Những kiến thức, kỹ năng cần có để trở thành phóng viên nghị trường

Tiếp tục Hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân do Văn phòng Quốc hội tổ chức, chiều 1/10, các đại biểu nghe 03 tham luận: Kinh nghiệm viết bút ký, ký sự, phóng sự và phóng sự điều tra; Kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Nắm vững các quy trình, thủ tục, và thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến nghị trường

Trình bày tham luận về Kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân là một lĩnh vực chuyên môn sâu trong hoạt động báo chí. Kinh nghiệm cho thấy, đây là lĩnh vực các phóng viên phải có một số kiến thức và kỹ năng tương đối đặc thù. Trước hết, phóng viên phải có những kiến thức cơ bản về thể chế và lập pháp. Bởi các bài viết của phóng viên nghị trường có tác động rất lớn, góp phần thay đổi nhận thức trong toàn xã hội, qua đó có thể thấy vai trò quan trọng của phóng viên nghị trường.

Điều thứ hai khi viết về Quốc hội đó là cần hiểu về hoạt động của Quốc hội nói chung và quyền lập pháp của Quốc hội nói riêng, trong đó quyền lập pháp là quyền thẩm tra và thông qua các chính sách và dự thảo luật. TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh, cần hiểu cụ thể về chức năng giám sát của cơ quan dân cử, trong đó Quốc hội giám sát bằng thông qua chế độ hội nghị (tranh luận, thảo luận, chất vấn, điều trần).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Cùng với đó, cần nắm vững các quy trình, thủ tục, và thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến nghị trường, hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động, quy định pháp lý, và ngôn ngữ chuyên môn được sử dụng trong môi trường lập pháp. Việc nắm vững các quy trình, thủ tục, và thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến nghị trường đóng vai trò hết sức quan trọng đối với các phóng viên nghị trường nhằm tăng cường tính chính xác và sâu sắc của các tin, bài; giúp độc giả hiểu sâu hơn về các vấn đề chính trị, xã hội và pháp lý phức tạp; giúp phóng viên theo dõi và viết tin, bài về tiến trình lập pháp; giúp phóng viên đặt câu hỏi sâu và chính xác; giúp phóng viên xây dựng độ tin cậy và uy tín chuyên môn và giúp phóng viên phản ánh đa chiều và công bằng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, phóng viên nghị trường cần có 4 kỹ năng: Kỹ năng thu thập thông tin; Kỹ năng viết và trình bày; Kỹ năng giao tiếp và ứng xử; Kỹ năng công nghệ. Ngoài ra, cần có các tố chất như: Nhạy bén với các vấn đề chính trị và xã hội; Có khả năng tư duy phản biện và độc lập; Có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cao; Có khả năng chịu áp lực cao và làm việc độc lập.

“Để trở thành một phóng viên nghị trường thành công, cần hội tụ đầy đủ các kiến thức, kỹ năng và tố chất trên. Việc trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức là vô cùng quan trọng để đảm bảo chất lượng công việc và uy tín của nghề nghiệp”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Vị trí, tính chất, chức năng của Hội đồng nhân dân có mối liên hệ mật thiết với nhau

Tham luận chủ đề “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân” do nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam trình bày cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động của Hội đồng nhân dân, đã ban hành các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Hội đồng nhân dân, tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…., làm cho hoạt động của Hội đồng Nhân dân sinh động, thiết thực, hiệu quả hơn.

Hiến pháp 2013 giành một chương (Chương IX) để quy định về thiết chế chính quyền địa phương. Trong đó, Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phủ hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do luật định.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Trong việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, Hội đồng nhân dân dù ở bất kỳ đơn vị hành chính nào cũng đều có vị trí, tình chất và chức năng giống nhau.

Hội đồng nhân dân thực hiện hai chức năng, gồm: Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định. Hội đồng nhân dân giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam cho rằng, từ những quy định trên cho thấy, vị trí, tính chất, chức năng của Hội đồng nhân dân có mối liên hệ mật thiết với nhau và đều xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, từ chức năng của chính quyền địa phương.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chính quyền địa phương có chức năng tự quản và chấp hành. Chức năng tự quản của chính quyền địa phương được Hiến pháp 2013 quy định rõ là quyết định các vấn đề của địa phương do luật định.

Để thực hiện chức năng này, luật quy định việc thực hiện cho cơ quan mang tính chất hội đồng, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân, đó chính là Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân không thể vừa là cơ quan ra quyết định vừa là cơ quan chấp hành các quyết định của chính mình trong thực tiễn... Để bảo đảm việc ủy ban nhân dân chấp hành đúng, đầy đủ nghị quyết của Hội đồng nhân dân thì Hiến pháp, luật quy định Hội đồng nhân dân có chức năng giám sát đối với ủy ban nhân dân.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Đức Dũng, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Kênh Truyền hình Nhân dân trình bày tham luận về Kinh nghiệm viết bút ký, ký sự, phóng sự và phóng sự điều tra. Việc nắm vững các đặc điểm, quy trình, kỹ năng, lựa chọn đề tài, phương pháp thu thập thông tin, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng thể loại…giúp cho phóng viên nghị trường có tác phẩm chất lượng cao, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham dự Giải Diên Hồng lần thứ 3 năm 2025.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung điều hành nội dung Hội nghị

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung điều hành nội dung Hội nghị

Đại biểu tham dự Hội nghị

Đại biểu tham dự Hội nghị

Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Hội nghị

Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Hội nghị

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày tham luận: Kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày tham luận: Kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân

PGS.TS Nguyễn Đức Dũng trình bày tham luận: Kinh nghiệm viết bút ký, ký sự, phóng sự và phóng sự điều tra

PGS.TS Nguyễn Đức Dũng trình bày tham luận: Kinh nghiệm viết bút ký, ký sự, phóng sự và phóng sự điều tra

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam trình bày tham luận: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam trình bày tham luận: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung phát biểu tại Hội nghị

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung phát biểu tại Hội nghị

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?itemid=89643