Những mô hình kinh tế hiệu quả ở Tân Thượng

Nhờ tích cực triển khai các mô hình trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả, nên thời gian qua bà con nông dân trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Di Linh đã từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Mô hình trồng măng tây của ông K’Ly luôn được người dân địa phương quan tâm.

Mô hình trồng măng tây của ông K’Ly luôn được người dân địa phương quan tâm.

Tân Thượng là một trong những xã ở huyện Di Linh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để tạo cơ hội cho bà con nông dân mở hướng làm ăn mới hiệu quả, những năm qua xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho bà con thực hiện chương trình tái canh cà phê, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bơ, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca, sachi…; đồng thời kết hợp phát triển vật nuôi phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Ông K’Brồi - Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, cho biết: “Với sự chủ động, mạnh dạn, tiên phong của cán bộ, đảng viên cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mô hình sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi đã phát huy và được nhân rộng”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình sản xuất trên địa bàn xã, ông Lương Khắc Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thượng chia sẻ, khác so với một số người dân tại địa phương lựa chọn giải pháp trồng xen, những năm qua, với 2,5 ha cà phê, gia đình ông Đặng Ngọc Việt ở Thôn 4 đã chuyển diện tích 1 ha cà phê đang cho kinh doanh sang trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nuôi dê. Ông Việt bộc bạch, điều kiện đất đai ở khu vực này rất rộng rãi và nằm tách biệt với khu dân cư nên thích hợp phát triển chăn nuôi. Từ 7 con dê giống ban đầu, sau 4 năm ông Việt đã phát triển lên đến khoảng 100 con, đỉnh điểm lên tới 150 con. “Nuôi dê đòi hỏi ở người nuôi phải có kinh nghiệm và chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật trong khâu chăm sóc. Hàng năm, ngoài cung cấp dê thương thẩm cho thị trường, tôi còn cung cấp dê giống và tư vấn một số kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho bà con có nhu cầu. Với lợi thế đàn vật nuôi ít bệnh tật, dê sinh trưởng và phát triển nhanh, giá cả thị trường ổn định từ 80.000 đồng/kg - 130.000 đồng/kg, nên kinh tế gia đình tôi từng bước đi lên. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cỏ 4 sào để đảm bảo vùng nguyên liệu và khu vực chăn thả với định hướng phát triển đàn dê lên đến khoảng 500 con”, ông Đặng Ngọc Việt cho hay.

Một trong những mô hình mới ở Tân Thượng nói riêng và huyện Di Linh nói chung là mô hình trồng măng tây của ông K’Ly. Tuy là mô hình thí điểm được ông K’Ly thực hiện gần một năm nay, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và là điểm tham quan, học tập của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Với diện tích 1 sào, bình quân ông K’Ly thu được 5 kg măng thương phẩm/ngày, nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị trường trong vùng. “Mô hình trồng măng tây của gia đình tôi luôn được người dân trên địa bàn huyện và kể cả khách hàng từ TP Hồ Chí Minh quan tâm, về đây tìm hiểu, bởi đây là thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao và được trồng theo quy trình hữu cơ, nên được nhiều người tin dùng. Từ 1 sào măng tây, bình quân tôi cung cấp cho thị trường khoảng 150 kg/tháng, với giá bán 80.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được khoảng 10 triệu đồng”, ông K’Ly chia sẻ.

Ông K’Ly - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, cho biết thêm: Với hiệu quả mà cây măng tây mang lại, nhu cầu của thị trường rất cao, nên nhiều bà con nông dân trong xã và một xã trên địa bàn huyện đang phát triển trồng măng tây. Hiện nay đã có khoảng 10 nông hộ trên địa bàn xã Tân Thượng và Tân Lâm mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém sang trồng trên 3 ha măng tây. Riêng gia đình ông K’Ly hiện đang nhân giống để mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 4 sào. Khi mô hình được nhân rộng và xây dựng liên kết trong sản xuất thì mới có thể đáp ứng cung cấp với số lượng lớn sản phẩm măng tây cho thị trường.

Với hướng đi mới mang tính đột phá trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi của cán bộ, đảng viên và người dân Tân Thượng, đang tạo một bước đi phát triển vững chắc trong việc chủ động, tìm hiểu, mạnh dạn áp dụng những mô hình mới, cây con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phát triển kinh tế.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202005/nhung-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-o-tan-thuong-3005179/