Những loại hình phạt nào áp dụng với người chưa thành niên?

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Có nên tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội?

Trước đó, trong quá trình thảo luận, quy định tách riêng vụ án có người chưa thành niên phạm tội hay không là nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Tại phiên họp, nói rõ thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, quá trình chỉnh lý, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng các chính sách mới của dự thảo luật, đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý đều thống nhất với việc dự thảo luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng. Tuy nhiên, thảo luận trong Thường trực Ủy ban Tư pháp thì có 2 loại ý kiến với vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định phải tách vụ án với người chưa thành niên để giải quyết riêng. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng có thể tách riêng vụ án với người chưa thành niên để giải quyết, để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, giao cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, quyết định.

 Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Tiếp đó, phân tích thêm về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, “không tách không được”. Bởi lẽ, nếu để chung vào một vụ án (gồm cả người chưa thành niên và người trưởng thành) thì luật này không có nghĩa vì khó bảo đảm chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng, để giải quyết vụ án với người chưa thành niên thì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên, nếu để trong vụ án chung thì không thể phân đầy đủ thành viên Hội đồng xét xử hay Viện kiểm sát, hoặc không hiểu tâm lý các cháu.

Ngoài ra, liên quan đến bí mật, trong vụ án phải công khai thì phần liên quan người chưa thành niên không được giữ kín. “Điều này sẽ gây mặc cảm, con đường hoàn lương rất dài, luôn ám ảnh về tuổi thơ phạm tội”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Bên cạnh đó, về thời hạn vụ án, luật hiện hành và cũng như dự thảo luật này phân ra 2 độ tuổi: 14 đến dưới 16 và từ 16 đến 18 tuổi với chính sách khác nhau. Nếu không tách án thì thời hạn điều tra cho vụ án, với vụ đặc biệt nghiêm trọng như giết người, có thể kéo dài tới 30 tháng, từ điều tra, truy tố, xét xử. Như vậy, không thể áp dụng được chính sách giải quyết ngay với các chính sách ở độ tuổi của người chưa thành niên...

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.

4 loại hình phạt nào áp dụng với người chưa thành niên?

Trước đó, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật về 4 loại hình phạt áp dụng với người chưa thành niên; song cũng có ý kiến đề nghị chỉ quy định hình phạt tù có thời hạn và bỏ 3 hình phạt (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ).

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Ngoài hình phạt tù có thời hạn, việc dự thảo luật tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự về 3 loại hình phạt khác (gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội, đồng thời thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ...).

Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về 4 loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/nhung-loai-hinh-phat-nao-ap-dung-voi-nguoi-chua-thanh-nien-789340