Những giải pháp đột phá cho tăng trưởng bền vững

Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam khi GDP ước đạt 6,8 - 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Tăng trưởng kinh tế cao hơn kỳ vọng

Thủ tướng cho biết, năm 2024 đánh dấu một giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng mang lại nhiều thành công cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sẽ Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động phức tạp và khó lường, từ xung đột vũ trang, căng thẳng địa chính trị đến suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua và đạt được những kết quả tích cực, khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới.

Dù chịu nhiều tác động từ tình hình thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Những kết quả này không chỉ là minh chứng cho sự lãnh đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, mà còn phản ánh tinh thần đoàn kết, kiên cường của toàn dân tộc trong việc ứng phó với những khó khăn, thách thức.

Trong năm 2024, GDP của Việt Nam ước tính tăng trưởng từ 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu 6,0 - 6,5% mà Quốc hội đề ra. Kết quả này đặt Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực và thế giới. Điều này càng đáng ghi nhận hơn khi Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn như giá xăng dầu và hàng hóa cơ bản biến động mạnh, sự sụt giảm tổng cầu toàn cầu, và những ảnh hưởng từ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong suốt 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều này giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự hồi phục của thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng trong các lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát tốt với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Trong bối cảnh lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7/2024, đây là một thành tựu đáng chú ý. Chính phủ đã duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối, hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và duy trì tỷ giá ổn định. Những chính sách kinh tế vĩ mô này đã tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định trong giai đoạn nhiều thách thức.

Thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ cũng đã miễn giảm và gia hạn gần 200.000 tỷ đồng thuế, phí và lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Cùng với đó, xuất nhập khẩu đạt thặng dư thương mại lớn. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đến ngày 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 610,5 tỷ USD, với thặng dư thương mại gần 21,24 tỷ USD. Thành tích này càng khẳng định vai trò của Việt Nam là một nền kinh tế mở, có sự hội nhập quốc tế sâu rộng và đang tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Đầu tư công và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đạt những thành tựu đáng kể. Đầu tư công tập trung vào các dự án trọng điểm, với tinh thần "vượt nắng thắng mưa không thua gió bão" và mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Những dự án này không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng mà còn tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Vốn FDI thực hiện trong năm 2024 đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong nhiều năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư toàn cầu sụt giảm. Những lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh tế số và kinh tế xanh đang là những điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Dù đạt được nhiều thành tựu, Thủ tướng cũng thẳng thắng nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức cần khắc phục. Trước hết, sự ổn định của kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao và sức mua trong nước có dấu hiệu chậm lại. Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành một số dự án hạ tầng trọng điểm.

Một số chương trình tín dụng triển khai chậm, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để phát triển sản xuất. Tình trạng nợ xấu có xu hướng gia tăng, cùng với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao trong năm 2024, tạo thêm áp lực cho hệ thống tài chính.

Ngoài ra, công tác quản lý tài sản công và đất đai còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí lớn. Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án lớn. Buôn lậu và gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức trong việc quản lý kinh tế.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn, từ 7 - 7,5%

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử lớn như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 80 năm thành lập nước. Đây cũng là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với bối cảnh đó, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu phát triển cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trạm LNG đầu tiên của miền Bắc được đưa vào sử dụng tại Bắc Ninh

Trạm LNG đầu tiên của miền Bắc được đưa vào sử dụng tại Bắc Ninh

Mục tiêu tổng quát của năm 2025 là tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn từ 7 - 7,5%, nhằm đưa Việt Nam vào top 31 - 33 quốc gia lớn nhất thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 4.900 USD vào cuối năm 2025. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP sẽ đạt khoảng 24,1%, với tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội đạt 5,3 - 5,4%.

Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% và tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị dưới 4%. Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế bền vững, tăng cường chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn, đồng thời tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn…

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Chính phủ đã xác định 11 nhóm giải pháp trọng tâm cần triển khai trong năm 2025. Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời phát triển mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Đầu tư công sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm, với trọng tâm là các dự án công trình quốc gia có tính kết nối liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.

Về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và chính sách khác nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá và nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng năm 2025 được đặt mục tiêu trên 15%.

Về thể chế và cải cách hành chính, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các quy định không cần thiết để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Về hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, Thủ tướng cho biết 2025 sẽ là năm bản lề để triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng như các tuyến cao tốc, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và các dự án năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng tập trung giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu để đảm bảo tiến độ các dự án.

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chính phủ sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Về thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số sẽ tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu với mục tiêu số hóa toàn diện các hoạt động quản lý nhà nước và kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng sẽ tăng cường triển khai các chương trình hành động về phát triển xanh và giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, không chỉ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn để thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Ngoại giao kinh tế và văn hóa sẽ là những trụ cột quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhung-giai-phap-dot-pha-cho-tang-truong-ben-vung-156928.html