Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt

Hai phần ba trong số thời gian kể từ khi hưu trí, cô giáo Nguyễn Thị Lan Thanh dành cho thơ, viết tiếp những dang dở mà người bạn đời của bà - nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh để lại. không còn quá vướng bận việc gia đình, Nguyễn Thị Lan Thanh dành trọn tâm huyết của mình cho thi ca và đã có những thành công không phải mấy ai cũng đạt được.

Trường ca “Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt”- tác phẩm mới nhất của bà, vừa giành giải Ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về biên giới, biển đảo do Hội Nhà văn tổ chức năm 2020.
“Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt” là câu chuyện về hành trình mở nước luôn cuộn chảy trong tâm thức, sự khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương: Biển bắt đầu như thế…/ Bắt đầu từ những người con cha dắt ra khai phá biển Đông/ Những hòn đảo mọc lên từ đá Nghĩa Lĩnh/ Phù sa sông Hồng làm nên nền văn minh lúa nước/ Mang hạt gạo đầu mùa từ Minh Nông gieo cấy tận biển xanh/ Gieo cấy ngàn năm sự sống, tụ quần/ Gieo cấy qua bão giông, mưa nguồn chớp bể…
Biển đảo là một bộ phận thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa - những tảng ngực biển Đông Tổ quốc/ Dòng máu Việt bao đời hòa sóng đại dương/ Mỗi hạt cát, viên đá dưới lòng sâu biên ải/ Đã đính vào lịch sử những nghìn năm.Người lính ra đi giữ nước, giữ biển trời, để lại miền quê yêu dấu những người thân trong mái tranh nghèo, luôn khát khao ngày đoàn tụ. Người ở lại hậu phương cũng tay cày tay súng, “phá bom, gỡ mìn, san đèo, xẻ núi/ Quên tuổi xuân mình mờ trong chiếc gương con”. Sau chương I: Hành trình mở nước, ở chương II: Quê hương, dường như được Nguyễn Thị Lan Thanh chủ ý viết về những cuộc đời cụ thể để nói về một thế hệ người Đất Tổ nối tiếp nhau ra đi, nối tiếp nhau bám trụ hậu phương, hướng lòng mình ra tiền tuyến. Dân tộc ta đã đi qua một cuộc chiến để lại bao hậu quả: Chiến tranh kết thúc, nhiều anh không trở về/ Chỉ một đêm có chị tóc bạc trắng như cước/ Có chị chờ anh mãi như thế suốt cuộc đời/ Không đi lấy chồng/ Thay anh nuôi mẹ già mãi mãi/ Có chị ngược xuôi, dọc ngang bến bãi/ Hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia/ Chạy chữa cho con/ Những đứa trẻ thương tâm bởi chất độc da cam…
Lửa bom, khói súng đã ngừng, khi chúng ta khao khát một cuộc sống hòa bình, thì một cuộc chiến mới lại mở ra từ âm mưu bành trướng. Vì sự toàn vẹn của biên cương, bờ cõi, các thế hệ lại tiếp tục lên đường. Những lời thủ thỉ được kể từ Trường Sa, từ “Tam giác máu”, từ đảo chìm và các hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc lay động trách nhiệm công dân đối với đất nước. Hơn thế, hình ảnh trực giác đến tri giác từ “Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt” ở chương III: Lính biển, mang vị mặn mòi của đại dương bồi đắp tâm hồn, tình cảm bao thế hệ người Việt trong hành trình bảo vệ đất nước. Đọc 101 câu thơ Nguyễn Thị Lan Thanh trong chương IV: Biển gọi, người đọc có thể liên tưởng đến câu hát “tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”. Khi lãnh hải bị đe dọa, không chỉ người lính trên những con tàu HQ ra trận, mà cả hậu phương cùng hướng tới khơi xa, chia lửa, góp lòng căm thù giặc cùng những chiến sĩ Gạc Ma, sẻ chia gian khó cùng lính nhà giàn, lính chốt đảo tiền tiêu. Lấp lánh trên sóng xanh biển cả là tinh thần và ý chí Việt Nam. Chương cuối cùng - chương V của Trường ca “Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt” có tiêu đề: Biển đảo quê hương, là những lời nhắn nhủ giữa đảo xa với đất liền, đất liền với đảo xa, kết thành lời hiệu triệu, thành tiếng gọi chung của đất nước trong nhịp thơ lục bát thiết tha: Chúng ta muốn được yên bình/ Mà mây đen vẫn rập rình ngoài khơi/ Hoàng Sa ơi, Trường Sa ơi/ Tiếng non sông gọi nghẹn lời biển xa/ Nghe như tiếng vọng ông bà/ Nghìn năm bất khuất ông cha đã từng…
Chúng ta luôn mơ ước hòa bình và quyết tâm bảo vệ hòa bình, bảo vệ thành quả bao đời đã đổi bằng bao xương máu: Cuộc sống ấm no, dân giàu là ước nguyện/ Có người lính canh chân trời góc biển/ Mẹ Tổ quốc tin yêu, hãnh diện có các anh/ Thắp phía trời xa những ngôi sao lấp lánh đại dương!“Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt” là trường ca thứ hai, sau “Lửa từ đâu tới” được viết năm 2013 của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh. Lẽ thường, trường ca là một bài thơ lớn chứa đựng những cảm xúc lớn về một chủ đề thời cuộc. Chủ quyền biển đảo đã và đang là vấn đề lớn, mang tính thời sự của đất nước. Sự xuất hiện của “Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt” là kết quả sự thúc giục trách nhiệm công dân người cầm bút, biến ý thức của mỗi cá nhân thành ý thức trách nhiệm chung của quốc gia, dân tộc.

Nguyễn Sản

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat/202111/nhung-ngon-song-vo-tu-tam-thuc-viet-180789