Những lưu ý khi xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng

Năng lượng mà các công trình xây dựng tiêu tốn là rất lớn, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính. Tham khảo nhiều công trình trên khắp thế giới, xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng có thể giảm 20% - 30% tổng năng lượng tiêu thụ.

Trong khi đó, để xây dựng các công trình, tòa nhà tiết kiệm năng lượng thì chi phí xây dựng chỉ tăng từ 10 - 30%. Về lâu dài thì chi phí vận hành, sử dụng tòa nhà, công trình tiết kiệm và “rẻ” hơn nhiều.

Có nhiều cách thiết kế, xây dựng cho công trình đạt hiệu quả sử dụng năng lượng cao nhất, hạn chế thất thoát điện năng, nhiệt năng không cần thiết. Có thể áp dụng kết hợp nhiều giải pháp, phù hợp với công trình của bạn. Tuy nhiên, cần tính toán và dự trù ngay từ khâu thiết kế cũng như lựa chọn vật liệu.

Một số giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng trong thiết kế công trình xây dựng:

Thiết kế hình khối, hình dáng cho công trình

Việc lựa chọn hình khối, hình dáng cho công trình, ngoài mục đích về phương diện thẩm mỹ kiến trúc thì còn có thể giúp đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng. Cần hướng đến công trình xây dựng có thể tiết kiệm năng lượng tốt trong quá trình xây dựng, vận hành và sử dụng.

Theo đó, thứ tự hình khối nhà ưu tiên để tiết kiệm năng lượng như sau: khối trụ tròn, khối đa diện đều, khối trụ vuông, khối trụ chữ nhật, khối lồi lõm phức tạp…

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên

Điều kiện khí hậu nước ta là nhiệt đới ẩm gió mùa, thời gian nắng trong năm dài, lượng bức xạ mặt trời lớn, mùa hè nóng nhưng có gió mát thổi. Tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên này để giảm điện năng dùng cho chiếu sáng bằng cách lấy ánh sáng tự nhiên. Hoặc giảm điện năng dùng cho hệ thống làm mát bằng thiết kế nhà thông gió tự nhiên.

Thay cho hệ thống đèn luôn bật chiếu sáng bất kể ngày đêm, có thể thiết kế hệ thống cửa sổ nhằm lấy ánh sáng tự nhiên chiếu sáng cho không gian.

Khi thiết kế cửa sổ lấy ánh sáng, nên chọn loại cửa cao và hẹp sẽ tốt hơn. Ngoài ra, cửa phải dễ dàng đóng mở, nhưng cũng đảm bảo yêu cầu che nắng tốt.

Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng

Các dòng kính tiết kiệm năng lượng có thể ngăn nhiệt từ ngoài vào trong, đồng thời giảm truyền tải nhiệt ra ngoài. Ngoài ra, loại kính này còn có khả năng chủ động thu năng lượng, chuyển hóa thành năng lượng phục vụ cho sinh hoạt.

Dùng vật liệu xanh, thân thiện môi trường

Thị trường hiện phát triển rất nhiều vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, vừa tiết kiệm năng lượng, quá trình sản xuất xanh, vừa cách âm cách nhiệt tốt. Tiêu biểu như dòng gạch không nung, sử dụng thay thế cho gạch nung gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, sử dụng các vật liệu chống nhiệt, chống thấm tốt cũng giúp tiết kiệm năng lượng sử dụng cho công trình.

Sử dụng cây xanh

Cây xanh vừa giúp không gian xung quanh công trình dễ chịu, tự nhiên, thoải mái hơn, vừa tạo môi trường sống mát hơn, sạch hơn. Cây xanh điều hòa không khí rất tốt, nên giảm điện năng sử dụng cho điều hòa không khí và máy lạnh.

Hệ thống chiếu sáng thông minh

Hệ thống chiếu sáng điều khiển thông minh sẽ giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng không cần thiết. Các sensor cảm ứng và điều khiển tự độ độ sáng của đèn dựa trên điều kiện ánh sáng, tự động tắt khi không có người sử dụng. Các thiết bị chiếu sáng giúp tiết kiệm năng lượng như đèn compact, đèn LED…

Thiết kế cấp nước

Tận dụng nước thải và nước mưa từ vòi rửa tay, vòi sen, máy giặt… để xử lý và tái sử dụng để tiết kiệm. Sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới, có thể giảm 20% lượng nước sử dụng. Những bình nước nóng năng lượng mặt trời giúp giảm điện năng sử dụng cho hệ thống làm nóng nước.

G.M

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-luu-y-khi-xay-dung-cac-toa-nha-tiet-kiem-nang-luong-569387.html