chuyên ngành của y tế thì có lẽ Sản khoa là ngành có nhiều niềm vui, nhiều cái hay nhất, vì hầu hết những người đến với bệnh viện không phải bệnh nhân, mà đây là sinh lý rất bình thường trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Do đó, khi được chăm sóc cho họ để sinh ra những các em bé là niềm vui và niềm hạnh phúc rất lớn của mỗi cuộc đời làm bác sĩ.
“Cho nên bệnh viện Phụ sản có lẽ là bệnh viện duy nhất có nhiều tiếng cười, nhiều sự hân hoan, hoan hỉ nhất, người đến viện cũng vui mà ra viện thì lại càng vui hơn”, BS. Trà hân hoan kể về kỷ niệm làm nghề.
Trải qua 13 năm theo ngành Sản khoa, đây cũng được gọi là duyên với bác sĩ Trà vì có mẹ là y tá, chính vì thế những ngày còn nhỏ được theo mẹ đi làm, đi trực đã khiến môi trường bệnh viện trở nên rất thân quen. Cũng chính vì thế mà nghề đã “điểm chỉ” đến cô bác sĩ trẻ tuổi, tài năng này.
13 năm trong nghề, bác sĩ Trà có vô vàn ấn tượng với bệnh nhân, có những ấn tượng đẹp, nhưng cũng có cái ấn tượng buồn vì nghĩ rằng mình chưa thực sự đã làm được hết sức của mình.
“Những ấn tượng đẹp thì rất nhiều, ví như khi mình đỡ đẻ cho một ca bệnh khó, hoặc là khi mà mình có thể mổ đẻ và đỡ đẻ một em bé, mà em bé đó ra đời để cứu giúp cho chị của em bé bị ung thư, hoặc anh trai bé đang bị bại não. Bởi khi em bé ra đời, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu cuống rốn quấn quanh em bé mang đi để phục vụ, để cứu chữa cho chị và anh của những đứa trẻ này. Thực sự điều này rất ý nghĩa.
Hoặc vào đêm trực năm 2015, có một bệnh nhân vào sinh, nhưng lúc đầu họ không chia sẻ thông tin gì với bác sĩ cả, đây là sản phụ mang thai 28 tuần theo hình thức thụ tinh ống nghiệm nhưng bé rất yếu, chị đã cố giữ bé nhưng không được vì nguy cơ nhiễm trùng và cơ dinh dưỡng. Chị rất là câm lặng, nỗi đau của người khao khát có con chắc ai cũng hiểu. Được tôi động viên và chia sẻ, cuối cùng sau một thời gian thì chị quyết định vẫn hỏi kiến của tôi và tiếp tục thụ tinh bằng ống nghiệm. Điều bất là khi chị đến kiểm tra thì bác sĩ lại phát hiện chị có bầu tự nhiên mà lại còn là song thai. Điều mà trước đây chị không ngờ tới.
Những câu chuyện vui và hạnh phúc của mỗi người bác sĩ cứu sống được những sinh linh bé nhỏ.
Đến giây phút đón điều đặc biệt trong đêm giao thừa
Nhắc đến Tết đối với tất cả các y bác sĩ, nó không phải nỗi khiếp đảm phải trực đêm, mà nó là niềm mong chờ, hân hoan và mong muốn đón đợi.
Bác sĩ Trà chia sẻ, khi thời còn đang là sinh viên đi thực tập, cảm giác việc đi trực ngày thường đã rất mệt mỏi và rất là khó khăn, huống gì là vào đêm giao thừa. Bởi thay vì được quây quần bên gia đình, được đón giao thừa cùng gia đình thì các bác sĩ, y tá lại phải đi trực. Khi có gia đình, có con thì việc đó lại càng trăn trở hơn. Hầu hết ai làm trong nghề đều phải trải qua ít nhất một lần trực Tết.
“Chẳng hạn như gia đình tôi, cả hai vợ chồng đều làm cùng ngành, có những năm vợ trực mùng 1 tết, mùng 2 tết chồng trực. Có khi hai vợ chồng 4 – 5 ngày mới gặp nhau là chuyện hết sức bình thường”- bác sĩ Trà chia sẻ.
Chính vì thế, đối với các bác sĩ không chỉ khoa Sản mà toàn bộ ngành y tế, trực ngày thườnng hay lễ, Tết từ lâu đã trở thành một thói quen. Thậm chí còn nhiều bác sĩ đăng ký được trực vào đêm 30 tết để được hưởng những điều thiêng liêng vào thời khắc chuyển giao năm cũ-năm mới bên cạnh bệnh nhân.
Giao thừa tới, bệnh nhân và bác sĩ trực quây quần bên nhau, cùng ăn uống, rồi xem pháo hoa, đó cũng là một trải nghiệm thú vị.
Và còn đặc biệt hơn cả là thời khắc được đón những sinh linh bé nhỏ vào đúng 0h, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
“Tất cả các em bé sinh vào thời điểm đấy chúng tôi hay đùa rằng không biết là lúc đi xem bói thì sẽ tính theo giờ nào đây, không biết năm cũ hay sang năm mới”, bác sĩ Trà hài hước chia sẻ.
Bác sĩ Trà cho biết đã đi qua 3 cái Tết tại bệnh viện và mỗi lần lại có cảm xúc lâng lâng, hân hoan.
“Tôi lấy chồng từ khi còn là sinh viên, lần đầu tiên trực tết là khi đã lập gia đình, lúc đầu thì có chút man mác buồn, nhưng rồi được đồng nghiệp, được Ban giám đốc chúc Tết, động viên tinh thần, cái cảm giác ban đầu đã không còn, thay vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc”, bác sĩ Trà bộc bạch.
"Hiện tại bây giờ công việc chính của tôi là xếp lịch trực, có những bác sĩ còn xin được trực vào đêm 30 để người ta được hưởng không khí ở trong bệnh viện, hưởng những điều rất thú vị”, bác sĩ Trà nói thêm.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhung-em-be-dac-biet-trong-dem-giao-thua-a463623.html