Những người lính biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Bài 1: Dân nghe bộ đội ở nhà

(QTO) - Ăn lán, ngủ rừng, ngày đội nắng, đêm chịu giá lạnh cùng muôn vàn khó khăn thiếu thốn..., đó là tất cả những điều mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng các chốt dọc tuyến biên giới phải đối mặt trong trận chiến chống COVID-19. Chân dung người lính biên phòng trên chốt với đôi mắt quầng thâm mất ngủ, đôi môi thâm giá rét, thân thể cháy nắng nơi núi rừng biên viễn. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những “chốt thép” vẫn hiên ngang trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc.

 Bữa cơm muộn của các chiến sĩ trực trên chốt. Ảnh: MT

Bữa cơm muộn của các chiến sĩ trực trên chốt. Ảnh: MT

Lập “chốt thép” chống dịch bệnh

14 giờ 17 phút chiều 10/4/2020, sau hơn một giờ leo dốc, chúng tôi có mặt tại chốt 34, Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Chốt 34 có năm cán bộ, chiến sĩ và một dân quân canh giữ, tuần tra biên giới. Tốp trực chiến tại chốt đang chờ tổ tuần tra trở về để ăn trưa. Đang cầm bát chuẩn bị ăn cơm thì nhận được thông tin về một số người tìm cách nhập cảnh trái phép nên tổ tuần tra vội lên đường làm nhiệm vụ. Nhìn mâm cơm đơn sơ, quá bữa đã nguội ngắt được bày trên sạp kết bằng tre nứa, ly nước mời khách cắt từ lon nước ngọt cũ, mấy bộ quân phục treo góc lán khô cứng vì sương muối, chúng tôi ai nấy đều không khỏi nao lòng.

Đồn Biên phòng Ba Tầng phụ trách hai xã A Dơi và Ba Tầng với chiều dài biên giới 12 km. Ngay từ khi xảy ra COVID-19, đơn vị đã lập 7 chốt cố định và một tổ lưu động trực chiến 24/24 giờ. Giữa rừng núi cao thiếu thốn trăm bề, thời tiết khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ chống lại cái lạnh bằng việc nhóm lửa sưởi ấm. Nhiều điểm chốt không có điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại di động, nhưng những người lính biên phòng vẫn bám trụ để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép.

Đại úy Lê Anh Tuấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thuận cho hay, đơn vị được giao tuần tra kiểm soát khu vực dài 13 km ven sông Sêpôn. Phía bên kia sông có hàng trăm người dân Lào sinh sống có mối quan hệ thân tộc với người dân địa phương ở Việt Nam. Để ngăn đại dịch, Đồn Biên phòng Thuận lập 10 chốt cùng với lực lượng công an, dân quân kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người dân, đồng thời lập tổ cơ động với 30 chiến sĩ thường trực sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

 Bộ đội Biên phòng tuần tra đêm. Ảnh: MT

Bộ đội Biên phòng tuần tra đêm. Ảnh: MT

Ngược theo dòng Sêpôn lên phía Tây Quảng Trị, các chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đang ngày đêm căng mình chống dịch. Thượng tá Hoàng Hữu Thiện, Đồn trưởng cho biết, hiện đơn vị đang huy động hầu như toàn bộ lực lượng triển khai 22 chốt cố định, 1 tổ ca nô để chốt chặn các đường mòn, bến sông, tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới. Những ngày đầu lập chốt, công việc của các chiến sĩ biên phòng chủ yếu là tuyên truyền vận động người dân, nhưng về sau còn vất vả hơn khi phải đấu tranh với các trường hợp cố tình xuất, nhập cảnh trái phép, đấu tranh với các loại tội phạm.

Đêm 14/4/2020, chúng tôi theo các anh trong một chuyến tuần tra đêm dọc tuyến biên giới sông Sêpôn. Mùa này nước sông cạn nên có nhiều đoạn sông qua lại rất dễ dàng. Bên cạnh đó, tội phạm về ma túy lợi dụng tình hình dịch bệnh để xuất nhập cảnh trái phép hoạt động. Thế nên vào buổi chiều, cán bộ chiến sĩ phải căng mắt “xem dân tắm” để đối phó với thủ đoạn nhập cảnh trái phép. Những đêm nghi ngờ có động tĩnh từ bên kia biên giới là phải thức trắng. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép bằng cách này bị phát hiện, đưa đi cách ly theo quy định.

Tỉnh Quảng Trị có tuyến biên giới trên đất liền với nước bạn Lào dài 179,345 km, với 2 cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu phụ. Để chủ động phòng, chống COVID - 19, lực lượng chức năng tại các cặp cửa khẩu 2 nước thống nhất thay đổi quy trình kiểm soát, ưu tiên chống dịch. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành đóng các cửa khẩu phụ, tăng cường kiểm soát người qua lại biên giới, lập hơn 100 chốt và tổ lưu động kiểm soát dọc chiều dài tuyến biên giới. Từ ngày 1/4/2020 đến 8/4/2020, lực lượng biên phòng trên toàn tuyến biên giới bắt giữ 17 vụ với 30 trường hợp nhập cảnh trái phép.

Thượng tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID- 19 Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 5 đợt ra quân lên các chốt biên giới. Thời gian tới, tiếp tục động viên cán bộ, chiến sĩ tình nguyện lên biên giới để tăng dày thêm số lượng chốt dọc tuyến. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” cán bộ, chiến sĩ, quyết tâm không để dịch bệnh từ biên giới tràn vào nội địa.

“Có đường thì đi, có nhà thì đến”

Dọc tuyến biên giới thuộc địa phận huyện Hướng Hóa và Đakrông chủ yếu là đồng bào Vân Kiều và Pa Kô sinh sống. Với đặc thù địa bàn phức tạp, trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán sinh hoạt mang tính cộng đồng nên rất dễ lây lan nếu có dịch bệnh xảy ra. Để phòng, chống dịch hiệu quả ngay từ khu vực biên giới, một trong những nhiệm vụ quan trọng được lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Trị chú trọng triển khai là công tác tuyên truyền vận động.

 Về với bản làng để tuyên truyền phòng, chống COVID-19. Ảnh: MT

Về với bản làng để tuyên truyền phòng, chống COVID-19. Ảnh: MT

Đại úy Vũ Văn Trung, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, sau khi có Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, thay vì tập trung bà con để tuyên truyền, lực lượng biên phòng đã triển khai các tổ tuyên truyền lưu động “Có đường thì đi, có nhà thì đến” để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” dùng loa phát thanh truyền bản tin của Bộ Y tế về dịch, phát hàng chục nghìn tờ rơi thông tin đến tận nhà, trao tận tay người dân. Tổ công tác kết hợp với y tế thôn bản hướng dẫn cho người dân vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người. Qua đó bám sát địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, gây hoang mang trong người dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vừa là một tuyên truyền viên, vừa là chiến sĩ quân y trên mặt trận chống dịch bệnh. Ăm Mết, Trưởng thôn Ba Lòng, xã Ba Tầng cho biết: “Qua thông tin nói về bệnh dịch rất nguy hiểm nên dân bản rất hoang mang. Nhờ bộ đội biên phòng tuyên truyền, phát khẩu trang và hướng dẫn cách phòng, chống nên đồng bào yên tâm thực hiện”.

Theo Thượng tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, những năm gần đây, nhiều người dân tại địa phương sang địa bàn nước bạn Lào để thuê đất làm rẫy, trồng sắn, trồng chuối phát triển kinh tế. Nay đến mùa thu hoạch nhưng có lệnh cấm nên những ngày qua không thể qua lại được. Ban đầu, do chưa nắm được diễn biến, nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, vài trường hợp vẫn lén lút qua lại hai bên biên giới. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền, người dân đã chấp hành khá nghiêm túc.

 Cán bộ biên phòng hướng dẫn đồng bào đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: MT

Cán bộ biên phòng hướng dẫn đồng bào đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: MT

Chúng tôi đến nhà ông Hồ Thà, người dân bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Trong ngôi nhà sàn nhỏ, 8 thành viên gia đình vẫn đông đủ bên bếp lửa sưởi ấm. Ông Thà chia sẻ: “Trước đây mình thường qua lại bên biên giới để làm rẫy, giờ biết rồi thì phải khác. Cả tháng nay bộ đội phải ở ngoài rừng chống dịch vì dân bản, thì dân bản nghe lời bộ đội ở nhà thôi”. Là một trong nhiều hộ đồng bào bị thiệt hại nặng về kinh tế do chuối, lúa đã chín mà không thu hoạch được, anh Hồ Văn Thành ở thôn Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa bỏ lại rẫy chuối hơn 700 cây cùng ruộng lúa đang độ thu hoạch phía bên kia biên giới để ở nhà chống dịch. Tính ra như vụ trước, gia đình anh Thành cũng thu về ít nhất từ 20-30 triệu đồng, đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với người dân nghèo nơi đây. “Rẫy không làm vụ này thì có thể làm vụ khác, tiền hôm nay không có thì mai kiếm được, nhưng dịch bệnh lây lan gây chết người thì mất hết”, anh Thành bộc bạch.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức 600 lượt tuyên truyền, in ấn và cấp phát miễn phí 23 nghìn tờ rơi, phát hàng nghìn khẩu trang và xà phòng cho đồng bào dân tộc thiểu số dọc biên giới để phòng tránh dịch bệnh. Qua tuyên truyền, người dân nâng cao nhận thức về COVID- 19, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo cũng như tinh thần phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan, ban, ngành ở địa phương. Một khi người dân đã hiểu và chấp hành nghiêm quy định, thì công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn.

Minh Tuấn

Kỳ sau, bài 2: Việt - Lào đùm bọc nhau trong gian khó

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=147688