Những mảnh đời vất vưởng sau hàng trăm con đập dọc dòng Mê-Kông
Các đập thủy điện được xây dựng trên sông Mê Kông đang khiến sinh kế và sinh tồn của hàng triệu nông dân rơi vào lao đao, buộc phải mò mẫm tìm đường sống khác.
Giữa những ngày hè đổ lửa tại Cù Lao Dung thuộc tỉnh Đồng Tháp, người đàn ông tên Diệp vẫn cần mẫn với công việc xe ôm của mình. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau dáng vẻ vất vả và dòng mồ hôi ướt đẫm kia lại là người từng làm chủ nông trường mía rộng tới 180ha.
Công việc kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn với ông khi chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận giảm dần và đặc biệt, nhân công ngày một ít đi.
Dòng lao động dịch chuyển sang các nơi khác khiến ông Diệp không thể tuyển được người thu hoạch mía, buộc phải chuyển sang nghề xe ôm để mưu sinh qua ngày.
Tại hội thảo “Tác động từ những chính sách của Trung Quốc đối với sông Mê Kông” tổ chức bởi Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ cho biết hàng trăm nghìn người đã rời khỏi đồng bằng sông Cửu Long tới các khu đô thị lớn hoặc khu công nghiệp để kiếm việc làm.
Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, là khu vực chính của lúa gạo, trái cây cũng như thủy sản xuất khẩu. Sự trù phú, phì nhiêu của vùng đất này không tự nhiên mà có, được bồi đắp hàng nghìn năm từ dòng chảy giàu phù sa của con sông Mê Kông.
Thế nhưng, hàng trăm đập thủy điện đã và đang được dựng lên, trở thành những bức tường thành vững chắc kéo dài từ thượng nguồn, qua trung nguồn và về hạ nguồn. Những con đập thủy điện ấy ngăn cản dòng chảy của nước, của phù sa và đặc biệt, cắt dòng di cư của cá tại dòng sông sản sinh ra lượng cá lớn nhất trong đất liền.
Ủy hội sông Mê Kông (MRC) hồi giữa tháng 7 thông báo mực nước trên sông vào thời gian đầu mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay) ở mức thấp nhất trong lịch sử.
MRC nhận định cho rằng 3 lý do dẫn tới tình trạng này bao gồm lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng tại Trung Quốc giảm mức xả để "bảo trì lưới điện" và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.
Tuy nhiên, Mekong Butterfly, nhóm dân sự của Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mê Kông, cho rằng 8 đập thủy điện tại Trung Quốc là “thủ phạm” chính khiến mực nước xuống thấp kỷ lục.
Nhóm này khẳng định các con đập của Trung Quốc đã chặn khoảng 40 tỷ mét khối nước để sử dụng cho sản xuất điện, tưới tiêu cũng như những mục đích khác, gây ra dòng chảy bất thường tại dòng sông này.
Xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, lượng nước và phù sa giảm dần khiến người dân không còn mặn mà với canh tác nông nghiệp, ngư nghiệp, đẩy lao động tới những khu công nghiệp và thành phố lớn.
Không chỉ có ông Diệp, rất nhiều mảnh đời khác cũng đang bị đe dọa và rơi vào khốn khó vì đập thủy điện.
Tại khu tái định cư gần Luông Pha Bang (Lào), những người dân nơi đây sống trong cảnh bơ vơ vì mất đất, mất nhà, mất nơi lao động. Họ từng bị buộc đến đây với lời hứa trợ cấp ổn định cuộc sống từ những công ty xây đập nhưng khoảng thời gian ấy chỉ kéo dài 6 tháng.
Ông Brian Eyler cho biết những người dân tại đây cũng không được cho đất đai để trồng cây nông nghiệp. Không có đất canh tác, họ buộc phải đi bộ ngược trở lại khu vực trước đây và khi đến nơi thì trời đã chuyển chiều. Họ chỉ có thể làm khoảng 1 tiếng trên các cánh đồng cũ rồi lại quay trở về.
Nếu muốn có ruộng gần nơi ở mới, người dân tại đây phải thuê ruộng nhưng nếu mất mùa, họ sẽ rơi vào cảnh nợ nần. Trước đây, chẳng mấy ai có nợ nhưng từ khi di chuyển sang khu mới, hơn 1 nửa làng có nợ.
Những ngôi nhà mới chưa được bao lâu đã rơi vào tình trạng mối mọt. Một người phụ nữ kể với ông Brian Eyler cho biết những căn nhà sàn cũ làm bằng gỗ tốt bị doanh nghiệp Trung Quốc lấy và bán lại về nước, chỉ cho tái định cư bằng loại gỗ tồi nhất.
Hơn 60 triệu người dân của nhiều quốc gia đang phải phụ thuộc vào dòng sông Mê Kông để sinh kế và sinh tồn nhưng dòng huyết mạch ấy đang bị thắt lại hàng trăm đoạn bởi hệ thống thủy điện chằng chịt.
Trong bối cảnh chưa thể có một giải pháp toàn diện và hợp tác chặt chẽ giữa các nước dọc sông Mê Kông, nhiều người dân đã tự tìm lấy vị anh hùng cứu thế trong chính bản thân.
Sở hữu một trang trại trồng cây và nuôi cá chỉ khoảng 1ha tại khu vực gần Cần Thơ, người nông dân tên Thành đã tự tạo ra một hệ thống hoàn toàn hữu cơ, tự nhân giống cá cũng như tự tạo ra khí gas phục vụ gia đình.
Ông còn dạy sinh viên nước ngoài cũng như nhiều người nông dân khác cách tạo ra quần thể, tạo ra khí gas. Nhờ mô hình này, dòng thu nhập của ông Thành ổn định hàng năm mà không cần phụ thuộc vào vụ lúa.
Ông Brian Eyler nhận định rằng mô hình này cho thấy tương lai của khu vực sông Mê Kông là sự đổi mới, canh tác thông minh và những sản phẩm có giá trị cao.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hàng trăm đập thủy điện vẫn đang trong kế hoạch xây dựng, cuộc sống của hàng triệu con người sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi theo chiều hướng xấu đi nếu các quốc gia dọc sông Mê Kông không thể cùng tìm ra một giải pháp toàn diện và phối hợp hành động.