Những người hạ nhiệt 'điểm nóng'. Bài 1: Nắm bắt nhanh, giải quyết kịp thời
Có mặt tại những địa phương trước đây từng xảy ra các vụ việc có nguy cơ phát sinh, thậm chí đã phát sinh 'điểm nóng' mới thấy hết vai trò quan trọng của công tác dân vận, từ việc phòng ngừa, ngăn chặn cho đến tham gia có hiệu quả vào quá trình xử lí 'điểm nóng' và ổn định tình hình sau khi vụ việc được giải quyết. Với sự vào cuộc kiên trì, bền bỉ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của những người làm công tác dân vận, nhiều vấn đề bức xúc đã được tập trung giải quyết, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Việc nước, việc nhà vẹn toàn
Gặp ông Đoàn Hiển tại khu lăng mộ mới của gia đình, ông cho biết công trình sẽ được khánh thành trong một ngày gần nhất. Nhắc lại câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, ông Hiển vẫn còn ngậm ngùi: “Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, gia đình tôi cùng nhiều người dân ở Thôn 2, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong đã chấp thuận việc di dời mồ mả và hỗ trợ đền bù để giải phóng mặt bằng đường trục dọc Khu kinh tế (KKT) Đông Nam. Tuy nhiên, trong khi việc di dời đang được gấp rút tiến hành thì xảy ra sự việc đau lòng là công nhân của Công ty Mạnh Linh dùng xe san phẳng khu vực lăng mộ của gia đình. Chứng kiến cảnh đó, tôi ngã quỵ xuống, khóc không thành tiếng”.
Gia đình ông Đoàn Hiển có 12 ngôi mộ (cả trong và ngoài lăng) thuộc diện hỗ trợ đền bù để di dời sang vị trí khác. Để chuẩn bị cho công việc trọng đại này, con cháu trong gia đình từ các tỉnh, thành khác nhau đã tập trung về quê từ nhiều ngày trước đó. Ngày 17/4/2019, gia đình ông Hiển tiến hành khảo sát, kiểm đếm các phần mộ để di dời và nhờ xe của Công ty TNHH xây dựng Mạnh Linh đang san ủi mặt bằng gần đó đến giúp gia đình ủi bê tông và bốc phong hóa. Đến 10 giờ trưa, gia đình tập trung về khu lăng mộ mới (cách đó khoảng 500 m về phía biển) để che rạp chuẩn bị đưa hài cốt về an táng. Tại khu vực công trình vào lúc 13 giờ cùng ngày, do không có người trông coi, công nhân lái máy múc của Công ty TNHH xây dựng Mạnh Linh nhầm tưởng các ngôi mộ đã được quy tập nên dùng xe máy đào vét và xâm hại 13/17 ngôi mộ nói trên. Khi người trong gia đình ông Đoàn Hiển quay trở lại khu vực bốc mộ thì ở đó, mọi thứ đã bị san phẳng.
Ông Lê Văn Lai, Phó Trưởng Ban Dận vận Huyện ủy Triệu Phong cho biết: “Nắm bắt vụ việc, chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt tại hiện trường. Tình hình lúc đó rất hỗn loạn, người trong gia đình ông Đoàn Hiển dùng bạt nhựa, đóng cọc trên diện tích khu mộ (khoảng 50 m2 ) và liên tục kêu khóc, tâm lí kích động nên rất dễ xảy ra xô xát với công nhân của Công ty Mạnh Linh. Chúng tôi một mặt an ủi, động viên bà con, một mặt khuyên công nhân của công ty tạm rời khỏi hiện trường. Người nhà sau khi bình tĩnh đã đưa ra yêu cầu xây mộ chung tại vị trí cũ để thờ và di chuyển công trình sang vị trí khác”.
Xác định đây là một vụ việc phức tạp, mang yếu tố tâm linh, nếu không giải quyết khéo léo, kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công đường trục dọc KKT Đông Nam đoạn đi qua địa bàn. Đây lại là một trong những công trình trọng điểm, chào mừng kỉ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị. Theo kế hoạch, tháng 6/2019 công trình phải được thông tuyến nên Ban Dân vận Huyện ủy chủ trường phải giải quyết vụ việc nhanh chóng nhưng phải cẩn trọng, lắng nghe nguyện vọng của người dân. Các phiên đối thoại trực tiếp với hộ gia đình ông Đoàn Hiển có sự tham gia của Ban quản lí dự án và đại diện Công ty Mạnh Linh liên tục được tổ chức. Tuy nhiên, tại buổi làm việc đầu tiên, phía gia đình ông Đoàn Hiển bảo lưu quan điểm trước đó, nhất định không chấp nhận phương án đền bù.
Ngoài các phiên làm việc tập thể, chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác tuyên truyền, vận động đến các thành viên trong gia đình ông Đoàn Hiển. Trong những ngày đó, anh Võ Mạnh Hùng (SN 1985) là Trưởng Thôn 2, xã Triệu Lăng cùng nhiều người khác luôn có mặt ở nhà ông Đoàn Hiển. Anh Hùng xác định rằng ông Đoàn Hiển là người có tiếng nói quan trọng trong gia đình, lại là người sinh sống tại địa phương, trông coi phần mồ mả của cha ông nên cần tranh thủ sự tác động của ông đến các thành viên khác. Trong những buổi tiếp xúc, chuyện trò, anh đưa ra quan điểm: Trước đây, gia đình mình là một trong những hộ chấp hành rất tốt chủ trương giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Nay mọi công đoạn đang vận hành trôi tròn thì gặp phải sự cố ngoài ý muốn này, dẫu biết rằng sự mất mát của gia đình không có gì đền bù được nhưng nếu cứ giữ quan điểm xây khu mộ chung tại vị trí cũ thì công trình không thể tiếp tục thi công, ảnh hưởng đến lợi ích chung của người dân và gây thiệt hại cho Nhà nước. Hơn nữa, Công ty Mạnh Linh trước đó cũng tích cực giúp đỡ gia đình trong việc phong hóa và thăm dò khu mộ, sự việc xảy ra hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của họ nên gia đình cần thông cảm, cùng chính quyền đưa ra biện pháp tối ưu nhất để vừa đảm bảo tiến độ thi công công trình, vừa đáp ứng được nguyện vọng của gia đình.
Bản thân ông Hiển ngay khi vụ việc xảy ra chính là người đứng ra trấn an nỗi hoang mang của anh em, con cháu trong gia đình. Hiểu về nỗi đau của gia đình, biết được cái khó của chính quyền địa phương và đơn vị thi công nhưng ông cũng sợ nếu mình đưa ra quyết định sai thì mang tiếng cả đời với gia đình, dòng họ. Chưa kể, lớp trẻ trong nhà cứ khăng khăng: Mình cứ giữ nguyên hiện trạng, xây khu mộ chung thì ai làm gì được. Ông Hiển cứ đấu tranh giữa các luồng tư tưởng khác nhau trong chính suy nghĩ của mình. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, cùng với sự tác động của cán bộ xã, thôn, ông đã đứng ra nhận trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền xã vận động bà con, anh em trong gia đình chấp nhận thỏa thuận đền bù. Ông Đoàn Hiển cho biết: “Anh em chúng tôi có người rất nóng nảy, rồi lớp con cháu trong nhà còn trẻ, suy nghĩ chưa được chín chắn, trong lúc đau buồn có thể không kiềm chế được hành động, lời nói của mình. Tôi đã nhận trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền thì phải cố gắng hết sức để thuyết phục người trong gia đình đối thoại và đi đến thống nhất quan điểm…”.
Trong buổi làm việc thứ 2 với UBND xã, gia đình ông Hiển đã chấp nhận phương án di dời và đề xuất mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/1 ngôi mộ (tổng cộng là 1,3 tỉ đồng). Tuy nhiên, phía Công ty Mạnh Linh sau đó đưa ra mức bồi thường là 400 - 550 triệu đồng cho toàn bộ sự cố. Gia đình ông Hiển không đồng ý, đề nghị giám đốc công ty phải trực tiếp đến gặp và nói chuyện với bà con.
Ông Võ Đình Hải, Bí thư Chi bộ Thôn 2 cho biết: Tuy hai bên đã ngồi lại thỏa thuận nhưng chưa thống nhất quan điểm trong khi chủ trương đưa ra là phải giải quyết vụ việc nhanh chóng, kịp thời. Tôi phân tích cho phía doanh nghiệp rằng: Người dân đã chấp thuận đền bù là quá may mắn, nếu không thì tình hình sẽ hết sức phức tạp. Người dân đã mở đường thì doanh nghiệp phải tháo gỡ, nhưng quan điểm là phải nhường dân, phải động viên chứ không đưa ra lí lẽ vì không lí lẽ nào có thể so sánh được với mất mát của gia đình họ.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, rốt ráo của cấp ủy, chính quyền và cán bộ địa phương, tại phiên họp vào cuối ngày 19/4, các bên đã thống nhất mức hỗ trợ giải quyết sự cố là 800 triệu đồng. Gia đình ông Đoàn Hiển cam kết bàn giao mặt bằng sạch cho công ty trước ngày 21/4 trước sự chứng giám của lãnh đạo UBND xã Triệu Lăng.
Chuyển “điểm nóng” thành “điểm sáng”
Việc tranh chấp địa giới hành chính giữa xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế và xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị diễn ra từ mấy chục năm nay và có những thời điểm phát sinh mâu thuẫn gay gắt khi người dân thôn Hồng Thủy ngăn cản việc xây dựng nhà ở của người dân thôn A Bung, đốt phá chòi canh rừng, xô xát gây thương tích đối với người dân xã A Bung…
Vậy nhưng trong suốt thời gian dài xảy ra tranh chấp, người dân thôn A Bung (nơi có ranh giới xảy ra tranh chấp) một lòng chờ đợi kết quả giải quyết của chính quyền cấp trên, không có hành động gây hấn, trả đũa. Để có kết quả đó là nhờ địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Anh Hồ Văn Lo năm nay tròn 33 tuổi. Tính ra, số tuổi của anh còn nhỏ hơn so với số năm xảy ra tranh chấp địa giới hành chính giữa hai thôn A Bung và thôn 6, 7 xã Hồng Thủy. Anh kể, tầm 10 tuổi đã nghe người lớn trong thôn kể về việc đất thôn A Bung cho xã Hồng Thủy mượn, rồi dẫn đến tranh chấp. Sau này lớn lên, tham gia vào công tác Mặt trận ở địa phương, anh Hồ Văn Lo mới hiểu rõ hơn về vụ việc cũng như nỗi lòng của người dân trong thôn. Bao nhiêu năm qua, khi vụ việc chưa được giải quyết là chừng đó thời gian, người dân thôn A Bung như có tảng đá đè nặng trong lòng. Người dân quan niệm rằng, đất do cha ông họ đời xưa để lại, có mượn thì phải có trả, thế nên chừng nào đất chưa được trả thì gánh nặng trong lòng họ chưa vơi. Tuy nhiên, phía xã Hồng Thủy lại có lập luận khác, vì vậy cuộc tranh chấp cứ kéo dài hàng chục năm nay. Anh Hồ Văn Lo cho biết: Mình cũng là con dân thôn A Bung nên hiểu được tâm trạng bất an, tâm lí ấm ức của bà con. Nhưng mình là cán bộ, mình phải giải tỏa trong dân những ấm ức, bất an đó để tập trung ổn định sản xuất, tránh gây mất an ninh trật tự và phải tin vào chủ trương giải quyết của cấp trên.
Nghĩ vậy, anh Lo tích cực vận động bà con kiềm chế cơn giận dữ của mình và có phương pháp khéo léo để hóa giải những mâu thuẫn có thể phát sinh “điểm nóng”. Đơn cử như năm 2018, ông Hồ Văn Oanh, một hộ nghèo của thôn A Bung có nhu cầu dựng nhà mới trên phần đất của gia đình đã được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ. Vậy nhưng một số người dân xã Hồng Thủy cho rằng đất đó đang tranh chấp nên ngăn cản, thậm chí ra “tối hậu thư” trong vòng 3 ngày không tháo dỡ việc xây dựng thì sẽ áp dụng lệnh cưỡng chế. Không chỉ ông Hồ Văn Oanh bức xúc mà người dân thôn A Bung ai nấy đều bất bình. Người dân đặt câu hỏi: Tại sao làm nhà trên chính đất đai bao năm nay mình sinh sống lại bị ngăn cấm? Anh Hồ Văn Lo một mặt động viên ông Oanh, một mặt tổ chức họp dân để khuyên bà con bình tĩnh, tránh làm rối ren thêm tình hình. Nhưng anh cũng xác định ngoài việc khuyên bà con không nên manh động cần phải có biện pháp kiên quyết để một số người dân ở thôn Hồng Thủy không được đà lấn tới. Anh đã huy động gia đình ông Oanh chuẩn bị đầy đủ vật liệu, kêu gọi bà con trong thôn cùng giúp sức để hoàn tất việc dựng nhà cho ông Oanh trong vòng một ngày, không kéo dài thời gian để bên kia có cớ ngăn cản. Anh cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động mà người dân thôn A Bung yên tâm sản xuất. Trước đây người dân luôn lo lắng làm rẫy, trồng cây sẽ bị ngăn cản, chặt phá nên không dám làm. Chính quyền xã phải tích cực vào cuộc, vừa vận động dân, vừa tổ chức các buổi làm việc với xã Hồng Thủy để đảm bảo diện tích đất canh tác cho bà con.
Với ông Hồ Văn Hùng, người có uy tín ở thôn A Bung, thì quan điểm của ông từ trước đến nay vẫn luôn vận động bà con phải đoàn kết vì hai thôn vốn cùng một dân tộc, lại có nhiều mối quan hệ thân thuộc, gần gũi với nhau. Ông luôn khuyên mọi người rằng: Đất đai là quý nhưng có nhiều thứ còn quý hơn đất đai nhiều, đó là giữ gìn nét đẹp văn hóa, mối quan hệ láng giềng, bà con giữa hai thôn. Năm 2018, sau nhiều lần một số người dân xã Hồng Thủy kéo sang đốt phá chòi canh rừng của xã A Bung dẫn đến xô xát gây thương tích đối với người, một số thanh niên trong thôn bày tỏ quan điểm muốn đáp trả lại hành động đó. Ông khuyên: “Họ đang là lửa thì mình phải là nước. Nếu mình là dầu thì sẽ thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ, đám cháy vì thế sẽ lan rộng hơn. Bên cạnh chúng ta còn có chính quyền các cấp, chúng ta phải chờ đợi và tin tưởng vào họ”. Ông Hùng cho biết thêm, người dân thôn A Bung vốn rất tin vào Đảng, Nhà nước nên bao nhiêu năm nay, dù việc tranh chấp địa giới hành chính với thôn 6,7 của xã Hồng Thủy có những lúc đẩy lên cực điểm, họ vẫn tin tưởng một ngày vụ việc sẽ được giải quyết. Nếu muốn có hành vi đáp trả, chỉ cần người dân thôn A Bung chặn con đường nội thôn thì sẽ gây khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa cho nhiều người dân thôn 6, 7. Bằng tiếng nói của mình, ông còn vận động một số gia đình có người thân ở xã Hồng Thủy tuyên truyền đến người thân của mình về tinh thần đoàn kết, chủ trương giải quyết vụ việc tranh chấp theo quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Ông Hồ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết: Chúng tôi luôn quan niệm rằng trong bất cứ tình huống nào cũng không được phát sinh “điểm nóng”, phải xây dựng bản làng thành những “điểm sáng” về phát triển kinh tế-xã hội và ổn định chính trị- xã hội. Muốn vậy, công tác dân vận phải được đặt lên hàng đầu. Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kì họp thứ 10, HĐND xã A Bung, các đại biểu đã thông tin cho người dân nội dung của Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ ngày 13/5/2019 về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế tại hai khu vực do lịch sử để lại. Trong đó có nội dung, căn cứ đường địa giới hành chính đã được xác định tại thực địa và trên bản đồ, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ bàn giao toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của hai thôn 6, 7 cho tỉnh Quảng Trị quản lí. Người dân A Bung rất vui mừng và một lòng tin theo Đảng, cảm giác như được dỡ bỏ tảng đá đè nặng trong lòng họ bấy lâu nay...
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141426