Những người dễ gặp di chứng hậu Covid-19
Di chứng hậu Covid-19 vẫn là điều bí ẩn với giới khoa học. Bởi ngay cả khi mắc bệnh nhẹ, nhiều F0 vẫn gặp phải tình trạng này. Câu hỏi đặt ra là ai dễ gặp phải di chứng hơn?
Các nhà khoa học tại Viện Sinh học Hệ thống, Seattle, Mỹ, đã nghiên cứu 200 bệnh nhân trong 2-3 tháng sau khi họ khỏi Covid-19 để tìm hiểu điều này. Kết quả được họ công bố ngày 24/1 trên tạp chí Cell phát hiện 4 yếu tố sinh học có thể phát hiện bệnh nhân nào dễ mắc hội chứng “Long Covid”.
Nghiên cứu đầu tiên về cơ chế sinh học của di chứng hậu Covid-19
Hội chứng Long Covid được xác định khi người bệnh có các triệu chứng suy nhược từ 12 tuần trở lên sau khi được chẩn đoán. Các nhà nghiên cứu tại Viện Sinh học Hệ thống cho biết họ phát hiện mối liên quan giữa 4 yếu tố sinh học với hội chứng Long Covid, từ đó giải thích vì sao ngay cả F0 bệnh nhẹ cũng gặp phải tình trạng này.
Nhóm chuyên gia tin rằng các phát hiện mới có thể gợi ý cách ngăn ngừa hoặc điều trị một số gặp hội chứng Long Covid.
GS.TS Steven Deeks, Đại học California, San Francisco, người không tham gia nghiên cứu, nhận định: “Đây là nỗ lực đầu tiên đưa ra một số cơ chế sinh học của di chứng hậu Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác thực nó”, New York Times dẫn lời. Vị chuyên gia cũng đánh giá cao phát hiện này, nó phù hợp về mặt sinh học và nhiều lý thuyết khác.
Bốn yếu tố mà nhóm chuyên gia tại Viện Sinh học Hệ thống phát hiện gồm: Mức độ RNA của nCoV trong máu (tải lượng virus) ở giai đoạn đầu khi bệnh nhân bị nhiễm virus; sự hiện diện của một số kháng thể tự tấn công nhầm vào mô cơ thể, tương tự cơ chế của bệnh lupus hay viêm khớp dạng thấp; virus Epstein-Barr được kích hoạt - loại virus lây nhiễm cho hầu hết con người vào tuổi thơ ấu, sau đó chuyển sang trạng thái ngủ đông; mắc tiểu đường type II.
GS Jim Heath, Chủ tịch Viện Sinh học Hệ thống, thành viên chính của nghiên cứu, cho hay họ mong muốn có chẩn đoán định lượng cụ thể mỗi yếu tố đạt đến mức độ bao nhiêu sẽ gây hội chứng Long Covid. Các tác giả phân tích dữ liệu của 209 F0 trong độ tuổi 18-89, mắc Covid-19 vào năm 2020 hoặc đầu 2021 và tới khám ở Trung tâm Y tế Thụy Điển, Seattle, Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích máu và mẫu dịch tỵ hầu họng của họ vào thời điểm phát hiện dương tính với nCoV và sau 2-3 tháng.
Họ đã khảo sát các bệnh nhân về 20 triệu chứng liên quan Long Covid như mệt mỏi, sương mù não, khó thở. Kết quả cho thấy 37% bệnh nhân gặp phải ít nhất 3 triệu chứng trên sau 2-3 tháng nhiễm bệnh. 24% F0 khác báo cáo 1-2 triệu chứng và 39% không gặp phải các tình trạng này.
Trong số các bệnh nhân gặp ba triệu chứng trở lên, 95% có một hoặc nhiều hơn bốn yếu tố sinh học đã được liệt kê ở trên. GS Health cho biết yếu tố ảnh hưởng nhất có thể là các kháng thể tự miễn. Nó có liên quan 2/3 trường hợp mắc Long Covid. Các yếu tố còn lại liên quan khoảng 1/3 trường hợp. Một số người có nhiều hơn một yếu tố.
Để chứng thực điều này, các nhà nghiên cứu so sánh với 100 bệnh nhân khác mắc Covid-19 thể nhẹ và 457 người khỏe mạnh, không nhiễm nCoV. Nghiên cứu riêng này do TS Helen Chu tại Đại học Washington đứng đầu. Với quy mô như vậy, dự án được đánh giá “có phạm vi rộng, toàn diện và là nguồn thông tin tuyệt vời cho những nghiên cứu về Long Covid”, nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki, tại Đại học Yale, người không tham gia nghiên cứu, nhận định.
Yếu tố thuyết phục nhất
Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn có một số hạn chế. Theo TS Avindra Nath, Viện Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Quốc gia, phát hiện trên mang lại kết quả tốt song vẫn có một số điểm yếu như các bệnh nhân chỉ được theo dõi trong 2-3 tháng. Đây là khoảng thời gian quá ngắn và một số F0 cần thời gian để hồi phục.
Tiến sĩ Iwasaki cũng lưu ý 71% tình nguyện viên phải nhập viện, làm hạn chế khả năng kết luận các yếu tố sinh học có liên quan như nhau với tất cả F0.
Trong 4 yếu tố, kết luận thuyết phục giới chuyên gia nhất là bệnh nhân có tải lượng nCoV cao thường gặp phải di chứng hậu Covid-19. Do đó, F0 dùng thuốc kháng virus ngay sau khi nhận được chẩn đoán mắc Covid-19 có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng kéo dài. “Ai đào thải được virus càng nhanh, khả năng gặp di chứng dai dẳng hoặc bệnh tự miễn càng thấp”, TS Iwasaki cho biết.
Bên cạnh đó, TS Nath cho rằng virus Epstein-Barr được kích hoạt trong cơ thể một số F0 cũng là kết luận khá hợp lý. Bởi nó liên quan hội chứng mệt mỏi mạn tính, tương tự tình trạng mà F0 gặp phải khi mắc hội chứng Long Covid. Với tình trạng này, các bệnh nhân Covid-19 có thể được tiêm thuốc kháng virus hoặc liệu pháp miễn dịch để ngăn Epstein-Barr tái hoạt động.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được gợi ý làm tăng nguy cơ gặp di chứng về hô hấp hậu Covid-19 như nồng độ hormone căng thẳng cortisol thấp. Những người này có thể được điều trị bằng liệu pháp thay thế cortisol.
Một số F0 gặp phải di chứng về thần kinh, máu của họ chứa hàm lượng protein liên quan nhịp sinh học, chu kỳ ngủ/thức gián đoạn cao.
John Gillotte, 40 tuổi, kỹ sư phần mềm, mắc Covid-19 vào tháng 3/2020, là một tình nguyện viên. Ông phải thở máy khoảng sáu ngày, sau đó bị mê sảng. “Tôi như nhìn thấy quỷ, đứng giữa ranh giới địa ngục và thiên đường”, nam bệnh nhân tâm sự.
Vài tháng sau khi mắc Covid-19, ông bị yếu cơ, cơ thể luôn mệt mỏi, thiếu sức, trí nhớ kém, khó tập trung và khứu giác bị thay đổi. Hầu hết thức ăn đều có mùi vị như tro đốt. Ông không có tiền sử bị tiểu đường và lo lắng liệu 3 yếu tố còn lại trong cơ thể mình như thế nào và có phải vì thế nó ảnh hưởng tình trạng sau khi khỏi bệnh hay không. Tuy nhiên, dữ liệu của tất cả bệnh nhân đều được giữ kín.
TS Heath tiết lộ ông Gillotte đã tái mắc Covid-19 vào tháng 10/2020, điều này phản ảnh giả thuyết của họ: Những bệnh nhân có lượng kháng thể tự miễn cao dễ bị tái nhiễm nCoV hơn. Mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn cũng có thể là yếu tố khiến F0 có nguy cơ gặp di chứng hơn.
Tất cả triệu chứng này cũng rất mơ hồ, khó theo dõi và khó kiểm soát. Về tổng thể, theo TS Heath, nghiên cứu đã chỉ ra 4 yếu tố sinh học giao thoa và chồng chéo lên nhau. Điều này cho thấy chúng ta có thể tìm ra cách đơn giản để ngăn gặp phải di chứng kéo dài từ sớm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-de-gap-di-chung-hau-covid-19-post1292594.html