'Những lời chia sẻ' của người đứng đầu Đại học Sư phạm Hà Nội

'Những lời chia sẻ' là tên cuốn sách mới của GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội (NXB Sư phạm phát hành).

Cuốn sách tập hợp các bài phát biểu của ông gửi tới các thầy cô giáo, đồng nghiệp, các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên... xuất phát từ trọng trách nhà giáo và sứ mệnh của Nhà trường đối với giáo dục của đất nước.

 Phiên bản đặc biệt, giới hạn sách Những lời chia sẻ (được thực hiện bởi Công ty Văn hóa Đông A dưới sự chỉ đạo kĩ thuật, mĩ thuật của họa sĩ Trần Đại Thắng). Ảnh: Đ.H.

Phiên bản đặc biệt, giới hạn sách Những lời chia sẻ (được thực hiện bởi Công ty Văn hóa Đông A dưới sự chỉ đạo kĩ thuật, mĩ thuật của họa sĩ Trần Đại Thắng). Ảnh: Đ.H.

Trọng trách lịch sử và trách nhiệm thời đại

Nhiều năm qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông và các nền tảng mạng xã hội thường đăng tải những bài phát biểu của GS Nguyễn Văn Minh - người đứng đầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường có lịch sử truyền thống hành trình cùng giáo dục Việt Nam từ ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Những bài diễn văn (vốn là văn bản hành chính) của ông có sức truyền cảm hứng từ những điều rất gần gũi, giản dị như là sự chia sẻ, tâm tình nhưng đầy ý tưởng, chất chứa tâm tư, tầm nhìn, định hướng và từ những việc làm thiết thực, cụ thể. Đồng thời, đây cũng là những thông điệp mà ông gửi gắm, tin tưởng, hy vọng về các thế hệ nhà giáo mới; về sự đổi mới trong tư duy, giải pháp thực hiện của đồng nghiệp và học trò; về giá trị văn hóa của nhà giáo, nhà trường; về vai trò và mục đích của giáo dục; về nhận thức xã hội đối với nhà giáo và giáo dục...

Nhiều bài diễn văn trong đó đã được chia sẻ rộng rãi, truyền cảm hứng cho đông đảo thanh niên, sinh viên; nhận được sự đồng cảm và quan tâm của các thầy cô giáo trên mọi miền đất nước cũng như của xã hội.

Cuốn sách Những lời chia sẻ gồm 45 bài diễn văn của GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2023, tính từ bài diễn văn tại Lễ bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 20/4/2012) đến bài diễn văn phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023. Để bạn đọc thuận tiện trong việc tiếp nhận nội dung, cuốn sách được bố cục gồm 5 phần:

Phần 1 “Truyền thống và trách nhiệm” có 6 bài diễn văn, phát biểu. Tại phần này, GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh đã tìm về lịch sử cội nguồn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với sự biết ơn và trân trọng những thế hệ tiền bối mở đường và khai sáng ra nền giáo dục cách mạng, đồng thời xác định trọng trách lịch sử và trách nhiệm thời đại cho nhà trường. Ông viết: “Trọng trách tối thượng của chúng ta là giáo dục cho mỗi trẻ được hình thành về giá trị gia đình, chuẩn mực xã hội và ứng xử trong thế giới hội nhập để khát khao làm chủ tri thức và hành động chân chính”.

GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh cũng mong muốn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là nơi nghĩ được, nói được và làm được; là nơi cam kết chất lượng đào tạo tốt nhất đối với xã hội: “Đại học là không gian nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo và dành cho những người sáng tạo. Hơn nữa, đây là một đại học sư phạm lớn, chúng ta có nghĩa vụ cao cả, đó là tạo ra những giải pháp hữu ích nhất để tạo động lực phát triển đất nước”.

 GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Ảnh: Thanh Hùng/vietnamnet.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Ảnh: Thanh Hùng/vietnamnet.

Kỳ vọng ở thế hệ nối tiếp

Trong phần 2 “Sứ mệnh và động lực” (10 bài diễn văn) người đứng đầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhấn mạnh sứ mệnh nhà giáo: “Trọng trách của chúng ta là đi tiên phong trong đổi mới, tìm mô hình, tìm biện pháp và tìm cách làm: đó là tình cảm, là trách nhiệm thiêng liêng mà thời đại trao cho chúng ta”.

Ông Minh cũng đề cập đến việc những câu chuyện của hội nhập, đổi mới giáo dục, và cho rằng muốn giáo dục phát triển thì phải luôn đổi mới, nhà giáo hãy là người dẫn đường. “Tôi không muốn ví nhà giáo như thân phận người lái đò. Tôi muốn chính họ là người khai mở trí tuệ và tâm hồn cho những con người thời đại”.

Ở phần 3 “Tầm nhìn và hành động” (8 bài diễn văn), ông Minh đề cập đến tư duy mới, phong cách làm việc mới: “Không ai thay cho chúng ta để quyết định tương lai của giáo dục đất nước. Thời đại mới đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn mới, cách nghĩ mới, cách làm mới”.

Ông Minh kì vọng vào sự dấn thân của nhà giáo, và mong mỗi người trong số họ là những người tiên phong, là “hoa tiêu” trên mỗi cương vị công tác. Ông viết: “Thuở hồng hoang trên mặt đất vốn dĩ không có đường mòn. Có người tiên phong và nhiều người đi mới có đường. Người mở đường có thể gặp núi cao vực sâu hoặc thú dữ. Nhưng nếu không có người đi thì làm sao có được đường đi? Không bứt phá sống bằng kinh nghiệm thuần túy thì đất nước này sẽ ra sao, các bạn sẽ nghĩ gì?

Tôi mong muốn các bạn là những ngời dám dân thân vì sứ mệnh cao cả, là “hoa tiêu” cho giáo dục nước nhà”.

Ở phần 4 “Khát vọng tuổi trẻ” (7 bài diễn văn) và Phần 5 “Tạo dựng tương lai” (14 bài diễn văn) ông Minh đã khơi dậy tình yêu, khát vọng và sáng tạo ở giới trẻ, đặc biệt là của các bạn thanh niên, sinh viên. Ông cũng có những chia sẻ về lí tưởng, lẽ sống của thanh niên, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước với những lời khuyến khích thúc đẩy năng lực và tâm huyết của tuổi trẻ, như: “Hãy bắt đầu!”, “Khát vọng vươn lên để cống hiến”, “Ai dám thử sức mình?”, “Cần gì ở thanh niên?”, “Hãy đi và sẽ đến!; “Thanh niên gen Z hãy làm chủ công nghệ”…”.

Cuốn sách khép lại ở bài diễn văn tại Lễ Khai giảng năm học 2023-2024 chào đón khóa sinh viên thứ 73 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như là sự mở ra và kì vọng của GS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Minh cũng như toàn thể cán bộ, giảng viên của Nhà trường về “Một thế hệ mới: Nghĩ mới hơn để làm tốt hơn”.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-loi-chia-se-cua-nguoi-dung-dau-dai-hoc-su-pham-ha-noi-post1453897.html