Những lỗ hổng truyền thông từ Gaza
Cuộc xung đột tại Dải Gaza giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas đã kéo dài nửa năm mà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp những kêu gọi từ cộng đồng quốc tế. Một phần lý do có lẽ đến từ thông tin sai lệch khiến các bên không đánh giá đúng được tình hình.
Khi người dân bị truyền thông định hướng
Một đoạn video được đăng trên tài khoản X của BarakRavid vào ngày 13/5/2024 đã ghi lại cảnh những người định cư Israel tại Hebron, thành phố thuộc Bờ Tây do Israel kiểm soát đã ngăn cản đoàn xe tải chở hàng hóa cứu trợ vào Dải Gaza. Thậm chí, những người Israel còn ném các thùng nhu yếu phẩm gồm thuốc men, gạo và bột mì ra đường và dẫm nát chúng. Đây chỉ là một trong số những chuyến hàng của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) đi qua khu vực cửa khẩu Tarqumiya ở Hebron để tiến vào Dải Gaza đã bị chính những người dân Israel chặn lại trong thời gian qua.
Những hình ảnh này ngay lập tức đã làm rộ lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới. Trong bối cảnh người Palestine ở Dải Gaza đang đối mặt với nạn đói và một thảm họa nhân đạo, những hành động ngăn chặn và phá hoại công khai đoàn xe cứu trợ này đã khiến cho hình ảnh người Israel trở nên xấu xí hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng, bày tỏ quan ngại về những hành động bị đánh giá là "phi nhân đạo" này. Nước Mỹ, đồng minh thân cận nhất, quốc gia vẫn đang bảo vệ Israel trên diễn đàn quốc tế, thậm chí cung cấp vũ khí để Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tiến hành chiến dịch truy quét Hamas cũng bày tỏ sự phẫn nộ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi đây là "kiểu hành xử không thể chấp nhận được" và cho hay Chính phủ Mỹ đang cân nhắc biện pháp phản ứng.
Thực tế, những hành động như xảy ra tại Hebron vừa qua không phải hiếm gặp trong thời gian qua. Một tuần trước đó, người biểu tình đã chặn đoàn xe viện trợ gần thị trấn Mitzpe Ramon vì cho rằng hoạt động viện trợ nhân đạo ở vùng chiến sự sẽ tiếp sức cho Hamas. Họ đặt yêu sách hàng hóa cứu trợ chỉ được vào Dải Gaza một khi mọi con tin Israel được trả tự do. Ngày 5/5, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, đã đưa ra cáo buộc Israel cản trở nguồn viện trợ cho Dải Gaza và đẩy khu vực đến bờ vực "nạn đói toàn diện". Ông khẳng định UNRWA đã ghi nhận ít nhất 10 vụ tấn công nhắm vào xe cứu trợ cùng những hành động ngược đãi và đe dọa sử dụng vũ lực đối với nhân viên Liên hợp quốc. Nhiều chuyến hàng viện trợ khác bị chặn ở trạm kiểm soát và các tổ chức cứu trợ phải thay đổi lịch trình.
Chính phủ Israel đã phủ nhận việc can thiệp vào những chuyến hàng này, cảnh sát Israel còn tham gia tìm kiếm những nghi phạm gây ra vụ việc. Một nhóm hoạt động xã hội có tên là Order 9 được cho là đã đứng ra tổ chức những cuộc biểu tình, tuy nhiên họ cũng không thể kiểm soát được hành vi của những người tham gia khi đã tấn công và phá hủy hàng hóa viện trợ. Vụ việc cho thấy, trong mắt người dân Israel, dường như "số phận" của những người Palestine không được coi trọng lắm.
Sự thiên lệch trong cách đưa tin
Một khảo sát của Viện dân chủ Israel hồi tháng 4/2024 cho thấy, gần 2/3 người Do Thái ở Israel cho biết họ chỉ nhìn thấy một vài hoặc thậm chí không thấy hình ảnh nào về thiệt hại ở Gaza. Trong khi đó hơn 1/3 còn lại cho biết họ đã thấy nhiều thông tin về Gaza nhưng lại chủ yếu thông qua mạng xã hội. Chính vì thế nó dẫn đến kết quả là 80% người Do Thái Israel nói rằng nước này không cần hạn chế hoặc không cần tính đến đau khổ của dân thường Gaza khi quyết định thực hiện hoạt động quân sự ở khu vực. Một con số thực sự gây sốc cho nhiều người nếu nhìn vào những hình ảnh bi thảm từ Gaza suốt những tháng qua.
Giải thích cho điều này, ông Tamar Hermann, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dân chủ Israel cho rằng chủ yếu là do hoạt động truyền thông trong nước. Người dân Israel đón nhận những thông tin mới nhất về xung đột ở Dải Gaza hàng ngày bao gồm các cuộc đàm phán, giải cứu con tin cho tới thương vong của quân đội Israel liên tục kể từ sau cuộc đột kích của Hamas hồi tháng 10/2023, nhưng thông tin về tình cảnh của người dân Gaza hầu như không xuất hiện trên truyền thông Israel. Báo chí, truyền hình nước này hầu như không đưa thông tin về người Palestine thiệt mạng trong xung đột. "Bạn thấy mọi thứ về xung đột Gaza trên truyền hình Israel, trừ tình cảnh của dân thường ở đó", Shuki Tausig, biên tập viên của tạp chí Seventh Eye nói với các nhà báo của tờ Wall Street Journal.
Trong khi đó, những hoạt động tưởng niệm người Israel bị chết vì vụ tấn công và các con tin bị bắt diễn ra hàng ngày, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Hình ảnh con tin xuất hiện ở khắp nơi, trên tivi, biển quảng cáo, cho tới những ruy băng màu vàng buộc trên thân cây, xe hơi và ve áo của nhiều chính trị gia, hay cả những chiếc bàn trống trong nhà hàng mà con tin trước đây thường lui tới. Một "Quảng trường Con tin" được dựng lên ở Tel Aviv đếm từng giây các con tin chưa được trả về. Đó là nơi gia đình, người thân và cả những tổ chức xã hội, tôn giáo tổ chức cầu nguyện hàng ngày. Ở một đất nước nhỏ bé như Israel, khi ai cũng có thể quen biết một trong số hàng ngàn con tin bị bắt cóc thì những hình ảnh của họ thực sự là tràn ngập đến mức ám ảnh đủ để che mờ tất cả những tin tức khác đến từ cuộc chiến.
Chính vì vậy, cuộc khảo sát của Viện Dân chủ Israel cho thấy hơn 50% người dân Israel nói thả con tin quan trọng hơn cuộc chiến "xóa sổ" Hamas hay số phận của người Palestine. Và đó có lẽ chính là lý do cho những hành động bộc phát chúng ta thấy tại Hebron hôm 13/5 vừa rồi. Truyền thông Israel không sai khi đưa những tin tức mà người dân của họ muốn xem nhất. Nhưng sự "thiên lệch" trong cách đưa tin đã khiến cho dư luận hiểu không đầy đủ về những gì đang diễn ra dẫn đến những hành động quá khích không phù hợp. Tuy nhiên, họ cũng không phải là bên duy nhất thiên lệch.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 3/2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Khảo sát Palestine ở Bờ Tây bất ngờ đưa ra con số: 80% người Palestine không tin Hamas thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào vào Israel hồi tháng 10/2023. Theo ông Khalil Shikaki, Giám đốc trung tâm, bản thân người Palestine cũng không được nhận tin tức đầy đủ từ cuộc chiến và những người từng xem video về cuộc tấn công thì tin Hamas đã phạm tội ác cao gấp 10 lần so với những người không xem. Đúng như ông Shikaki đã nhận xét: "Nếu không xem sẽ không tin".
Đối lập với giới truyền thông Israel là truyền thông Ảrập, ở đây tiêu biểu là Al Jazeera, hãng tin hàng đầu khu vực có trụ sở ở Qatar. Tờ báo điện tử được theo dõi nhiều nhất ở khu vực Trung Đông này có hẳn một chuyên trang được cập nhập liên tục từng phút một kể từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công Dải Gaza vào ngày 13/10/2023 tới nay. Thông tin họ thường đăng tải là những hình ảnh về thực trạng tàn phá ở Gaza với thiệt hại của người Palestine cũng như sự dã man của IDF khi tấn công cả vào dân thường cũng như các cơ sở dân sự. Tờ báo này cũng đề cập rất ít tới cuộc tấn công ban đầu của Hamas và thường xuyên đăng bài chỉ trích hành động của Israel.
Một số lượng không nhỏ người Israel cũng theo dõi Al Jazeera để có thêm cái nhìn. Ông Daniel Levy, giáo sư kinh tế tại Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv nói rằng gia đình ông đều cho rằng họ không nhận được thông tin đầy đủ về xung đột Gaza trên truyền thông Israel và thỉnh thoảng theo dõi Al Jazeera để biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, ông Levy cũng cho hay Al Jazeera rất có thành kiến với Israel và ông hoàn toàn không tin vào thống kê số người chết mà tờ báo này cung cấp. Chính vì vậy, hôm 5/5/2024, Chính phủ Israel đã ra lệnh đóng cửa các văn phòng của Al Jazeera ở nước này. Bởi theo một điều luật mới, hoạt động của tờ báo này bị coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Al Jazeera và các nhóm nhân quyền dĩ nhiên lên tiếng chỉ trích động thái này và lại quy kết trách nhiệm cho Israel là "bưng bít sự thật".
Chưa biết bên nào "bưng bít sự thật" hơn bên nào, nhưng khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas không có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm thì truyền thông sẽ trở thành một mặt trận đáng chú ý để mỗi bên duy trì được tính "chính đáng" của mình. Dĩ nhiên, cả hai bên đều sẽ sử dụng thông tin truyền thông một cách có chọn lọc để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng việc đưa tin quá thiên lệch sẽ càng khiến cho sự thù địch giữa hai bên thêm sâu sắc, và đó là nguy cơ kích thích những xung đột mới từ bất cứ đâu.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-lo-hong-truyen-thong-tu-gaza-i734010/