Những ngày đầu với anh Ngọc

Nếu không có nhà văn Nguyên Ngọc, cuộc đời tôi có thể rẽ sang một hướng khác, có thể không phải là người viết văn như bây giờ.

Đầu năm 1970, sau những tổn thất nặng nề vụ Tết Mậu Thân, những đợt phản kích quyết liệt của quân Mỹ trong năm 1968 và những ngày đen tối suốt năm 1969, các đơn vị chủ lực của quân khu 5 cơ bản đã bị đánh bật khỏi những địa bàn đứng chân quen thuộc.

Trong một lần báo cáo với quân khu, chính ủy sư đoàn 2 Nguyễn Huy Chương nói: “Hiện nay sư đoàn đang dạt về phía tây mót sắn cầm hơi”. Tư lệnh quân khu Chu Huy Mân thảng thốt: “Trời ơi, lấy đâu ra sắn cho một sư đoàn mót”. Trung đoàn 38 của tôi, lúc đó trực thuộc mặt trận 4 (Quảng Đà) được tăng cường như một lữ đoàn cũng chịu chung hoàn cảnh đó.

Nguyên Ngọc (áo đen) tại căn cứ địa Quân khu 5, 1965. Ảnh: TLNN

Trung đoàn hành quân lên đường dây 559, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bám trụ địa bàn. Đại đội quân y của tôi (thường gọi là C20) cử một bộ phận ở lại do đại đội phó Vì Văn Léo phụ trách, tôi lúc đó là quân y sĩ B trưởng điều trị cũng được phân công ở lại. Vài chục con người bám trụ trong khu rừng già mà mấy hôm trước thôi là nơi ở của đại đội quân y, đại đội vận tải và cùng hàng trăm thương bệnh binh làm tôi có cảm giác thật chông chênh. Đang giữa mùa mưa, các trận đánh thưa thớt, đại quân đã về tuyến sau nên thương binh, bệnh binh cũng không nhiều. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là tổ chức các chuyến xuống đồng bằng cõng gạo nuôi sống mấy chục con người trong những cơn mưa rừng dữ dội làm những con suối hiền hòa mùa khô thành thác, thêm vào đó là những chốt chặn của quân Mỹ, quân Sài Gòn dày đặc ở các cửa ranh cô lập chúng tôi.

Sau một trận càn, chúng tôi phải rút sâu vào chân núi Bàn Cờ, phía tây huyện Đại Lộc, Quảng Nam, lại đào hầm dựng lán để đón thương bệnh binh. Lúc này đang là mùa mưa, đại quân chưa xuống, các trận đánh lẻ tẻ, thương binh không nhiều, chỉ bệnh binh thì không giảm mà phần nhiều là sốt rét. Từ ngày vào chiến trường chưa có khi nào tôi rảnh rỗi như lúc này, vài chục thương binh, không có ca nào nặng trong buổi sáng chúng tôi giải quyết xong công việc. Ban đêm cũng phân công trực bệnh chu đáo nhưng ít phải xử lý gì. Có sẵn tập giấy trong gùi lại đang lúc rảnh rỗi, tôi đâm ra viết văn.

Tôi viết hẳn một cuốn tiểu thuyết lấy tên là Chuyển thương kể về chuyến chúng tôi chuyển thương binh từ mặt trận Huế lên đường dây 559 vào chính giữa mùa mưa năm 68 rất gian nan vất vả, chuyện trong tiểu thuyết gần như thật. Tôi viết cũng nhanh, khoảng vài tháng thì xong, dày trên 100 trang A4 bây giờ, chữ lít nhít. Không có máy chữ, tôi chép tay thêm một bận gửi cho nhà văn Nguyễn Trung Thành, tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ. Thực tình gửi thì gửi cũng chẳng hy vọng được in, cũng không tin sẽ có trả lời nhanh.

Sang năm 1971, một buổi chiều anh Tuấn trên tiểu ban cán bộ trung đoàn gọi tôi lên và nói: “Quân khu điều cậu về trên ấy”. Tôi ngạc nhiên nói: “Lính tráng như tôi làm sao được điều về quân khu, về bộ phận nào anh?”. Anh Tuấn lục tìm bức công điện: “Đây rồi, về chỗ ông Nguyên Ngọc”. Đêm ấy và vài đêm sau tôi không ngủ. Được nhìn thấy nhà văn Nguyên Ngọc là đã sung sướng rồi, lại được làm lính của ông là điều tôi không nghĩ ra.

Nguyên Ngọc (thứ hai từ phải) tại căn cứ địa Quân khu 5, 1973. Ảnh: TLNN

Đến giờ tôi vẫn nhớ ấn tượng lần đầu gặp anh Ngọc. Người anh thấp nhưng đậm dáng vẻ nhanh nhẹn.

Anh chỉ cho tôi chỗ mắc võng, bắt đầu nói chuyện không phải chuyện văn chương mà là chuyện đời. Anh hỏi tôi quê quán. Tôi nói nhà tôi cách nhà anh Nguyễn Minh Châu chỉ vài chục mét, qua một con ngõ nhỏ.

Anh chú ý ngay câu chuyện. Trong ánh mắt Nguyên Ngọc tôi đọc được một tình cảm đặc biệt của anh với anh Châu. Tôi kể chuyện thời cải cách ruộng đất, lúc đó tôi chỉ mười tuổi trên đường đi học, qua bài đấu tố địa chủ đọc được câu khẩu hiệu: “Đả đảo tên đại địa chủ, cường hào ác bá, thống trị ngư dân Nguyễn Huy Phiên”. Nguyễn Huy Phiên là bố anh Châu. Nhà anh Châu giàu nhất làng, có khoảng 20 mẫu ruộng, mười chiếc thuyền đánh cá và ông cụ có làm lý trưởng. Đặc biệt gia đình anh Châu có một tòa nhà lớn gần hai dãy nhà và một cái sân rộng, bọn con nít chúng tôi thường vào đó vui đùa mà không bị người nhà xua đuổi.

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ đã khao một tiểu đoàn nhiều bữa tiệc trong cái sân này để chiến sĩ lên đường chiến đấu. Có một nhạc sĩ nghiệp dư của tiểu đoàn đã sáng tác bài hát ca ngợi cụ, mở đầu là câu: “Làng ta có ông Lý Bích”... (chị Bích là con đầu trong gia đình). Năm 1949, Pháp đổ bộ lên Quỳnh Lưu, đốt hết thuyền đánh cá của nhà tôi, mẹ tôi phải vay tiền ông Lý để đóng thuyền đi biển, tất nhiên là có tính lãi. Trong cải cách ruộng đất, mẹ tôi bị ép lên đấu tố ông Lý, bà lần lựa không lên, lúc thì lấy cớ đau đầu, lúc thì lên chợ Giát thăm cậu tôi đang ốm. Sau mấy ngày đấu tố, tòa tuyên án: “Tên Nguyễn Huy Phiên đáng bị tử hình, nhưng vì có năm người con đi bộ đội nên hạ xuống chung thân”. Anh Châu là em út, trong năm người con bộ đội ấy. Ông cụ mất trong tù...

Cả buổi chiều rồi buổi tối, rồi ngày hôm sau nữa anh Ngọc nói với tôi những suy nghĩ của mình về cuộc chiến này. Tôi há hốc mồm ngồi nghe suốt từng lời của anh. Tôi có cảm giác điều gì anh nói ra đều đúng cả. Cuối cùng anh cũng nói về văn chương. Anh nói về cái bản thảo Chuyển thương của tôi. Đại ý là tác giả có vốn sống viết sinh động nhưng chưa phải là tác phẩm nghệ thuật. Tôi rất xúc động được một nhà văn như anh đọc những trang viết “nhảm nhí” của mình. Nơi anh Ngọc ngồi nói chuyện với tôi có thể quan sát được các nghệ sĩ trẻ, đẹp như tiên, rất nhiều người từ Hà Nội vừa mới được bổ sung cho đoàn văn công quân khu đang tập hát múa. Thế giới này khác xa với thế giới lầm lũi ở đơn vị mà tôi vừa chia tay.

Trong cả toàn quân, mà có thể cả thế giới chẳng có cơ quan nào như cơ quan chúng tôi. Thông lệ các anh em hoạt động văn học nghệ thuật ở các quân khu thường do Phòng Tuyên huấn quản lý, có nơi là báo của quân khu. Chỉ có quân khu 5, có một Ban Văn học, trực thuộc Cục Chính trị quân khu. Ai cũng biết rằng có chuyện này là do vị thế của nhà văn Nguyên Ngọc, lúc đó lấy bút danh là Nguyễn Trung Thành. Anh Ngọc còn là Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, lãnh đạo anh em văn nghệ sĩ dân chính thuộc Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn khu ủy 5, nơi có những văn nghệ sĩ nổi tiếng: Phan Tứ, Phan Huỳnh Điểu, Vương Linh, Lưu Trùng Dương, Chu Cẩm Phong, Bùi Minh Quốc, Trần Văn Thủy, Dương Thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Khắc Phục, Phương Thảo... Có một câu chuyện nói lên uy tín của nhà văn Nguyên Ngọc ở khu 5 thời ấy:

Anh Cát phó phòng Tuyên huấn quân khu sau một cuộc họp bên khu ủy đã kể với tôi. Bí thư khu ủy Võ Chí Công đã nói trước những người dự họp là cán bộ trung cao cấp rằng: “Tôi và anh Hai Mạnh (tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh quân khu) đã lớn tuổi rồi, cống hiến chắc không được bao nhiêu nữa. Chúng ta phải bảo vệ cho được hai con người là niềm hy vọng của khu Năm đó là đồng chí Nguyễn Chơn và đồng chí Nguyên Ngọc”.

Tác giả Đất nước đứng lên trong một lần gặp lại anh hùng Núp. Ảnh: TLNN

Cuối 1971, ngoài những người đã có trong biên chế Ban Văn học như Lương Tự Miên, Ngân Vịnh (làm thơ) Vũ Phong Tạo sau này là nhà văn dịch văn học Trung Quốc nhưng lúc đó là viết ký, Nguyễn Bá Đắc (Gia Vi) sau này có truyện vừa Hoa lông chông trên cát đặc sắc. Họa sĩ Trần Hoàng Sơn sau này làm giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nhà thơ Thu Bồn thì đã cõng con ra Bắc. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo từ đoàn Văn công quân khu và họa sĩ Lê Hải Anh được điều từ Trung đoàn 38 lên có thêm bốn nhà văn trẻ từ khóa viết văn đặc biệt đào tạo cho chiến trường miền Nam của nhà văn Nguyên Hồng tăng cường cho Ban là Nguyên Hồng, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân. Ban văn học quân đông, không khí vui vẻ lên rất nhiều. Chúng tôi được tập trung để nghe hai thủ trưởng Nguyên Ngọc, trưởng ban; Nguyễn Chí Trung, phó ban, bí thư chi bộ truyền đạt những diễn biến của tình hình chiến trường khu 5 và nhiệm vụ năm 1972. Chúng tôi cũng sôi nổi trao đổi với những dự định sáng tác của từng người.

Sau Tết, tất cả anh chị em đều phấn chấn tỏa đi các chiến trường, các đơn vị. Tôi được phân công đi chiến dịch giải phóng Đăk Pêt, bây giờ là huyện Đăk Lei, Kon Tum.

Trong khi ở các chiến trường khác đang phát triển thuận lợi, quân ta đã giải phóng Quảng Trị, ở Tây Nguyên hướng Đăk Tô - Tân Cảnh thắng lớn, đang tiến về Kon Tum, thì ở chỗ chúng tôi gặp khó khăn. Cứ điểm Đăk Pêt do một tiểu đoàn biệt động Sài Gòn chốt giữ, quân ta nhiều lần tấn công mà không dứt điểm được, chuyển sang bao vây, đánh đấm lùng bùng cả mấy tháng.

Trong thời gian đó, tôi viết được truyện ngắn Lòng cha rồi gửi theo đường giao liên về cơ quan. Hết chiến dịch trở về Ban Văn học, vừa đến chân dốc thì thấy anh Ngọc đang chạy xuống , anh ôm lấy tôi và nói: “Mình đọc truyện Lòng cha của Lợi, đang cho in tạp chí số này”, giọng nói, cử chỉ, nhất là đôi mắt của anh làm tôi rất xúc động...

Thái Bá Lợi

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nhung-ngay-dau-voi-anh-ngoc-10954.html