Những mảng sáng, tối xuất khẩu nông sản

Bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ghi nhận kỷ lục mới như gạo, cà phê, rau quả… có những mặt hàng sụt giảm khá mạnh như thủy sản, đồ gỗ, lâm sản...

Những mặt hàng "tỷ đô"...

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD - gần mục tiêu đề ra (54 tỷ USD). Bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ghi nhận kỷ lục mới như gạo, cà phê, rau quả… có những mặt hàng sụt giảm khá mạnh như thủy sản, đồ gỗ, lâm sản.

2023 là một năm nhiều khó khăn đối với xuất khẩu nói chung, trong đó có nông sản. Dù có những điểm sáng, tối... song nhìn chung, đây là một năm vượt khó của nông sản Việt Nam.

Mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất năm nay của nông sản Việt Nam là rau quả. Kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2023 đạt mức kỷ lục, trên 5,573 tỷ USD, tăng 65,6% so năm 2022. Trong đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nga... là những thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam.

Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của ngành hàng rau quả.

Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất của ngành hàng rau quả.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 2023 là năm chứng kiến quá trình “đổi ngôi” trong ngành rau quả. Vượt qua thanh long, sầu riêng trở thành mặt hàng có doanh số xuất khẩu cao nhất. Đây cũng là năm nhiều thuận lợi khi xuất khẩu rau quả Việt Nam ký kết được nhiều Nghị định thư xuất khẩu vào các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Cùng với rau quả, 2023 cũng là năm thành công của ngành lúa gạo. Giá xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục tăng cao, vượt qua cả nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Thái Lan. Những tuần cuối năm 2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 10 USD còn 653 USD/tấn, gạo 25% tấm của Việt Nam giảm 10 USD về mức 633 USD/tấn. Dù đã giảm nhưng gạo Việt vẫn giữ mức giá cao nhất thế giới. Năm 2023, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đều cao hơn trước, đạt kỷ lục với kim ngạch 5 tỷ USD.

Tương tự, theo tính toán từ Bộ NN&PTNT, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD, tức là vẫn lập được mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch, nhờ tăng 200 triệu USD so với kim ngạch kỷ lục của năm ngoái...

Trái với những gam màu sáng, xuất khẩu nông sản ghi nhận sự sụt giảm ở hai ngành hàng lớn là thủy sản và đồ gỗ, lâm sản. Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập chia sẻ, 2023 là một năm thách thức của ngành gỗ Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất… Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản năm 2023 chỉ đạt từ 13,5 đến 14 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm trước.

Cùng chiều với gỗ và lâm sản, thủy sản cũng sụt giảm đáng kể, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng thủy sản Việt Nam đối diện với nguy cơ cảnh báo chất lượng từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, năm 2023 có nhiều biến động với xuất khẩu nông sản Việt Nam, nhiều khó khăn song cũng có những thuận lợi. Sự “bù trừ” trong kim ngạch xuất khẩu giúp ngành vẫn giữ được kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề về chất lượng, vùng nguyên liệu cần khắc phục để duy trì sự bền vững.

Đón “sóng” mới

Dự báo, năm 2024 vẫn có nhiều thuận lợi đối với nhóm ngành hàng lúa gạo, rau quả, cà phê và mặt hàng khác với những đợt “sóng” mới mà nông sản Việt cần chủ động tận dụng đón nhận.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng này cần chú trọng xây dựng chuỗi sản xuất, bám sát yêu cầu từ thị trường nhập khẩu, bảo đảm duy trì tăng trưởng bền vững.

Việt Nam hình thành nhiều vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng.

Việt Nam hình thành nhiều vùng sản xuất lúa, gạo chất lượng.

Đối với mặt hàng về thủy sản, đồ gỗ, Bộ NN&PTNT bám sát triển khai quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá). Trong đó, cần tập trung xây dựng các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng, gỡ được "thẻ vàng" về IUU cũng như giải quyết những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép…

Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho rằng, để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT sẽ đàm phán để gỡ "thẻ vàng" đối với một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản.

Bộ NN&PTNT sẽ đàm phán để gỡ "thẻ vàng" đối với một số mặt hàng xuất khẩu thủy sản.

Phân tích về thị trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ, ngành đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch.

Bộ tiếp tục cùng các địa phương, doanh nghiệp rà soát, đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đây là giải pháp tháo gỡ cơ bản khó khăn, vướng mắc về chất lượng, tiêu chuẩn của nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường lớn.

“Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhung-mang-sang-toi-xuat-khau-nong-san-654206.html