Những lưu ý thí sinh cần nắm chắc khi đăng ký xét tuyển đại học 2024
Hôm nay (17/3), tại ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024.
Đa dạng cơ hội, hầu hết thí sinh trúng tuyển ngay đợt 1
Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, trong 9 năm trở lại đây, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đã có những đổi mới rất mạnh mẽ. Tiêu chí đầu tiên của việc đổi mới là mang lại thuận lợi lớn nhất và cơ hội tốt nhất cho thí sinh.
Trước năm 2015, học sinh chỉ được chọn một nguyện vọng và một ngành vào một trường đại học, cơ hội để trúng tuyển vào được trường tốt, ngành tốt là rất khó.
Từ năm 2015, thí sinh có 4 nguyện vọng vào 1 trường; từ 2016 thì có 4 nguyện vọng vào 2 trường. Từ năm 2017 trở đi, thí sinh được đăng ký xét tuyển không hạn chế số nguyện vọng đăng ký vào các trường, các ngành và các chương trình đào tạo khác nhau.
Như vậy, hầu hết thí sinh đã được trúng tuyển ở đợt 1 vào các ngành, các trường mong ước theo nguyện vọng cao nhất của mình.
Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn dường như không giảm đi phần khó khăn, thí sinh lại thêm băn khoăn làm thế nào chọn được những nguyện vọng phù hợp nhất với sở trường, phù hợp với yêu cầu thị trường lao động và cơ hội việc làm ở trong tương lai.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho học sinh cũng như phụ huynh bối rối.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các sự lựa chọn rất lớn. Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 thí sinh, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy, khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Ngoài ra, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Có thể thấy, số thí sinh đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn hy vọng, thông qua các chương trình tư vấn tuyển sinh, giáo viên, chuyên gia sẽ có thể tư vấn trực tiếp cho học sinh, phụ huynh để các em yên tâm lựa chọn nghề nghiệp.
5 lưu ý khi xét tuyển đại học
Tư vấn cho thí sinh tại ngày hội, TS Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023. Tuy nhiên thí sinh cần lưu ý một số điểm nổi bật.
Thứ nhất, học sinh lớp 12 cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra các em có thể rèn luyện bằng cách làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Trong quá trình rèn luyện, các em không chỉ ghi nhớ tốt kiến thức mà còn rèn kỹ năng làm bài thi để có tâm lý vững vàng khi bước vào kỳ thi.
Thứ hai, việc chọn môn thi cũng cần đặc biệt chú ý. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Ngoài Tiếng Anh, học sinh vẫn có thể đăng ký các ngoại ngữ khác theo quy định.
Thứ ba, với thí sinh tự do đã tốt nghiệp nhưng dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học chỉ muốn dự thi 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi. Trường hợp thí sinh thi môn thành phần đầu tiên và sau cùng thì thời gian chờ ở đâu…
Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh tự do có thể được chọn môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng cũng không được đồng thời chọn môn thi thành phần của cả hai bài thi tổ hợp.
Thứ tư, mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Các em cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các đơn vị dự thi phải hỗ trợ thí sinh một số việc, ví dụ như tra cứu thông tin về diện ưu tiên khu vực để cung cấp cho thí sinh đăng ký chính xác. Các em cần nhớ cập nhật đủ dữ liệu để đảm bảo quyền lợi.
Thứ năm, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của thí sinh khi dự thi để biết các em được và không được mang gì vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi. Trong những kỳ thi trước có nhiều trường hợp thí sinh quên, mang điện thoại vào phòng thi và bị đình chỉ, đây là điều rất đáng tiếc.