Những 'nàng tiên cá' cuối cùng
Sinh sống bằng cách lặn xuống đáy biển tìm kiếm hải sản, những 'nàng tiên cá' Haenyeo là một phần di sản văn hóa của Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt nhiều thách thức.
Sau vài ngày ở cạnh Haenyeo - một nhóm phụ nữ trên đảo Jeju (Hàn Quốc) nổi tiếng với nghề đánh bắt hải sản từ đáy biển mà không sử dụng thiết bị lặn, nhiếp ảnh gia Peter Ash Lee kể lại cuộc trò chuyện cùng một trong những “thợ lặn tự do” trẻ nhất hòn đảo.
“Mối bận tâm lớn nhất của cô ấy là sự kết thúc của truyền thống Haenyeo”, Lee nói về Ko Ryou-jin, một Haenyeo thế hệ thứ ba trong gia đình.
“Cô ấy nói với tôi bằng tiếng Hàn: 'Tôi sẽ là người cuối cùng'. Sau đó cô ấy nói lại bằng tiếng Anh: 'Tôi là nàng tiên cá cuối cùng', anh chia sẻ với CNN.
Tâm sự của Ko đã truyền cảm hứng cho tựa đề cuốn sách nhiếp ảnh mới của Lee. Cuốn sách này không chỉ đặc tả cách sống và làm việc độc đáo của Haenyeo - được UNESCO công nhận là một phần di sản văn hóa của Hàn Quốc vào năm 2016 - mà còn nhấn mạnh truyền thống lâu đời bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và bị mai một theo thời gian.
Tác phẩm "Nàng tiên cá cuối cùng" của Lee khắc họa chân dung của nhóm phụ nữ nhiều thế hệ tại nơi làm việc. Hình ảnh đẹp của họ được chụp lại, hoặc đang chuẩn bị lặn với đồ nghề thủ công, hoặc nổi lên từ biển với sản phẩm đánh bắt được kéo lên mặt nước bằng lưới và phao thay vì thiết bị cơ khí hiện đại.
Những hình ảnh cận cho thấy dụng cụ làm việc đơn giản, như quả nặng bằng chì tròn mà nhóm Haenyeo sử dụng để nhanh chóng chìm xuống đáy biển.
“Thật không thể tin được vì họ trông có tuổi (trên đất liền), nhưng khoảnh khắc chạm mặt nước, họ thực sự giống những nàng tiên cá”, Lee mô tả.
Lee sống ở Hàn Quốc cho đến năm 7 tuổi - lúc đó gia đình anh chuyển đến Toronto. Anh biết đến Haenyeo kể từ khi đến thăm Jeju khi còn nhỏ.
"Tôi nghĩ mọi người coi Haenyeo gần như những người lao động”, anh nói, đồng thời giải thích lối sống độc đáo này là một phần của địa phương.
Kết nối với cộng đồng thợ lặn qua bữa sáng tại tiệm bánh nổi tiếng của Hàn Quốc Paris Baguette, Lee sau đó đã trải qua nhiều ngày với Haenyeo. Tuy nhiên, anh không lặn cùng họ. "Lúc đó nước rất lạnh!", Lee nói.
Hầu hết Haenyeo là phụ nữ ở độ tuổi 60-80. Họ thường đến nơi làm việc vào sáng sớm để chuẩn bị, bao gồm sử dụng máy đo huyết áp, kiểm tra xem mọi người có ở tình trạng tốt để lặn hay không, trước khi dành cả ngày dưới nước.
Cách chào đón của những phụ nữ này khiến nhiếp ảnh gia Lee nhớ đến sự trìu mến người bà quá cố dành cho mình.
"Trong lịch sử, đảo Jeju là xã hội mẫu hệ. Phụ nữ là những người đi lặn và chu cấp cho gia đình. Họ là những người trụ cột trong gia đình”, Lee nói. “Có một mối liên hệ đặc biệt… gia đình là một phần quan trọng của văn hóa Hàn Quốc".
Lee cho hay nhóm Haenyeo kiên quyết giữ gìn truyền thống bằng cách sử dụng các thiết bị lặn đơn giản, như bộ đồ lặn bằng cao su tổng hợp, thường xuyên được vá và sửa chữa.
"Những thiết bị gần tựa như lịch sử được ghi lại bởi họ đã không thay đổi lối sống trong suốt 60 năm qua", anh nói.
Tuy nhiên, Lee cũng quan sát thấy những thách thức hiện hữu giữa cũ và mới, cùng cuộc khủng hoảng khí hậu buộc người dân Haenyeo phải điều chỉnh phương pháp đánh bắt.
Theo nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí Sustainability, khí hậu thay đổi đã khiến vùng nước xung quanh Jeju ấm lên khoảng 2 độ C trong 36 năm qua.
Ko nói với Lee rằng giờ đây người dân Haenyeo không thể tuân theo phương pháp đánh bắt cá bền vững mà họ đã áp dụng trong nhiều thập kỷ do những thay đổi trong hệ sinh thái biển.
Ví dụ, số lượng nhím biển quá đông làm gián đoạn mô hình thu hoạch thường xuyên của thợ lặn. Trong khi đó, vùng nước ấm hơn thu hút các sinh vật biển độc và săn mồi, như rắn và bạch tuộc đến khu vực.
Ko cũng kể với Lee rằng trong nhiều năm qua, các thợ lặn có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm đánh bắt chính - loại động vật thân mềm biển, có tên ốc xà cừ - thường được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tuy nhiên, giờ đây, Haenyeo phải bơi ra ngoài cả tiếng đồng hồ mới có thể tìm thấy.
“Công việc của họ không chỉ trở nên nguy hiểm hơn mà còn khó khăn hơn vì khó tìm thấy sinh vật biển để đánh bắt hơn”, Lee chia sẻ. “Phương thức kiếm sống bền vững cũ đã bị phá vỡ khiến họ phải làm viêc vất vả hơn để kiếm sống".
Truyền thống lặn biển của Jeju có thể có từ thế kỷ V. Người Haenyeo đã âm thầm kiên trì với nghề truyền thống trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của Hàn Quốc.
"Đây là nơi đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian ngắn, từ một đất nước khá nghèo bị chiến tranh tàn phá trở thành nước phát triển. Tất cả điều đó đều được lưu giữ trong tâm trí tôi", Lee nói.
Nhưng theo Ko, sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng ở Hàn Quốc đồng nghĩa thế hệ trẻ thường ít bị thu hút và quan tâm tới cuộc sống lao động như Haenyeo.
Cô đang cố gắng tuyển thêm nhiều phụ nữ trẻ tham gia vào cộng đồng nhưng nói với Lee rằng đó là thách thức.
Dù vậy, Ko vẫn đạt được một số thành công nhất định. Kể từ khi Lee đến thăm hòn đảo, một thợ lặn trẻ khác đã gia nhập Haenyeo. Điều này có nghĩa là hiện tại, Ko không còn là "nàng tiên cá cuối cùng".
"Thật sửng sốt khi truyền thống này đã tồn tại hơn 1.000 năm”, Lee nói. “Tôi cảm thấy điều quan trọng là phải bảo tồn lịch sử đó càng nhiều càng tốt".
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-nang-tien-ca-cuoi-cung-post1458863.html