Những mô hình tự quản hiệu quả ở huyện miền núi Nam Đông
Nhiều mô hình tự quản về ANTT ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) sau nhiều năm triển khai đã mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng trong đảm bảo ANTT tại địa bàn. Nhờ đó, người dân đồng bào yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Thượng tá Nguyễn Nam Sinh, Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, từ năm 2019 đến nay, huyện Nam Đông đã xây dựng 8 mô hình quần chúng tự quản về ANTT ở cơ sở, trong đó nổi bật các mô hình, như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Dòng họ Hồ thôn Lập, xã Thượng Nhật đảm bảo ANTT”, “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, “Tổ nhân dân tự quản về ANTT”…
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn Phú Nhuận (xã Hương Xuân, Nam Đông) kết hợp với mô hình “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội” đã góp phần nâng cao nhận thức người dân trong công tác đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn tệ nạn xã hội. Để triển khai mô hình này có 15 hộ dân được chọn treo 15 kẻng. Mỗi khi có các vụ việc trộm cắp, đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cháy nổ, cháy rừng… thì 15 kẻng được đánh báo hiệu cho người dân trong thôn biết để mọi người cùng nhau tham gia giải quyết.
Trưởng Ban điều hành mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, ông Hoàng Tôn Bảo Long cho biết: “Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại nhiều kết quả, đặc biệt là về lĩnh vực ANTT. Trước đây, khi mô hình này chưa thành lập, tình trạng người dân uống rượu, bia say gây rối mất trật tự thôn xóm, nạn trộm cắp tài sản, trộm cắp vặt, nhất là trộm chó diễn biến hết sức phức tạp gây phẫn nộ trong nhân dân. Nhưng từ khi xây dựng nhân rộng mô hình tự quản cùng với lực lượng Công an xã tăng cường công tác tuần tra đêm khép kín địa bàn, tình hình ANTT ở địa bàn luôn ổn định. Người dân đã yên tâm để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Lực lượng chức năng triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” xã Hương Xuân đã được Chủ tịch UBND huyện Nam Đông tặng giấy khen.
Tương tự, một mô hình tự quản khác ở huyện Nam Đông vừa được Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng giấy khen và đang được nhân rộng ra ở nhiều địa phương khác, đó là mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường Tiểu học thị trấn Khe Tre. Nằm ở trung tâm huyện Nam Đông, phía trước trường có tuyến đường tỉnh lộ 14C đi qua, mật độ lưu lượng xe cộ lưu thông hàng ngày khá đông; vào giờ học sinh tan trường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra.
Thầy giáo Trần Đức Triển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Khe Tre nói rằng, trước đây, vào giờ tan học, tình trạng phụ huynh đến đón con em trước cổng trường rất lộn xộn, gây mất ATGT cho học sinh và những phương tiện đi lại trên tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều học sinh đi bộ đến trường do không có đường để đi nên phải di chuyển ra giữa lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Điều đáng nói, nhiều phụ huynh đi đón con không đội mũ bảo hiểm, chở hai, chở ba, thậm chí chở bốn tạo nên hình ảnh xấu đối với học sinh, ảnh hưởng đến công tác giáo dục chấp hành pháp luật nói chung và Luật ATGT nói riêng của nhà trường đến các em. Kể từ khi triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, ngay từ đầu năm học, nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm các lớp tiến hành triển khai ký cam kết ATGT đến toàn thể phụ huynh học sinh và được 100% phụ huynh hưởng ứng và thực hiện. BGH nhà trường tổ chức quán triệt vấn đề chấp hành Luật ATGT và các quy định về thực hiện cổng trường ATGT thông qua các buổi họp phụ huynh các lớp (mỗi năm 3 lần). Sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh vào giờ học sinh tan học để phụ huynh nắm và thực hiện.
Đồng thời, sử dụng các nền tảng số như facebook, zalo trong công tác tuyên truyền vận động, như gửi các hình ảnh đẹp của phụ huynh khi thực hiện tốt các yêu cầu về xây dựng cổng trường lên nhóm zalo lớp để động viên, khích lệ; với những phụ huynh thực hiện chưa tốt, nhà trường cũng gửi hình ảnh cho giáo viên chủ nhiệm để nhắc nhở riêng. Giáo viên dạy tiết cuối ở các lớp hướng dẫn học sinh xếp hàng ra về theo hàng và theo lớp nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh dễ quan sát được con em mình khi ra về, tạo sự an tâm cho phụ huynh khi đi đón con. Mỗi tuần, có 25 giáo viên trực cổng trường hàng ngày nhằm hướng dẫn học sinh trong giờ ra về cũng như hướng dẫn phụ huynh thực hiện các yêu cầu đề ra…
Thượng tá Nguyễn Nam Sinh chia sẻ, những năm qua, công tác xây dựng mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện luôn được quan tâm; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT. Đặc biệt, nội dung, hình thức của phong trào thường xuyên được đổi mới, xây dựng đa dạng theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Vì vậy, được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đánh giá cao, được quần chúng nhân dân ủng hộ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân và cả hệ thống chính trị vào phong trào đảm bảo ANTT.
Trong thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung vẫn diễn biến phức tạp. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng bộc lộ rõ nét, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định về ANTT. Đặc biệt, dự báo tình hình ANTT trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông sẽ có diễn biến phức tạp khi tuyến cao tốc Túy Loan - La Sơn đi vào hoạt động. Do đó, đặt ra yêu cầu phải không ngừng phát huy vai trò tích cực, tự giác của quần chúng nhân dân, nhân rộng và phát huy có hiệu quả các mô hình tự quản về ANTT trên địa bàn… Qua đó, góp phần xây dựng huyện Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới…