Những 'người hùng thầm lặng' trong thương mại toàn cầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phụ thuộc thương mại ngày càng gia tăng, 'những người hùng thầm lặng' đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thế giới.

Ở nhiều quốc gia, người nhập cư là một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất. Trong chiến dịch vận động tranh cử, nhiều chính trị gia thậm chí cam kết cấm người nhập cư hoặc có biện pháp mạnh tay với nhóm người này.

Tuy nhiên, theo trang tin The Conversation, vấn đề người nhập cư không phải là tiêu cực hoàn toàn, thậm chí họ còn được xem là những "người hùng thầm lặng" trong thương mại toàn cầu.

Theo đó, ở góc nhìn khác, người nhập cư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia tiếp nhận họ. Nhóm người này cũng có thể nâng cao vị thế của các quốc gia tiếp nhận họ và quốc gia quê hương của họ trong chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần vào khả năng phục hồi kinh tế.

 Người nhập cư bị Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ bắt sau khi vượt biên vào Mỹ từ Mexico vào năm 2022. Ảnh: REUTERS

Người nhập cư bị Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ bắt sau khi vượt biên vào Mỹ từ Mexico vào năm 2022. Ảnh: REUTERS

Cầu nối quan trọng

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, các sản phẩm hiếm khi được sản xuất hoàn toàn tại một quốc gia. Thay vào đó, các giai đoạn sản xuất khác nhau diễn ra ở nhiều quốc gia.

Thương mại trong giá trị gia tăng (TiVA) đo lường sự đóng góp của mỗi quốc gia vào sản phẩm cuối cùng, cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về chuỗi giá trị toàn cầu. Đơn cử, iPhone có thể được lắp ráp tại Trung Quốc (TQ) nhưng các thành phần của nó được sản xuất từ nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, mỗi quốc gia đều tạo ra giá trị gia tăng.

Theo nghiên cứu của GS Bedassa Tadesse (công tác tại ĐH Minnesota Duluth, Mỹ) và GS Roger White (công tác tại ĐH Whittier, Mỹ), việc tăng lượng người nhập cư đến các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giúp tăng TiVA của các quốc gia này.

Để hiểu cách thức hoạt động của quá trình này, có thể xem xét ví dụ về các kỹ sư phần mềm người Ấn Độ làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ).

Những kỹ sư này có hiểu biết sâu sắc về ngành công nghệ Mỹ và lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ. Điều này có thể tạo ra mối quan hệ giữa các công ty Mỹ và Ấn Độ, thúc đẩy các công ty Ấn Độ cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ.

Kết quả là mặt hàng được tạo ra bằng cách kết hợp chuyên môn của Ấn Độ với công nghệ của Mỹ. Và khi xuất khẩu, giá trị của mặt hàng này có thể cao hơn mặt hàng thông thường.

Một ví dụ khác những người nhập cư TQ làm việc tại ngành thời trang của Ý. Kiến thức văn hóa của những người TQ có thể giúp các thương hiệu xa xỉ của Ý điều chỉnh sản phẩm cho thị trường TQ và kết nối các nhà thiết kế Ý với những công nhân dệt may có tay nghề cao tại TQ.

Kết quả, hàng xuất khẩu thời trang của Ý kết hợp nghề thủ công TQ sẽ giúp nâng cao vị thế của cả hai quốc gia trong chuỗi giá trị thời trang toàn cầu.

Nghiên cứu của GS Tadesse và GS White cũng phát hiện ra người nhập cư là cầu nối quan trọng trong mạng lưới thương mại toàn cầu. Họ tận dụng kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ độc đáo của họ để củng cố mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia. Điều này cũng cho thấy vai trò quan trọng của những người nhập cư trong việc thúc đẩy thương mại song phương giữa các nước.

 Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha hỗ trợ một người nhập cư đến nước này bằng đường biển vào năm 2023. Ảnh: REUTERS

Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha hỗ trợ một người nhập cư đến nước này bằng đường biển vào năm 2023. Ảnh: REUTERS

Tầm quan trọng của người nhập cư

Trong bối cảnh các học thuyết hoài nghi về toàn cầu hóa và di cư ngày càng phổ biến, việc hiểu được những tác động kinh tế tích cực của nhập cư là rất quan trọng. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thay vì "đánh cắp việc làm", những người nhập cư thường tạo ra giá trị và cơ hội kinh tế mới.

Những người nhập cư mang đến các kỹ năng, kiến thức và mạng lưới quan hệ đa dạng cho quốc gia tiếp nhận họ. Điều này có thể thúc đẩy sự đổi mới, giảm tình trạng thiếu hụt lao động và mở ra các cơ hội thị trường mới. Những người nhập cư thường có những hiểu biết độc đáo về thị trường tại quê hương họ, giúp các công ty tại nước tiếp nhận họ có thể thay đổi các phương thức kinh doanh để phù hợp với thị trường quê hương họ.

Ngược lại, đối với quê nhà, người di cư có thể đóng vai trò là đại sứ văn hóa, nâng cao nhận thức, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, đồng thời giúp đưa quê hương của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những người nhập cư cũng có thể đóng góp vào việc chuyển giao kiến thức, dòng đầu tư và kết nối kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quê hương và quốc gia tiếp nhận họ.

Hơn nữa, khả năng tăng cường TiVA của người nhập cư cho thấy họ đóng vai trò đưa các quốc gia xếp hạng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, vì các quốc gia có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng nhận được nhiều lợi ích hơn so với các quốc gia có vị trí thấp hơn trong chuỗi giá trị.

Góc nhìn mới về nhập cư

Theo GS Tadesse và GS White, khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phát triển, với các chuỗi giá trị ngày càng phức tạp và kết nối chặt chẽ hơn, vai trò của người nhập cư có khả năng trở nên quan trọng hơn nữa. Các quốc gia nhận ra và tận dụng tiềm năng này sẽ có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Bằng cách tạo ra các mối liên kết thương mại phức tạp và thúc đẩy sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, người nhập cư đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, khác với những quan điểm tiêu cực về người nhập cư trước đây.

Từ quan điểm này, GS Tadesse và GS White cho rằng các chính sách hạn chế nhập cư có thể gây ra hậu quả không mong muốn, cản trở hiệu suất thương mại và vị thế của các quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-nguoi-hung-tham-lang-trong-thuong-mai-toan-cau-post811184.html