Những hoạt động trong ngày thứ tư của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Australia
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Australia, sáng 8/3, (giờ địa phương), tại Canberra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO)
Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và phía Australia có Bộ trưởng hỗ trợ đối ngoại Tim Watts.
CSIRO là cơ quan khoa học của Australia được thành lập vào năm 1916; một trong những tổ chức khoa học công nghệ đa ngành lớn nhất thế giới, gồm 5.500 nhân viên với 57 cơ sở đặt trên khắp Australia và các văn phòng đại diện tại Mỹ, Chile, Pháp, Singapore, Indonesia và Việt Nam.
CSIRO có quan hệ hợp tác chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Việt Nam.
Hai bên đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ hợp tác nghiên cứu giữa các tổ chức nghiên cứu Việt Nam và Australia, trong các lĩnh vực mà CSIRO có thế mạnh gồm Nông nghiệp và Thực phẩm, Y tế và An ninh sinh học, Năng lượng, Tài nguyên đất và nước, Công nghệ chế tạo, Thăm dò khoáng sản, Khoa học đại dương và khí quyển, Công nghệ thông tin và Dữ liệu.
Trong đó có các chương trình hợp tác khoa học công nghệ tiêu biểu như chương trình phát triển bền vững ngành sản xuất tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long; chấm dứt rác thải nhựa; công nghệ quan sát bằng vệ tinh; chương trình nghiên cứu y tế phục vụ chữa trị ung thư.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo CSIRO, Bộ trưởng hỗ trợ đối ngoại Tim Watts cho biết với việc Việt Nam-Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, xác định các chương trình hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là trụ cột trong quan hệ hai nước, Chính phủ Australia cam kết tăng cường kết nối hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước bằng các dự án cụ thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt bày tỏ vui mừng về Chương trình Đổi mới sáng tạo của Australia, trong đó CSIRO trực tiếp quản lý chương trình này, tăng cường hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực thủy sản, trồng trọt, các ngành sản xuất hiện đại hóa trên cơ sở thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, mang lại cơ hội cho người dân Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết các mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam đều gắn với chuyển đổi xanh. Các hợp tác giữa CSIRO với Việt Nam giúp giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đang đối mặt.
Thời gian tới, Việt Nam tập trung hợp tác vào chuẩn hóa trong lĩnh vực nông sản, nhất là cá tra và tôm mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới, gắn ngành này với xu thế của thế giới là ít phát thải và chuyển đổi xanh; mong muốn CSIRO hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng chứng kiến các kết quả hợp tác giữa CSIRO và Việt Nam; chúc mừng CSIRO đã có nhiều nghiên cứu có giá trị cao, đóng góp cho Australia nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt CSIRO đang đi đúng hướng phát triển trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp… phù hợp với các chính sách phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng xu thế hiện nay của thời đại là phát triển; về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh; tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng; tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột.
“Với thế giới hội nhập hiện nay, những nơi chiến tranh, xung đột, căng thẳng không chỉ những nơi đó bị ảnh hưởng mà cả những nơi hòa bình như Australia hay Việt Nam cũng bị tác động,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bàn về các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, già hóa dân số, Thủ tướng cho biết đây đều là những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân nên tất cả các nước và mọi người dân phải chung tay giải quyết, trong đó có Australia và Việt Nam; việc hợp tác nghiên cứu không những cho Australia, cho Việt Nam mà còn góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân.
Theo Thủ tướng, sau hơn 50 năm thiết lập ngoại giao, 15 năm quan hệ Đối tác Toàn diện, 6 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, và nay là quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện - mức quan hệ ngoại giao cao nhất trên thế giới; quan hệ Việt Nam-Australia đang phát triển rất tốt đẹp.
“Trong 6 điểm hơn của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Australia có nội dung thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi Số, chuyển đổi Xanh mạnh mẽ hơn,” Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương Việt Nam thúc đẩy hợp tác với CSIRO phải có được các “sản phẩm cụ thể; nhấn mạnh hợp tác trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giữa Việt Nam-Australia là không có giới hạn, do đó hai bên cần xây dựng các dự án tranh thủ gói tài trợ 2 tỷ USD (cho các nước ASEAN) và gói 220 triệu USD trên nền tảng đã có để triển khai các dự án, chương trình thiết thực, cụ thể.
“Chúng ta phải hướng nguồn vốn tài trợ vào các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong quá trình hợp tác, có những vấn đề thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn. Do đó, cả hai bên cùng nỗ lực để thành công nhiều hơn thất bại, thuận lợi nhiều hơn khó khăn, vướng mắc. Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, ưu tiên, chỉ đạo, điều hành để việc triển khai các chương trình hợp tác được thuận lợi, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Đại học Quốc gia Australia và dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam-Australia
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Australia, sáng 8/3, (giờ địa phương), tại Canberra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Đại học Quốc gia Australia và dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam-Australia.
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và phía Australia có đồng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia Anthony Chisholm, cùng lãnh đạo các trường Đại học của Việt Nam và Australia.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam-Australia là lĩnh vực hợp tác truyền thống và làm một trong những điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam-Australia.
Australia là điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Đến nay, có hơn 80.000 học sinh, sinh viên đã và đang theo học tại Australia; hơn 200 cơ sở giáo dục Việt Nam và Australia có các chương trình hợp tác. Các trường đại học hai bên đã có hơn 5.000 nghiên cứu chung.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các trường đại học thảo luận, trao đổi, chia sẻ và đề xuất các kiến tạo kiến thức; khả năng thích ứng; chính sách, giải pháp và định hướng phát triển giáo dục đại học.
Các đại biểu đề cập nhiều nội dung liên quan công tác quản trị, quản lý đại học, phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các phương pháp giáo dục mới. Đặc biệt, lãnh đạo các trường đại học đề xuất các chương trình, dự án hợp tác giáo dục giữa Việt Nam-Australia.
Phát biểu tại diễn đàn, nhân Kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ lòng biết ơn và kêu gọi tiếp tục hành động vì quyền bình đẳng cho phụ nữ; cho biết ông rất thích tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của tác giả người Australia Colleen McCullough - tác phẩm thể hiện khát khao giành tự do của trái tim người phụ nữ, khẳng định tình yêu chân thành không gì có thể ngăn cản, cũng như mối quan hệ Việt Nam-Australia xuất phát từ trái tim đến trái tim không gì có thể ngăn cản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau hơn nửa thế kỷ phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt, thực chất, đạt nhiều kết quả tốt đẹp; hiện nay Việt Nam- Australia chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trong số đó, hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia luôn là điểm sáng với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển.
Australia là một trong những lựa chọn phổ biến hàng đầu của du học sinh Việt Nam. Nhiều du học sinh từng học tập tại Australia đã trở về nước và rất thành công, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển và thúc đẩy quan hệ song phương.
Khẳng định Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho biết Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới dựa trên 3 yếu tố nền tảng là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; Việt Nam coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược.
Nêu rõ Việt Nam chú trọng, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Thủ tướng cho rằng đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng và còn nhiều dư địa cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới, tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục đào tạo tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhất là bậc đại học.
Về quan điểm, định hướng hợp tác trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, đẩy mạnh hợp tác giáo dục đào tạo thiết thực, hiệu quả, toàn diện, để tiếp tục phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tạo đột phá và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì lợi ích của Nhân dân hai nước.
Chính phủ Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cơ sở giáo dục nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm “các bên cùng có lợi, cùng thắng.”
Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, với mục tiêu đề ra là tạo thuận lợi tối đa cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các đại học uy tín tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Hoan nghênh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nước đã thành lập Nhóm công tác chung nhằm hỗ trợ các đại học của Australia thành lập phân hiệu ở Việt Nam, Thủ tướng tin rằng Nhóm sẽ tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hiệu quả nỗ lực tăng số lượng các trường đại học thành lập phân hiệu tại Việt Nam.
“Các cơ sở giáo dục phải thực hiện tốt phương châm: nhà trường là nền tảng, sinh viên là trung tâm, thầy cô phải là động lực,” Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, đại học của hai nước, trong đó chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ những ngành mà Việt Nam còn thiếu, phía Australia có thế mạnh như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng xanh, sạch, công nghệ sinh học… và trình độ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.
Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, phù hợp với thế mạnh và quan tâm của Australia cũng như nhu cầu đào tạo của Việt Nam; tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của hai nước, đặc biệt là tạo điều kiện để các giáo sư sang Việt Nam hỗ trợ giảng dạy những ngày nghề mới mà Việt Nam có nhu cầu; tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách visa, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt, an ninh an toàn, nhất là cung cấp học bổng cho người Việt Nam sang học tập tại Australia; thúc đẩy việc học tiếng Việt tại Australia.
Thủ tướng đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo, các đại học của hai nước, nhất là đại diện các đại học uy tín của Australia dự diễn đàn tích cực thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết các biên bản ghi nhớ và sớm cùng nhau triển khai thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, đầu tư cụ thể tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Diễn đàn Hợp tác Giáo dục đại học Việt Nam-Australia sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác giáo dục giữa hai bên tiếp tục phát triển khởi sắc, bền vững, lâu dài, tiếp tục là điểm sáng của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vừa được thiết lập giữa Việt Nam và Australia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp một số tập đoàn lớn của Australia
Theo Báo Điện tử Chính phủ, chiều 8/3, tại Canberra, Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp lãnh đạo 2 tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản của Australia: Ông Ian Jeffrey Gandel, Chủ tịch tập đoàn ASM (2000) và ông Oliver Kleinhempel, Chủ tịch tập đoàn EQ Resources (2005).
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo hai tập đoàn bày tỏ hết sức quan tâm, tìm hiểu về định hướng thu hút đầu tư, cơ hội hợp tác phát triển chuỗi cung ứng một số loại khoáng sản tại Việt Nam.
Hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả của hai tập đoàn trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng phát triển công nghiệp khoáng sản là một nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi nguồn lực và công nghệ hiện đại để phát huy tiềm năng sẵn có.
Thủ tướng nêu rõ, các dự án khoáng sản cần triển khai theo hướng công nghệ cao, khai thác, chế biến sâu, không bán quặng thô, tăng cường hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị khoáng sản, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo vệ môi trường, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Tán thành với Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn khẳng định sẽ triển khai các dự án tại Việt Nam theo hướng nói trên; đồng thời bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các bên trong quá trình đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn kết nối, hợp tác với các đối tác phía Việt Nam, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai các dự án cụ thể theo quy định của pháp luật. Chính phủ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.
Cũng trong chiều 8/3, tại Canberra, Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Paul Serra, Giám đốc điều hành tập đoàn SunRice của Australia.
SunRice (1950) là Tập đoàn sản xuất, phân phối gạo lớn nhất Australia, chiếm khoảng 90% thị phần gạo Australia. Đến nay, Tập đoàn đã phát triển nhiều hoạt động trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng gạo với hơn 30 thương hiệu và hơn 2.000 nhân viên tại 50 quốc gia. Năm 2023, doanh thu Tập đoàn đạt khoảng 1,64 tỷ USD.
Năm 2008, Tập đoàn đã mua cổ phần chi phối tại nhà máy chế biến gạo Lấp Vò tại tỉnh Đồng Tháp với công suất chế biến khoảng 260.000 tấn lúa khô/năm. Từ năm 2022 đến nay, SunRice đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) triển khai dự án "Phát triển chuỗi cung ứng gạo chất lượng cao tại vùng ĐBSCL" với mục tiêu phát triển giống cao có năng suất và chất lượng cao, bền vững phục vụ thị trường tiêu dùng quốc tế.
Tại cuộc gặp, lãnh đạo SunRice chúc mừng Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Australia; báo cáo Thủ tướng về tình hình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. SunRice đánh giá cao việc triển khai chương trình 1 triệu ha lúa phát thải thấp, chất lượng cao tại ĐBSCL.
Thủ tướng chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả của SunRice nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.
Trước bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn, với mạng lưới và sự ảnh hưởng của mình, sẽ hỗ trợ kết nối các đối tác phía Việt Nam với các đối tác Australia để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước trong thời gian tới theo hướng sản xuất xanh, cạnh tranh lành mạnh với các đối tác khác, đẩy mạnh thương mại điện tử.
Thủ tướng mong SunRice với kinh nghiệm, nguồn lực và uy tín của mình sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, tham gia hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng gạo tại Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, làm việc trực tiếp với người nông dân, ổn định đầu ra và đầu vào, xây dựng các kho chứa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng và chất lượng của các sản phẩm gạo Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới, hỗ trợ đưa các sản phẩm của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong ngành thực phẩm Halal, tạo sinh kế, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn trao đổi trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tìm kiếm đối tác để nghiên cứu, triển khai các dự án hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, nhất là tham gia chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.
Ngoài lúa, Thủ tướng đề nghị SunRice nghiên cứu mở rộng hoạt động với các loại nông sản khác rất phong phú tại các vùng miền khác nhau của Việt Nam như trái cây, thủy sản; đầu tư lâu dài, ổn định, bền vững trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.