Những khu phố nghĩa tình ở TP.HCM

Tinh thần tương thân tương ái, chung sức đồng lòng của bà con hàng xóm trong mỗi khu phố đã góp phần lan tỏa hình ảnh về một TP.HCM giàu nghĩa tình.

Thời gian qua, dù phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức tưởng chừng như khó có thể vượt qua nhưng với tinh thần đoàn kết toàn dân, TP.HCM đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

 Ông Nguyễn Thế Vinh (áo xanh) kể lại chuyện được bà con khu phố hỗ trợ sửa nhà vào năm 2010. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Nguyễn Thế Vinh (áo xanh) kể lại chuyện được bà con khu phố hỗ trợ sửa nhà vào năm 2010. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà con hàng xóm cùng góp gạch, góp sức sửa nhà dột nát

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm nhà ông Nguyễn Thế Vinh (ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Năm 2010, nhà ông Vinh là hộ nghèo đầu tiên ở tổ dân phố 65 (nay là khu phố 9) được người dân tổ dân phố chung tay giúp đỡ sửa nhà.

“Nhà tôi khi đó chỉ là ngôi nhà dựng tạm, mái tôn thủng lỗ tứ tung, mỗi lần mưa là trong nhà phải lấy chậu, thau hứng nước. Thấy vậy, bà con lối xóm chung tay hỗ trợ, người góp bao xi măng, người góp ít gạch rồi xin thêm hỗ trợ từ phường để giúp tôi sửa nhà” - ông Vinh nhớ lại.

Sau nhà ông Vinh, người dân ở tổ dân phố 65 tiếp tục góp sức, góp của giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo khác trên địa bàn sửa nhà dột, nhà xuống cấp.

Xuất phát từ việc bà con hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, với phương châm lấy sức dân chăm lo cho dân, mô hình Tổ dân phố nghĩa tình đã ra đời. Mô hình này sau đó được nhân rộng ra khắp phường Tây Thạnh, rồi ra khắp quận Tân Phú và trên toàn TP.HCM. Đó cũng là động lực giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

 Đảng ủy-UBND-MTTQ phường Tây Thạnh và ban điều hành khu phố thường xuyên tổ chức thăm hỏi cựu chiến binh, người dân khó khăn… Ảnh: NVCC

Đảng ủy-UBND-MTTQ phường Tây Thạnh và ban điều hành khu phố thường xuyên tổ chức thăm hỏi cựu chiến binh, người dân khó khăn… Ảnh: NVCC

Ông Phan Đức Quý, Bí thư Chi bộ khu phố 9, cho biết hơn 14 năm thực hiện mô hình Tổ dân phố nghĩa tình, người dân nơi đây đã giúp sửa nhiều căn nhà dột nát. Đồng thời, phát triển thêm các chương trình an sinh xã hội khác như tư vấn giới thiệu hộ nghèo phương thức kinh doanh hiệu quả, vận động tráng bê tông đường hẻm, lắp camera giám sát an ninh…

“Đảng ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam (VN) phường cũng tạo điều kiện cho tổ dân phố hoạt động, có việc gì thì phường cũng xuống hỗ trợ, động viên. Chính điều đó đã giúp Tổ dân phố nghĩa tình ngày càng lan tỏa, đời sống bà con trong khu dân cư càng thêm đoàn kết, yêu thương nhau” - ông Quý nói.

Theo anh Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN phường Tây Thạnh, địa phương có dân số đông, trong đó hơn 60% là tạm trú nên công tác chăm lo đời sống được phường đặc biệt quan tâm. “Từ MTTQ đến ban ngành đoàn thể, khu phố đều chung tay chăm lo cho đời sống người dân, góp phần cùng xây dựng khu dân cư đoàn kết, nghĩa tình” - anh Nhàn nói.

 Bà Khuất Thị Thúy Hường, Bí thư Chi bộ khu phố 2 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), trao quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn khu phố. Ảnh: NVCC

Bà Khuất Thị Thúy Hường, Bí thư Chi bộ khu phố 2 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), trao quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn khu phố. Ảnh: NVCC

Trong gian nan mới thấy “cái nghĩa, cái tình”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ấy giữa bà con hàng xóm còn được thể hiện rõ nét qua giai đoạn đại dịch COVID-19.

Tâm sự với PV, bà Khuất Thị Thúy Hường, Bí thư Chi bộ khu phố 2 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), nhớ mãi hình ảnh người dân khu phố cùng nhau nấu hàng trăm phần ăn gửi cho tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu cách ly vào năm 2021.

“Thời điểm đó dịch đến rất nhanh. Tất cả người dân cùng hệ thống chính quyền đã đồng lòng vượt qua. Người giúp đi chợ hộ, người nấu ăn, người góp gạo, góp rau… Trong gian khổ mới thấy tình làng nghĩa xóm trong khu phố đáng quý biết bao” - bà Hường niềm nở kể.

Theo bà Hường, sau khi cùng nhau trải qua những khó khăn đó, bà con khu phố lại càng thêm đồng lòng, đoàn kết. Mới đây, khu phố 2 đã cùng phát động phong trào hỗ trợ những người khó khăn sinh sống trên địa bàn.

“Khi vận động chúng tôi cũng chia sẻ với người dân khu phố là có ít làm ít, có nhiều làm nhiều. Đợt lễ Vu lan tháng 7 vừa qua, khu phố 2 đã hỗ trợ hơn 50 phần quà là gạo, mì… và 20 phần quà cho học sinh hiếu học, giúp sức các cháu đến trường. Giúp đỡ được người khác nên ai cũng thấy vui” - bà Hường chia sẻ.

 Ban điều hành Khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, trao quà cho học sinh hiếu học trên địa bàn khu phố. Ảnh: NVCC

Ban điều hành Khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, trao quà cho học sinh hiếu học trên địa bàn khu phố. Ảnh: NVCC

Ông Phạm Văn Cư, Bí thư Chi bộ khu phố 3 (phường 10, quận 5), cũng nhìn nhận trải qua dịch COVID-19 đã làm suy nghĩ, hành động và tình cảm của người dân khu phố có nhiều thay đổi. Nhiều thanh niên xung phong tham gia vào nhóm chống dịch, trực chốt, đi tình nguyện ở khu cách ly, các hộ gia đình chia nhau từ lon gạo, ký rau…

“Trong gian nan mới thấy cái nghĩa, cái tình của hàng xóm láng giềng rất quý giá” - ông Cư xúc động rồi bảo vừa qua người dân khu phố 3 cũng đã chung tay quyên góp để chia sẻ cùng đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Tính đến cuối tháng 9, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã tiếp nhận hơn 240 tỉ đồng do người dân, các tập thể, đơn vị, doanh nghiệp chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó, TP.HCM đã phân phối 100 tỉ đồng đến 13 tỉnh, chuyển 20 tỉ đồng về Ủy ban Trung ương MTTQ VN…

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-khu-pho-nghia-tinh-o-tphcm-post812867.html