Những nghị quyết 'Thuận lòng trời - Hợp lòng người' và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 2: Làm tròn trách nhiệm, tạo dựng niềm tin
Có một điều dễ dàng nhận thấy, trong chương trình mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh, ngoài những vấn đề liên quan đến chương trình, đề án lớn của tỉnh, nhiều quyết sách liên quan đến đời sống dân sinh luôn được các đại biểu quan tâm. Từ đó, tạo dựng niềm tin trong dân, góp phần làm thay đổi một vùng đất.
Ánh sáng vùng cao
“A Lưới là vùng đất anh hùng cách mạng với tinh thần đoàn kết cao. Tuy nhiên, câu chuyện thoát nghèo nơi đây còn lắm gian nan”, Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng nói với chúng tôi như thế khi ông vừa nhậm chức ở vùng đất sơn cước này.
Quả thực, điều ông Quảng trăn trở cũng là câu chuyện chung của toàn tỉnh. Bởi, chỉ vài tháng trước thôi, A Lưới vẫn còn là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025.
Đưa A Lưới thoát nghèo được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, sau thời gian thực hiện Nghị quyết (NQ) 04-NQ/TU, ngày 8/11/2016 của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh nói chung và A Lưới nói riêng vẫn chưa thực sự bền vững. Trước tình hình đó, ngày 3/11/2021, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành NQ 11 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền…
Còn nhớ, tại Hội nghị thẩm định hồ sơ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 vào đầu tháng 6/2024 tại trụ sở Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, khi lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “chất vấn” về các chính sách giúp địa phương này thoát nghèo, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, ngoài nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều NQ để bố trí thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở A Lưới.
Đúng như lời ông Bình khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều NQ hỗ trợ giảm nghèo cho địa phương vùng cao này. Nổi bật là NQ của HĐND tỉnh về “Quy định định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện A Lưới từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025”. Đây chính là cơ sở để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo NQ này, tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ nhà ở cho khoảng 2.184 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện A Lưới, trong đó, hỗ trợ xây dựng mới cho 1.623 hộ, sửa chữa cho 561 hộ.
UBND tỉnh cũng đề xuất các phương án xây mới nhà mẫu. Cùng với đó, trên cơ sở cân đối nguồn lực ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động khác hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho các hộ nghèo.
Ngoài ra, NQ về việc phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022; NQ cho phép tạm ứng kinh phí thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện A Lưới năm 2022 cũng đã đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, ngoài vận động ngoại lực, huy động nội lực và thực hiện các chính sách liên quan, huyện A Lưới đã chú trọng tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Từ đó, người dân dần hiểu được họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo để chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hiện nay, tại A Lưới xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như, trồng sâm Bố Chính, chuối già lùn, nuôi bò, sản xuất hàng nông sản, thổ cẩm. Ngoài ra, mô hình du lịch cộng đồng tại A Lưới đã có sự chuyển biến rõ nét, qua đó khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương…
Bây giờ, A Lưới đã thoát nghèo. Ngày 6/9, tại Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, thành quả này là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền và Nhân dân huyện A Lưới. Không chỉ vậy, đây còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng chung toàn tỉnh. "Để kinh tế - xã hội và đời sống của người dân ngày được nâng cao, huyện A Lưới thoát nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển địa phương với chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Bám sát định hướng hay các chương trình phát triển của tỉnh để tổ chức triển khai tốt ở địa phương", ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Nghị quyết của lòng dân
Trên bước đường phát triển, Thừa Thiên Huế luôn đặt mục tiêu kiến tạo vì hạnh phúc của Nhân dân. Và, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hiện thực hóa ở từng bước đi, thể hiện trong từng quyết sách, hành động nhằm giúp người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc với môi trường xã hội văn minh.
Đến bây giờ, những tiểu thương chợ Khe Tre (huyện Nam Đông) vẫn còn nhớ như in thời điểm vào khoảng 3h sáng ngày 3/12/2023, một vụ cháy lớn, kéo dài trong nhiều giờ thiêu rụi hơn 2.000m2, bao gồm cả khu vực đình chính và đình phụ, gây thiệt hại khoảng 335 gian hàng kinh doanh tại chợ Khe Tre.
Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng tài sản của nhiều tiểu thương như bà Vân không cánh mà bay. “Đó là số hàng hóa chúng tôi vừa mới nhập để cung cứng cho thị trường thời điểm đầu năm mới. Tuy nhiên, vụ cháy khiến hàng hóa không thể cứu vãn, nhiều người lâm vào cảnh tay trắng, nợ nần”, bà Nguyễn Thị Vân (huyện Nam Đông) nói.
5 ngày sau vụ cháy, cũng đúng vào dịp tổ chức Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ban đầu, trong chương trình làm việc không có nội dung liên quan vụ cháy tại Nam Đông. Thế nhưng, trước thiệt hại hơn 40 tỷ đồng, các đại biểu hội đồng không giấu được cảm xúc. Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định đưa vào kỳ họp nội dung xem xét, thảo luận các phương án hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, buôn bán bị thiệt hại do cháy chợ Khe Tre.
Một NQ được HĐND tỉnh linh động thông qua với sự thống nhất cao, được xem là NQ của lòng dân. Đối tượng được trợ giúp là hộ kinh doanh, buôn bán tại chợ bị thiệt hại do cháy chợ. Với mức hỗ trợ cụ thể ở 4 mức 20 triệu đồng đối với hộ có giá trị thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên; 15 triệu đồng/hộ đối với hộ có giá trị thiệt hại từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; 10 triệu đồng/hộ đối với hộ có giá trị thiệt hại từ 100 đến dưới 300 triệu đồng; 5 triệu đồng/hộ đối với hộ có giá trị thiệt hại dưới 100 triệu đồng. Tổng mức hỗ trợ khoảng 2,65 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh.
“NQ này không chỉ giúp các tiểu thương chợ Khe Tre có thêm kinh phí, ổn định cuộc sống mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên kịp thời của tỉnh đối người dân. Điều này, thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan dân cử đối với thực tiễn cuộc sống có những diễn biến không lường trước được”, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Trần Quốc Phụng nói.
(Còn nữa)