Những ngân hàng đầu tiên hé lộ lợi nhuận quý đầu năm
Đã có những ngân hàng đầu tiên thông tin về lợi nhuận quý đầu năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vừa 'thoát đáy' giảm.
Ngày 2-4, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Đại hội của VIB đã thông qua phương án chia cổ tức với tỉ lệ 29,5% cho cổ đông, với mức tỉ lệ 12,5% cổ tức tiền mặt và 17% cổ phiếu thưởng. Tỉ lệ chia cổ tức cao và cân bằng đã được VIB duy trì thành thông lệ qua nhiều năm, tạo nguồn lực để ngân hàng tiếp tục các kế hoạch tăng trưởng. Riêng về cổ tức tiền mặt, trong 3 tháng đầu năm nay ngân hàng đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 6%.
Đáng chú ý, lãnh đạo VIB đã hé lộ kết quả kinh doanh quý I/2024 với những con số tích cực. Trong đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt khoảng 1% và lợi nhuận trước thuế khoảng 2.600 tỉ đồng.
"Quý đầu năm thường mất khoảng 1 tháng trong dịp Tết, doanh thu sụt giảm nhưng với lợi nhuận hiện tại thì mục tiêu lãi trước thuế cả năm hơn 12.000 tỉ đồng là hoàn toàn khả thi. Những thời điểm khó khăn nhất đối với ngành ngân hàng đang ở phía sau. Dù cầu tín dụng chưa tăng trưởng đột phá nhưng các phân khúc đều đang tích cực" - đại diện lãnh đạo VIB nói.
Một ngân hàng khác cũng vừa thông tin về lợi nhuận quý đầu năm là Ngân hàng Phương Đông (OCB). Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Lễ ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa OCB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chiều 2-4, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho hay lãi trước thuế của ngân hàng trong quý I/2024 dự kiến khoảng 1.000 - 1.200 tỉ đồng.
"Có được mức lợi nhuận khả quan này nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng 4,6% trong quý I, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành, huy động vốn tăng khoảng 5%. Hoạt động cho vay đối với mảng bán lẻ tăng tích cực, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng tăng trong làn sóng giảm lãi suất cho vay" - ông Tùng nói.
Năm 2024, OCB đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỉ đồng, tăng 66% so với năm trước. Để đạt mục tiêu này, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh những phân khúc tín dụng là thế mạnh, trong đó bao gồm cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Chiều 2-4, OCB đã ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ, doanh nghiệp SME với IFC. Giai đoạn đầu, IFC sẽ giải ngân khoảng 150 triệu USD cho OCB để cho vay tới khách hàng. Chiến lược đẩy mạnh tín dụng xanh cho khách hàng doanh nghiệp được OCB triển khai thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, các doanh nghiệp vay vốn đáp ứng tiêu chuẩn về tín dụng xanh sẽ có mức lãi suất thấp nhất tại OCB, tập trung vào ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp sử dụng công nghệ cao thân thiện môi trường và ngành nông nghiệp bền vững… Hiện dư nợ tín dụng xanh tại OCB đang chiếm khoảng 8% tỉ trọng tổng dư nợ, và ngân hàng này đặt mục tiêu sẽ tăng lên 10% vào cuối năm nay.