Những gánh nặng doanh nghiệp phải đối mặt

Trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 88 ngàn doanh nghiệp (DN) đã phải rời khỏi thị trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn và nhiều DN không thể trụ nổi trong cuộc đua giành thị phần để tồn tại và phát triển.

Mỗi DN sẽ gặp những vướng mắc khác nhau, nhưng theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) thì có 4 vấn đề chính đang đè nặng lên các DN nên việc duy trì, phục hồi sản xuất gặp nhiều trở ngại gồm: thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn, thủ tục hành chính còn phức tạp và DN rất lo ngại bị hình sự hóa trong hoạt động kinh tế.

Do đó, nhiều DN đã đề xuất Chính phủ tháo gỡ những khó khăn trên bằng cách kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2025; nâng mức chịu thuế thu nhập cá nhân; giảm phí Công đoàn, bảo hiểm xã hội; hoàn thuế nhanh; giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng; hạ lãi suất. Ngoài ra, các DN mong muốn Chính phủ, các tỉnh, thành hỗ trợ xúc tiến thương mại cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Tại Đồng Nai cũng có nhiều DN phải giải thể, dừng hoạt động vì kém hiệu quả và số lượng này tăng cao so với cùng kỳ. Đơn cử, nửa đầu tháng 5-2023, đã có gần 80 DN giải thể, dừng kinh doanh, tăng gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy DN phải giải thể, dừng kinh doanh đều có quy mô nhỏ, nhưng điều này cho thấy việc chống đỡ và duy trì sản xuất của DN vẫn rất yếu.

Vì thế, giảm bớt gánh nặng để hỗ trợ DN duy trì sản xuất trong giai đoạn này là rất cần thiết. Muốn vậy, từ bộ, ngành đến địa phương phải giúp DN tiếp cận những chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đồng thời, các DN cũng phải tự nỗ lực tìm hướng đi cho mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/nhung-ganh-nang-doanh-nghiep-phai-doi-mat-3168310/