Những hạt nhân nòng cốt trong bảo vệ biên cương Tổ quốc (Bài 2) Bài 2: Nghĩa tình bà Tám Dương
Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng, những năm qua, hàng trăm người dân sinh sống trên tuyến biên giới của tỉnh Long An đã trở thành những hạt nhân nòng cốt, gắn bó với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương trong thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bài 2: Nghĩa tình bà Tám Dương
Nhà bà Tám Dương ngay mũi sông Rồ, rất thuận lợi cho việc quan sát biên giới đường sông, cũng vì thế, từ năm 1991 đến nay, nhà bà trở thành điểm đóng quân của bộ đội biên phòng (BĐBP). Mấy năm nay, bà giao luôn căn nhà của mình để BĐBP lập chốt.
Hơn 30 năm gắn bó với biên phòng
Bà Trần Thị Dương (Tám Dương), ngụ ấp Tầm Đuông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, năm nay đã gần bước qua tuổi 70 tuổi. Gia đình bà Tám Dương cũng không có gì là khá giả, bà lo việc nhà, phụ các con, còn chồng bà bán vé số hàng ngày kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Trước đây, khi bà nên duyên vợ chồng được gia đình bên chồng cho mảnh đất nhỏ cặp dòng sông Rồ, biên giới đường sông giữa Việt Nam - Campuchia. Ngôi nhà 3 gian cột cây, mái lá được vợ chồng bà dựng làm nơi ở, kiếm kế sinh nhai.
Biên giới qua xã Bình Hiệp được xác định gồm cả những đoạn đường sông và đường bộ. Con sông Rồ là biên giới phân định giữa 2 nước. Nhà bà Tám nằm ngay mũi sông, từ nhà bà có thể phóng tầm mắt ra xa quan sát hết một đoạn biên giới dài. Cũng vì vậy, từ năm 1991, lực lượng biên phòng thi thoảng vẫn ghé nhà bà trong những lúc đi tuần hay thực hiện nhiệm vụ. “Tôi nhớ, năm 1991, đó cũng là năm tôi sinh đứa con gái út, cuộc sống ngày đó còn rất nhiều khó khăn, tuyến biên giới có lúc còn nhiều phức tạp nên khi lực lượng biên phòng ngỏ ý tới lui nhà tôi trong những chuyến công tác là vợ chồng tôi đồng ý ngay. Sống nơi biên giới nên mỗi người dân chúng tôi rất trân quý lực lượng biên phòng, có chuyện gì cũng tìm đến BĐBP” - bà Tám Dương kể lại. Cứ thế, trong mỗi chuyến công tác, ngôi nhà của bà Tám cũng như một điểm chốt không chính thức của BĐBP.
Đến khoảng năm 2017, khi vợ chồng bà đã lớn tuổi, vợ chồng người con gái muốn đón về sống chung cho sớm tối có nhau, bà giao luôn ngôi nhà của mình cho ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp làm nơi đóng quân cố định. Hơn 2 năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, ngôi nhà của bà Tám được ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp thành lập Chốt kiểm soát Bến Trâu phụ trách quản lý đoạn biên giới đường sông qua địa bàn ấp Tầm Đuông. Nhiều khó khăn trong những ngày đầu lập chốt, có lúc gần 10 CBCS của chốt phải “căng mình” trên từng đoạn biên giới, khi về cũng chỉ ăn uống qua loa. Thương CBCS biên phòng vất vả, bà Tám cứ rảnh lại về chốt, khi thì mớ rau, con cá, lúc thì góp gạo nấu cơm, hay đôi khi là mấy ly cà phê, chai nước ngọt cho CBCS trong những ngày bám chốt. “Ngày CBCS biên phòng ra lập chốt, tôi chỉ thương không có điều kiện sửa lại ngôi nhà cho tốt hơn để anh em bớt vất vả, khó khăn trong những ngày mưa gió. Cũng may, đến nay, chốt đã được sửa chữa lại thành chốt bán kiên cố, khang trang hơn, tôi cũng cảm thấy vui hơn. Phần đất này, vợ chồng tôi thống nhất để cho BĐBP sử dụng đến khi nào không cần nữa thì thôi” - bà Tám Dương cho biết.
Đang trò chuyện cùng bà bên Chốt Bến Trâu, bất chợt cơn mưa chiều ào đổ xuống dòng sông Rồ, mấy anh em chúng tôi tránh tạm. Trong câu chuyện nói vội, Trung úy Nguyễn Đình Cường - Chốt trưởng Chốt Bến Trâu, cho biết: “Có dì Tám, chúng tôi rất yên tâm, dì vừa quan tâm đến bữa cơm, giấc ngủ của mỗi anh em, vừa động viên chúng tôi vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với bản thân tôi cũng như anh em của chốt luôn xem dì như người mẹ, người dì ruột thịt”. Nói rồi, Trung úy Cường chợt nhớ sắp tới phải cho anh em sửa lại mái hiên căn nhà thờ của vợ chồng bà gần đó trước khi vào cao điểm mùa mưa.
Người dì, người mẹ của chốt Bến Trâu
Hơn 30 năm gắn bó với lực lượng biên phòng, đã có bao lứa CBCS ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp trưởng thành từ chính căn nhà của bà Tám. Với bà, mỗi CBCS biên phòng như là con, em trong nhà. “Đứa gọi tôi là dì, đứa gọi mẹ, bản thân tôi cũng có một người con nuôi biên phòng từ hơn 10 năm trước. Nó tên Long, quê xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, trước đi lính nghĩa vụ ở đồn. Riết rồi mến nhau, tôi nhận nó làm con nuôi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, nó ra quân về quê, mẹ con xa cách nhưng nó vẫn điện thoại thường xuyên. Năm nào tết, nó cũng về thăm vợ chồng tôi” - bà Tám kể. Dù bà Tám chỉ nhận 1 người con nuôi nhưng ai đã từng gắn bó với bà tại Chốt Bến Trâu cũng đều xem bà như người mẹ, người dì ruột thịt.
Gần 70 tuổi nên bà Tám Dương không nhớ hết bao nhiêu thế hệ CBCS BĐBP đã từng ăn, ở nơi ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà. “Bao nhiêu lần ĐBP thay đổi cán bộ lãnh đạo, bao lứa CBCS về công tác nơi đây, người đến, người đi nhưng tình cảm của vợ chồng tôi vẫn không thay đổi mà còn gắn bó sâu đậm hơn. Rất nhiều chiến sĩ đã ra quân hay cán bộ chuyển công tác, cứ mỗi lần có dịp về lại Bình Hiệp nhất định đều ghé thăm vợ chồng tôi. Đó là tình cảm, nghĩa tình của lực lượng biên phòng đối với gia đình tôi cũng như những người dân sống trên tuyến biên giới không gì có thể thay thế được” - bà Tám Dương tâm sự. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi rất bất ngờ khi hỏi bà Tám mong ước điều gì, bà chỉ khẽ cười và nói: “Tôi chỉ mong có điều kiện tốt hơn để lo được, giúp được nhiều hơn cho lực lượng biên phòng”.
Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, cho biết: “Dì Tám Dương là một trong những người rất gắn bó với lực lượng biên phòng trong nhiều năm qua. Dì Tám không chỉ giúp đỡ vật chất, tinh thần cho CBCS tại Chốt Bến Trâu mà còn là hạt nhân trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thời gian qua, dì Tám đã trực tiếp cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp lực lượng biên phòng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Dì Tám cũng giống như một chiến sĩ biên phòng để đơn vị xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng lòng dân trên địa bàn do đồn phụ trách quản lý”. Bên cạnh đó, Trung tá Nguyễn Văn Nam cũng cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ chỉ đạo đội vận động quần chúng tăng cường công tác bám, nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, nhân rộng những tấm gương điển hình tiêu biểu trong quần chúng nhân dân, qua đó có thêm nhiều dì Tám hơn nữa, giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...