Những giải pháp kịp thời giúp doanh nghiệp vận tải vượt khó trước đại dịch
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GTVT đã kiến nghị những giải pháp hỗ trợ phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp nhằm vượt qua đại dịch.
Đề xuất giảm lệ phí cấp giấy đăng kiểm xe ô tô còn 0 đồng
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, trên cơ sở số thu lệ phí cấp giấy chứng nhận của toàn hệ thống đăng kiểm xe cơ giới trong 7 tháng năm 2021, Cục Đăng kiểm Việt Nam ước tổng số thu trong 4 tháng cuối năm 2021 khoảng 101 tỷ đồng. Trong trường hợp giảm lệ phí kể trên về 0 đồng trong 4 tháng cuối năm 2021 thì số thu ngân sách của mỗi địa phương sẽ chỉ giảm khoảng 1,6 tỷ đồng.
Trên cơ sở báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT cho rằng, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc cũng là đối tượng đang gặp nhiều khó khăn, thua lỗ do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mặt khác mức giá ban hành từ năm 2013 đang thấp hơn chi phí thực tế, vì vậy, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị không giảm giá dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới.
Trước đó, Cục Đăng kiển đã có văn bản gửi 251 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước để xin ý kiến về phương án giảm giá dịch vụ đăng kiểm này. Tuy nhiên, trong số 121 Trung tâm Đăng kiểm chỉ có 18 Trung tâm đồng ý và có tới 95 Trung tâm không đồng ý với lý do: tình hình dịch bệnh, số lượng phương tiện kiểm định ít, doanh thu thấp, hầu hết các đơn vị đều đang bị thua lỗ….
Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm lệ phí đăng kiểm đối với phương tiện xe cơ giới (cấp lần đầu) trong 4 tháng cuối năm về mức 0 đồng.
Cục Đăng kiểm ước tổng số thu lệ phí cấp giấy đăng kiểm trong 4 tháng cuối năm khoảng 101 tỷ đồng. Trong trường hợp giảm lệ phí về 0 đồng trong 4 tháng còn lại của năm 2021 thì số thu ngân sách của mỗi địa phương sẽ giảm khoảng 1,6 tỷ đồng nên không làm ảnh hưởng nhiều đối với ngân sách địa phương.
Miễn, giảm phí sử dụng đường bộ
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh, TP áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, do đó nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh vận tải buộc phải để xe nằm bãi và không sử dụng đường bộ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đối với các loại xe cá nhân nên miễn truy thu phí sử dụng đường bộ, còn xe kinh doanh vận tải cũng nên giảm mức phí để hỗ trợ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Anh Đoàng Ngọc Linh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, xe anh đã hết hạn đăng kiểm trong thời gian nằm bãi, sau khi hết giãn cách anh sẽ phải đưa xe đi kiểm định và phải đóng tiền truy thu phí sử dụng đường bộ dù xe không chạy. “Tôi nghĩ Nhà nước nên xem xét miễn phí sử dụng đường bộ cho người dân trong thời gian xe không hoạt động” - anh Linh nói.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ ngành vận tải như giảm lãi suất ngân hàng, không xử phạt xe quá hạn đăng kiểm, giãn nợ, kéo dài thời gian miễn đóng bảo hiểm… Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Hà Nội cho biết, sau hơn 1,5 năm đại dịch hoành hành, ngành vận tải bị ảnh hưởng khá nặng nề, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hành khách và du lịch.
Một số DN đã giải thể, số còn lại thì đang trên bờ vực phá sản. “Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), nhánh vận tải hàng hóa đạt sản lượng/doanh thu khoảng 40 - 50%, còn nhánh vận tải hành khách chỉ đạt 20 - 25%. Khả năng phục hồi phải mất khoảng 2 - 3 năm sau khi công bố hết dịch”, vị này cho hay.
Bộ GTVT cũng đề xuất, căn cứ diễn biến thực tế của dịch bệnh Covid-19, chủ động xem xét việc kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư số 47 về việc giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% mức phí đối với xe kinh doanh vận tải. Nếu điều chỉnh tăng mức hỗ trợ lên nữa thì sẽ ảnh hưởng đến số thu của ngân sách nhà nước và sẽ khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Trong khi đó, các phương tiện kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên đã được miễn 100% phí sử dụng đường bộ trong thời gian dừng hoạt động. Vì vậy, để tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng này thì Nhà nước có thể kéo dài thời gian giảm phí cho đến hết 30/6.
Mức thu phí đường bộ áp dụng từ ngày 1/10
Theo Thông tư 70/2021 quy định mức phí sử dụng đường bộ sẽ được thu gồm: Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân, hộ kinh doanh đóng 130.000 đồng/tháng, 1,56 triệu đồng/năm; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe quy định nêu trên); xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ dưới 4.000kg; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng (bao gồm cả xe đưa đón học sinh, sinh viên, công nhân được hưởng chính sách trợ giá như xe buýt); xe chở hàng và xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đóng 180.000 đồng/tháng, 2,16 triệu đồng/năm.
Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 4.000kg đến dưới 8.500 kg đóng 270.000 đồng/tháng, 3,24 triệu đồng/năm; xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 8.500kg đến dưới 13.000kg đóng 390.000 đồng/tháng, 4,68 triệu đồng/năm.
Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 13.000kg đến dưới 19.000kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo đến dưới 19.000 kg đóng 590.000 đồng/tháng, 7,08 triệu đồng/năm.
Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 19.000kg đến dưới 27.000kg đóng 720.000 đồng/tháng, 8,64 triệu đồng/năm.
Xe tải, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 27.000kg đến dưới 40.000kg đóng 1,04 triệu đồng/tháng, 12,48 triệu đồng/năm; xe đầu kéo có khối lượng bản thân cộng với khối lượng cho phép kéo theo từ 40.000kg trở lên đóng 1,43 triệu đồng/tháng, 17,16 triệu đồng/năm.