Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết án hành chính biệt phái
Theo Chánh án TAND quận Cầu Giấy, thực tế, công tác giải quyết án hành chính biệt phái cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Liên ngành Viện KSND – TAND TP.Hà Nội, số lượng các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của TAND TP ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm hơn 80%, nhiều vụ án khiếu kiện đông người được dư luận xã hội quan tâm.
Đối với án hành chính biệt phái, mặc dù được sự chỉ đạo của TAND tối cao, Viện KSND tối cao thực hiện công tác biệt phái Thẩm phán trung cấp, Kiểm sát viên trung cấp đang công tác tại cấp huyện giải quyết án hành chính cấp tỉnh, tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án hành chính biệt phái chưa cao.
Liên quan đến việc giải quyết án hành chính biệt phái, Chánh án TAND quận Cầu Giấy – bà Trần Thị Phương Hiền cho biết, sau gần 7 năm triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, hoạt động giải quyết và xét xử các vụ án hành chính của TAND hai cấp TP.Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết, TAND TP.Hà Nội đã biệt phái thẩm phán trung cấp là Chánh án, Phó chánh án TAND cấp huyện để giao giải quyết án hành chính thuộc thẩm quyền của TAND TP. Quá trình giải quyết án, các thẩm phán được phân công đã tích cực, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng thực tế, công tác giải quyết án hành chính biệt phái cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Những khó khăn, vướng mắc
Theo đó, Chánh án TAND quận Cầu Giấy đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết án hành chính biệt phái.
Thứ nhất, theo Chánh án Trần Thị Phương Hiền, thẩm phán trung cấp là lãnh đạo Tòa án cấp huyện được Chánh án TAND TP.Hà Nội phân công biệt phái giải quyết 2 loại án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là Dân sự sơ thẩm và Hành chính sơ thẩm; nhưng cũng trực tiếp xét xử các loại án khác thuộc thẩm quyền cấp huyện của đơn vị, tham gia các cuộc họp tại địa phương; giải quyết khiếu nại tố cáo nên chưa dành nhiều thời gian cho việc giải quyết các vụ án được biệt phái.
Ngoài ra, mặc dù đã rất tích cực tiến hành tố tụng để vụ án được đưa ra xét xử theo quy định nhưng số lượng vụ án phải giải quyết của đơn vị quá nhiều, trong đó có nhiều vụ án dân sự phức tạp nên tiến độ giải quyết án hành chính biệt phái còn chậm, quá thời gian chuẩn bị xét xử theo luật định.
Thứ hai, bà Hiền phân tích rằng, đa phần người khởi kiện trong các vụ án hành chính là nông dân bị thu hồi đất vào các dự án thương mại hoặc xã hội; bản thân không còn tư liệu sản xuất, do chưa đồng ý với phương án bồi thường của cơ quan Nhà nước nên đã khởi kiện đến Tòa án.
Vì nhận thức pháp luật của người dân còn chưa cao, Thẩm phán phải mất nhiều thời gian giải thích, hướng dẫn cho người dân lý do hồ sơ khởi kiện hành chính của người khởi kiện nộp trên TAND TP.Hà Nội nhưng khi giải quyết lại là Thẩm phán trung cấp của TAND cấp huyện. Sau khi đã hướng dẫn, giải thích, một số người dân đã hiểu nhưng toàn bộ ý kiến, quan điểm, tài liệu chứng cứ vẫn tiếp tục gửi lên trụ sở TAND TP.Hà Nội. Từ đây Tòa án TP phải tiếp nhận và chuyển lại cho Tòa án cấp huyện. Việc chuyển đi, chuyển lại như vậy cũng làm cho việc giải quyết vụ án bị chậm trễ.
Thứ ba, tất cả các văn bản tố tụng của vụ án hành chính biệt phái đều phải được gửi lên Tòa án Hà Nội để đóng dấu. Mặc dù Tòa án Hà Nội đã cử cán bộ phụ trách làm “đầu mối” để tạo thuận lợi cho thư ký các tòa quận, huyện liên hệ thực hiện đóng dấu văn bản và tống đạt; tuy nhiên, bà Hiền nhận định rằng việc tống đạt cũng mất nhiều thời gian.
Thứ năm, TAND TP.Hà Nội đã triển khai phiên tòa hành chính trực tuyến, qua đó, hạn chế số lượng vụ án giải quyết vắng mặt người bị kiện. Tuy nhiên, TAND cấp huyện chưa có cơ sở vật chất, đường truyền, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để chủ động thực hiện phiên tòa hành chính trực tuyến mà phải liên hệ mượn phòng xét xử trực tuyến của TAND TP.Hà Nội.
Nhưng theo Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TAND TP.Hà Nội cũng chỉ có 1 phòng xét xử trực tuyến và nay mới có thêm 1 phòng xét xử trực tuyến của TAND quận Thanh Xuân nên việc đưa vụ án hành chính ra xét xử trực tuyến của Tòa án cấp huyện gặp khó khăn…
Đẩy nhanh triển khai hệ thống đường truyền
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hành chính biệt phái, Chánh án TAND quận Cầu Giấy cho rằng lãnh đạo cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chỉ đạo, quán triệt về việc tham gia tố tụng của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các cơ quan Nhà nước, Chủ tịch và UBND các cấp.
Cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án và có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức.
Cùng với đó, theo bà Trần Thị Phương Hiền, các thẩm phán trung cấp tại các tòa quận, huyện là Chánh án, Phó chánh án đơn vị, ngoài việc quản lý đơn vị, các thẩm phán cũng tham gia công tác xét xử, giải quyết án của đơn vị. Ngoài việc nhận án hành chính biệt phái, các thẩm phán trung cấp còn được giao án dân sự biệt phái, nên cần được tạo điều kiện giảm bớt về số lượng các vụ án biệt phái đối với các thẩm phán trung cấp ở quận, huyện.
Đặc biệt, bà Hiền có nhấn mạnh tới việc TAND TP nên tạo điều kiện cho TAND cấp huyện đẩy nhanh triển khai hệ thống đường truyền, trang thiết bị phục vụ công tác xét xử, đối thoại trực tuyến tại cấp huyện.
Theo bà Hiền, cần nghiên cứu về việc không chỉ tổ chức các phiên tòa hành chính trực tuyến mà tiến tới việc tổ chức cả các phiên đối thoại trực tuyến để người bị kiện có điều kiện tham gia đối thoại với người dân. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án trong quá trình tiến hành các thủ tục đối thoại, giúp quá trình giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức; góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết các vụ án hành chính của tòa án.