Những mô hình thích ứng với hạn, mặn

Thời gian qua, với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, đẩy mạnh phát triển các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015 - 2016 thì đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, tình trạng này tiếp tục diễn ra ở Sóc Trăng và nhiều tỉnh, thành khác khi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp làm nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và rau màu bị ảnh hưởng, đời sống người dân gặp không ít khó khăn do bị thiếu nước sinh hoạt.

Để thích ứng với tình trạng này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi đến việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp và được nông dân ở một số địa phương áp dụng đang mang lại hiệu quả.

Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước đang được nhiều nông dân áp dụng. Ảnh: THIỆN HẢI

Hệ thống tưới phun tiết kiệm nước đang được nhiều nông dân áp dụng. Ảnh: THIỆN HẢI

Theo đó, hệ thống tưới phun nước tiết kiệm là mô hình mà nhiều nhà vườn ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Cù Lao Dung… đã chủ động đầu tư. Phương pháp này áp dụng công nghệ tưới phun tiết kiệm nước, giúp nhà vườn khắc phục tình trạng thiếu nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa hạn, mặn. Ông Nguyễn Hữu Công, ở xã Song Phụng (Long Phú) cho biết: “Sau thời gian tìm hiểu, tôi tự thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới phun nước tiết kiệm cho 3.500m2 đất trồng chanh dây ngọt với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng. Qua 2 tháng áp dụng đã cho thấy hiệu quả hơn so với cách tưới bằng máy trước đó, từ đó đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí, công sức và thời gian so với cách tưới bằng máy trước đây”.

Cũng theo ông Công, do hệ thống tưới được kết nối với điện thoại thông minh thông qua internet nên rất tiện lợi trong việc điều khiển hệ thống. Lượng nước ngọt được trữ trong mương nội đồng cũng được tiết kiệm rất nhiều do cách tưới phun, chỉ cần tưới từ 5 - 10 phút là đã đủ nước cho cả vườn chanh dây. Với khoảng thời gian này thì hệ thống tiêu thụ điện rất ít, tiết kiệm hơn 150.000 đồng so với cách tưới truyền thống. Sắp tới đây, ông Công dự định sẽ lắp đặt hệ thống này cho vườn bưởi và diện tích chanh được trồng thêm.

Mô hình trồng mãng cầu gai ở TX. Ngã Năm. Ảnh: THIỆN HẢI

Mô hình trồng mãng cầu gai ở TX. Ngã Năm. Ảnh: THIỆN HẢI

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đang đặt ra những thách thức lớn đối với nhiều địa phương hiện nay nên việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với tình hình thực tế đang được nhiều nơi áp dụng. Một trong những mô hình nổi bật trong thời gian qua là trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát ở TX. Ngã Năm. Do là vùng phèn, trũng nên địa phương đã xác định ưu tiên đầu tư mô hình trồng mãng cầu gai bởi tính hiệu quả của mô hình có thể chịu mặn được trên 5‰, thích hợp ở vùng phèn, mặn; ban đầu chỉ có vài chục hécta mãng cầu gai nhưng đến nay đã có trên 500ha.

Hiện nay, loại cây trồng này đã được hỗ trợ sản xuất theo hướng VietGAP và là cây trồng hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập. Ngoài việc bán trái tươi, nông dân trồng mãng cầu còn được doanh nghiệp thu mua làm nguyên liệu để làm mứt, chế biến trà mãng cầu. Gần đây, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến các sản phẩm từ mãng cầu gai bao gồm: trà quả mãng cầu lên men; trà túi lọc quả mãng cầu; nước quả mãng cầu lên men; trà lá mãng cầu lên men; bột sinh tố mãng cầu, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm và xúc tiến thị trường các sản phẩm chế biến từ mãng cầu gai, chuyển giao quy trình chế biến cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Ngoài các mô hình trên, để thích ứng với biến đổi khí hậu và giá cả thị trường bấp bênh, nông dân cũng chuyển đổi các cây trồng, vật nuôi cho phù hợp như: xoài, nhãn, dừa, bưởi… hay trồng nấm rơm thay cho lúa vụ Đông - Xuân muộn hay lúa vụ 3 để vừa giải quyết việc làm trong những tháng mùa khô vừa có nguồn thu nhập cao; mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng, đặc biệt là cây dưa hấu đã và đang chứng minh được hiệu quả kinh tế. Theo nhiều nông dân, dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, không sử dụng nước nhiều như lúa nên rất phù hợp sản xuất trong mùa hạn, mặn.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng phát triển phù hợp trong giai đoạn hiện nay, không những làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần đảm bảo môi trường sinh thái và sức khỏe của cộng đồng.

THIỆN HẢI

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/nhung-mo-hinh-thich-ung-voi-han-man-39785.html