Những người bị bắt nạt vì bệnh rụng tóc
Sự va chạm tai tiếng giữa diễn viên Will Smith và danh hài Chris Rock ở giải Oscar đã hướng nhiều sự chú ý tới căn bệnh của vợ ông Smith - bà Jada Pinkett Smith. Những suy tư từ đây đã nâng cao nhận thức cho hàng triệu người cũng mắc phải nó.
Sau khi cô Shaily Malik phát hiện ra một mảng hói trên đầu ba năm trước, mọi buổi sáng đều trở nên khó khăn khi cô thức dậy và thấy tóc rụng trên gối. Việc gội đầu cũng trở nên đáng sợ, bởi cô biết rằng mình sẽ mất thêm nhiều tóc. Cô đã phải chật vật để có thể chụp ảnh hoặc thậm chí nhìn chính mình trong gương.
Là một nhà phân tích kinh doanh 32 tuổi sinh ra ở Ấn Độ và hiện sống ở Brighton (Anh), cô Malik mắc bệnh Alopecia, một chứng rối loạn hệ miễn dịch khiến tóc rụng thành từng mảng. Đối với cô, những việc bình thường như ăn diện, ra khỏi nhà và làm mọi việc cần một sức mạnh lớn. Cô đã phải chịu đựng vô số người nhìn chằm chằm vào mình trên đường phố, và những người khác thậm chí yêu cầu cô phải đội mũ hoặc đội tóc giả tại công viên nơi cô thường dẫn con trai mình tới chơi.
Vào hôm 27/3, diễn viên Will Smith đã tát người dẫn chương trình giải Oscar Chris Rock sau khi nam danh hài nói một câu đùa hướng tới vợ ông, bà Jada Pinkett Smith, người bị bệnh rụng tóc. Nhìn thấy sự cố diễn ra trên truyền hình, cô Malik nhớ lại những trải nghiệm của mình và nhận xét: “Nếu điều đó có thể xảy ra với bà Jada tại lễ trao giải Oscar, nó chắc chắn có thể xảy ra với chúng tôi ngoài đường phố”.
Tác động của sự việc lên cô Malik rất lớn. “Mọi người đang không ngừng bàn tán về nó. Cuối cùng, họ đang nhận ra là có những người bị bắt nạt vì sự khác biệt do căn bệnh này”, cô nói. “Cá nhân tôi đã trải qua điều đó”.
Bà Pinkett Smith, người đã cạo đầu sau khi “vật lộn với bệnh rụng tóc”, không phải là người duy nhất bị chế giễu vì sự khác biệt của mình. Diễn viên hài người Anh Matt Lucas, người cũng sống chung với bệnh rụng tóc, cũng cho biết ông thấy “thật kỳ lạ” khi một tờ báo luôn gọi ông là “đầu trứng”.
Trong tuần này, người dẫn chương trình truyền hình Ranvir Singh cũng nói về trải nghiệm của bà khi sống với bệnh rụng tóc. “Nó bắt đầu khi bố tôi bị đau tim, và khi ông ấy qua đời, lúc đó tôi mới khoảng tám hoặc chín tuổi, vì vậy tôi hiểu được sự khó chịu mà bạn phải trải qua khi mắc phải nó”.
Những người khác cũng đã lên tiếng về nỗi đau tinh thần khi phải sống chung với các tình trạng rụng tóc khác nhau, dẫn đến cô lập, trầm cảm và cảm giác đánh mất bản thân.
Sau khi cô Malik được chẩn đoán rụng tóc 80% vào tháng 11 năm ngoái, cô quyết định cạo trọc đầu vào tháng 1 năm nay. “Đó chắc chắn không phải là một hành trình dễ dàng, bởi vì tôi từng là người có mái tóc đẹp”, cô nói.
May mắn thay, sau một thời gian làm quen, cũng như nhận được sự ủng hộ từ chồng, cô Malik đã trở nên mạnh mẽ hơn. “Tôi nhận ra rằng nếu tôi không thể chấp nhận căn bệnh này, hay ngoại hình của mình ngay bây giờ, tôi sẽ không thể dạy con mình điều tương tự”.
Theo tổ chức từ thiện Alopecia Anh, cho dù sự cố cái tát ở giải Oscar đã góp phần nâng cao nhận thức công chúng, “việc đối phó với những nhận xét ác ý và sự chế giễu là một phần rất thật đối với những người mắc bệnh rụng tóc”. Các tổ chức khác đã kêu gọi xóa bỏ “các rào cản xã hội và sự phân biệt đối xử” xung quanh căn bệnh này.
Alopecia là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để nhắc đến tình trạng rụng tóc, hiện không có thuốc chữa. Nó xảy ra thường do tình trạng hệ miễn dịch tấn công các nang tóc. Tiền sử gia đình xuất hiện trong gần 20% trường hợp.
Đối với Tiến sĩ Anita Takwale, một bác sĩ tư vấn da liễu và chuyên gia tóc ở Gloucester (Anh), sự cố giải Oscar đã trở thành chủ đề bàn tán của các bệnh nhân. “Nếu có bất cứ điều gì tốt đẹp từ việc này, thì đó là nhận thức được nâng cao”.
Tuy nhiên, đối với cô Helen Rowlands, 33 tuổi, câu chuyện có phần phức tạp hơn. Với tư cách là một người sống chung với bệnh rụng tóc, cô cảm thấy được đại diện khi thấy bà Pinkett Smith tham dự lễ trao giải Oscar. Nhưng một ngày sau khi video được lan truyền trên mạng, cô Rowlands cảm thấy tự ti khi đến phòng tập thể hình với mái đầu cạo trọc của mình, bởi cô lo sẽ có những con mắt dán vào cô.
“Thật tuyệt khi nó đem lại nhận thức, nhưng nó cũng đang được bàn tán vì những lý do sai lầm”, cô nói. “Đáng lẽ ngay từ đầu, câu đùa đó không nên được nói ra”.
Sống chung với bệnh rụng tóc từ năm 10 tuổi, cô Rowlands từ lâu đã là mục tiêu của bắt nạt. Khi còn nhỏ, cô đội tóc giả và đội mũ, và những đứa trẻ xấu tính lấy cắp chúng và ném ra ngoài. Khi trưởng thành, mọi người thường cho rằng cô bị ốm hoặc bị ung thư, và hỏi cô đang điều trị hóa chất ở giai đoạn nào.
“Tôi không muốn mọi người đối xử mình khác biệt chỉ vì tôi mắc bệnh rụng tóc. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người bị rụng tóc muốn được nhìn nhận giống như những người khác”, cô Rowlands chia sẻ. “Mái tóc là một phần quan trọng trong cuộc sống của rất nhiều phụ nữ. Vì vậy, mất đi điều đó cũng giống như mất đi danh tính của mình vậy”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-nguoi-bi-bat-nat-vi-benh-rung-toc-post1427888.tpo